Thí sinh căng thẳng nộp, rút hồ sơ xét tuyển

(Dân trí) - Ghi nhận tại nhiều trường ở TPHCM, từ hôm qua đến nay có rất nhiều thí sinh điểm cao đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Bên cạnh đó cũng có một loạt thí sinh “tháo chạy” khỏi những trường có số lượng thí sinh đăng ký nhiều. Những thay đổi này làm cho diễn biến những ngày cuối đợt 1 xét tuyển ĐH-CĐ có nhiều biến động.

Rối bời chuyện rút, nộp hồ sơ

180815-thi-sinh-den-rut-ho-so-tai-truong-dh-su-pham-tphcm-20d76
Thí sinh đến rút hồ sơ tại trường ĐH Sư phạm TPHCM

Tại trường ĐH Sư phạm TPHCM, thí sinh Võ Thu Thùy ở huyện Ba Tri (Bến Tre) cùng mẹ cũng chen chân đến rút hồ sơ. Cô Hà, mẹ của thí sinh này than thở: “Theo con tham gia vào công cuộc đăng ký xét tuyển vào ĐH mà đuối quá”. Cả nhà chỉ có mỗi Thùy là học tốt nên đều tính đến chuyện cho con vào ĐH nhưng không ngờ năm nay con đường này quá gian nan. Điểm khối A của Thùy kể cả điểm ưu tiên khu vực là 25 điểm, ban đầu gia đình khấp khởi vì cánh cửa ĐH sẽ rộng mở với em. Tuy nhiên với tình hình này em thấy bối rối vô cùng. Thùy đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Toán; nguyện vọng 2 vào ngành Sư phạm Hóa học nhưng giờ em đòi rút ra vì sợ khó đậu.

Mẹ Thùy chia sẻ nhà ở quê không có internet nên mỗi lần muốn tra cứu điểm, Thùy phải chạy ra tiệm net nhưng không phải lúc nào cũng vào xem được. “Tôi bảo con thôi cứ để hồ sơ đó chờ xem thế nào hãy rút nhưng con bé không chịu nó bảo nghe bạn nói là ngành Sư phạm Toán của trường ĐH Cần Thơ vẫn còn chỉ tiêu. Từ đầu tới giờ tốn mấy triệu đồng để lên Sài Gòn nộp, rút hồ sơ rồi. Giờ lại phải chạy về Cần Thơ để nộp cho kịp thời gian”, cô Hà thở dài.

Thí sinh Ngọc Trâm quê Bình Thuận phải đi từ sáng sớm vào TPHCM để rút hồ sơ. May là khâu rút hồ sơ của trường ĐH Sư phạm đã tốt hơn những ngày trước nên em chỉ mất 15 phút là nhận lại được giấy báo điểm của mình.

Theo dõi số lượng thí sinh nộp vào trường thời gian qua, Trâm quyết định nhanh chóng rút hồ sơ để chuyển sang trường khác trước khi kết thúc đợt xét tuyển. “Với tổng điểm 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh là 27 điểm (đã nhân hệ số môn Anh) thì em nhẩm mình không có cửa vào ngành Ngữ văn Nga Anh nên chuyển qua đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Trung Anh của trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Ngày 3/8, thí sinh Đoàn Thị Sa quê ở Đăk Nông đạt tổng điểm là 22 điểm (tính luôn điểm ưu tiên) nộp qua đường bưu điện vào ngành Sư phạm Ngữ văn. Theo dõi điểm chuẩn tạm thời của ngành này thì em còn thiếu 0,5 điểm nên em phải xuống tận trường rút hồ sơ nộp sang trường ĐH Sài Gòn cũng vào ngành Sư phạm Văn.

Em Vũ Thị Ngọc Thêm ở Bến Tre đạt 17 điểm khối A, ban đầu đăng ký vào ngành Sư phạm Tiểu học nhưng với tình hình này thì em đành từ bỏ ước mơ làm cô giáo để chuyển qua đăng ký ngành Kế toán của trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng.

Càng về cuối điểm càng tăng

180815-phu-huynh-cung-theo-doi-thong-tin-tuyen-sinh-de-cung-con-vao-cuoc-nop-rut-ho-so-97a49
Phụ huynh cũng căng thẳng theo dõi thông tin tuyển sinh để cùng con “vào cuộc” nộp rút hồ sơ

Ths Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm cho biết từ hôm qua đến nay có khoảng 500 hồ sơ được nộp vào trường nhưng cũng tương ứng với số lượng ấy hồ sơ được rút ra. Đặc biệt, những thí sinh nộp hồ sơ vào đều có mức điểm khá cao từ 18 điểm trở lên. Đặc biệt là mức điểm từ 21-22 xuất hiện khá nhiều. Do đó điểm chuẩn dự kiến các ngành đều tăng lên 0,5 điểm mỗi ngày.

Ông Sơn lưu ý, thời điểm này thí sinh nên ở nhà theo dõi kỹ thông tin rồi hãy quyết định nộp hồ sơ đăng ký. “Các em nhìn vào ngưỡng điểm an toàn thấy điểm mình cao hơn 0,5 điểm trở lên thì hãy nộp vào. Đồng thời thí sinh cân nhắc việc nộp, rút hồ sơ qua đường bưu điện hoặc tại trường THPT thay vì chạy lên đến tận trường vừa tốn kém vừa mất sức vì sẽ phải chờ lâu”.

Còn TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa TPHCM thì cho rằng đến thời điểm này thí sinh không nên quan tâm đến số lượng hồ sơ rút ra nộp vào nữa. Thay vào đó các em hãy theo dõi điểm ngưỡng xét tuyển tạm thời mà các trường công bố để có quyết định hợp lý cho mình.

Bên cạnh việc công bố điểm xét tuyển tạm thời thì trường ĐH Bách khoa cũng có công cụ tra cứu thí sinh trúng tuyển tạm thời. Các thí sinh có thể căn cứ vào các thống kê này để cân nhắc việc nộp, rút hồ sơ dựa vào lượng thí sinh đã tạm dự kiến gọi nhập học, số lượng thí sinh dự kiến gọi nhập học

Theo TS Thông, thí sinh hãy chờ hết ngày hôm nay xem biến động của điểm nếu thấy mức điểm của mình thấp hơn điểm chuẩn tạm thời là 0,25 thì thì hãy rút hồ sơ.

Trường nhắn tin cho thí sinh đến rút hồ sơ

Trong khi đó, tại trường ĐH Kinh tế TPHCM, thời điểm này đã có 5.062 hồ sơ được đăng ký. Trường này cũng công bố điểm chuẩn dự kiến tính đến 20 giờ ngày 17/8. Theo đó, các ngành (trừ chuyên ngành Tiếng Anh thương mại): 23.00 điểm; điểm tiêu chí phụ (môn Toán) từ 7,5 trở lên; Chuyên ngành Tiếng Anh thương mại: 31.5 điểm (môn Tiếng Anh đã nhân hệ số 2).

Điều đáng chú là trường này có hành động rất nhân văn đối với thí sinh khi nhắn tin cho những em dưới điểm chuẩn tạm thời đến rút hồ sơ để có cơ hội nộp sang trường khác. Được biết, đến hết ngày 17/8 đã có 700 thí sinh rút hồ sơ do điểm thấp hơn điểm chuẩn tạm thời trường công bố.

Lê Phương

(Email lephuong@dantri.com.vn)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm