Thí sinh băn khoăn liệu có việc làm sau khi học sư phạm ra trường
(Dân trí) - Chiều 27/2, gần 4.000 học sinh lớp 12 tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 tổ chức tại trường THPT chuyên Quốc Học Huế.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế và trường THPT chuyên Quốc Học Huế phối hợp tổ chức. Tham gia có các chuyên gia tư vấn đến từ nhiều trường đại học tại Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia đến từ Bộ GD-ĐT nhằm cung cấp cho học sinh những thông tin chung nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2016.
Ở phần tư vấn chung, nhiều câu hỏi liên quan đến ngành sư phạm đã được các thí sinh đặt ra cho ban tư vấn như vấn đề xét tuyển, có hay không yêu cầu sơ tuyển… TS. Lê Thanh Phúc - Trưởng khoa đào tạo chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dành 400 chỉ tiêu chiếm 10% tổng số chỉ tiêu để tuyển sinh các ngành Sư phạm kỹ thuật.
Chương trình Sư phạm Kỹ thuật khác với chương trình Kỹ thuật ở chỗ thời gian học là 4,5 năm thay vì 4 năm. Khối kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành là hoàn toàn giống nhau. SV được học các kiến thức về sư phạm. Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng Kỹ sư và Chứng chỉ sư phạm. Nhờ vậy, khả năng xin được việc làm tăng lên gấp đôi. Sinh viên tốt nghiệp có thể giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên, làm giáo viên dạy kỹ thuật trong các trường phổ thông và đương nhiên có thể làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với kiến thức của bằng kỹ sư.
Đặc biệt các thí sinh đã hỏi “xoáy thẳng” vào việc làm sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, như “Kế hoạch trong 5 năm tới, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nữa không?”; “Em thật sự thích nghề giáo nhưng thấy nhiều anh chị học sư phạm ra trường không có được đi dạy. Sau khi tốt nghiệp thì làm sao mới được vào dạy ở các trường THPT? Nếu không đi dạy được với tấm bằng sư phạm em có thể làm việc gì khác?”.
GS.TS. Lê Văn Thuyết, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Huế đã trả lời: Ngành Sư phạm đang giảm chỉ tiêu đào tạo, đây là động thái của ngành để đảm bảo chất lượng đào tạo và đồng thời đảm bảo cho tương lai của các SV tốt nghiệp ngành sư phạm. Hàng năm, luôn có một lực lượng rất lớn các giáo viên nghỉ hưu hoặc cần giáo viên giảng dạy các môn mới . Vì thế, việc tuyển dụng một lực lượng mới bắt buộc phải có. Và thông tin tuyển dụng theo tôi thấy thì luôn được các Sở Giáo dục và Đào tạo/trường công bố rất sớm trên các phương tiện truyền thông.
Do đó, không chỉ là 5 năm tới, mà thực tế là hàng năm tỉnh/trường luôn có nhu cầu tuyển dụng giáo viên. Chỉ cần các bạn để tâm tìm hiểu thông tin, thì việc tiếp cận các thông tin tuyển dụng giáo viên là hoàn toàn không khó.
GS. Thuyết cho biết, “ngoài kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ sư phạm tốt thì các bạn phải chú ý đến việc trau dồi ngoại ngữ, sử dụng thành thạo máy tính, các phần mềm thông dụng, tham gia nghiên cứu khoa học... Nếu các bạn có một sự chuẩn bị đầy đủ như vậy, thì tôi tin rằng khi các bạn giới thiệu về bản thân mình, sẽ không trường nào từ chối bạn được cả. Ngoài ra, bây giờ Tiếng Anh đóng vai trò quá quan trọng, ví dụ giảng dạy chuyên môn ở các trường PTTH bằng tiếng Anh, nên vì vậy. Tôi giới thiệu để các bạn cũng cần chú ý đến SP Toán, Tin, Hóa, Sinh, ngành Vật lý tiên tiến mỗi ngành có 30 chỉ tiêu đào tạo bằng tiếng Anh.
Theo tôi thì dù bạn học bất cứ ngành nghề nào, khi bản thân đã có sự chuẩn bị đầy đủ, bạn là người có năng lực thực sự, thì bạn có thể thích nghi và làm tốt mọi công việc. Thêm nữa, với sự đào tạo bài bản từ ngành sư phạm, thì các đức tính tốt của nghề nhà giáo như tính kỷ luật, sắp xếp thời gian, khả năng trình bày trước đám đông, sự nhã nhặn, làm việc với tập thể tốt,... càng giúp các bạn rất nhiều khi các bạn làm việc ở các môi trường khác”.
Bên cạnh các câu hỏi về ngành Sư phạm thì cũng có nhiều câu hỏi liên quan đến các khối trường, ngành khác, như các trường thành viên ĐH Đà Nẵng có yêu cầu thí sinh phải có học lực các năm THPT đạt từ 6,5 trở lên không? Đại diện ĐH Đà Nẵng trả lời: “Tuyển sinh năm 2016, ĐH Đà Nẵng sẽ áp dụng phương thức tuyển cụ thể đối với 2 nhóm trường. Nhóm thứ nhất gồm các trường đại học: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ và Y dược. Nhóm này sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia của các thí sinh dự thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Nhóm thứ hai gồm các trường cao đẳng (CĐ Công nghệ và CĐ Công nghệ thông tin), Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh và Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum. Nhóm này sẽ xét tuyển theo 2 phương thức: xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia; xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 10, lớp 11 và Học kỳ 1 của lớp 12. Điểm xét tuyển là điểm trung bình môn học dùng để xét tuyển với điều kiện là >=6,0.
Như vậy, ĐH Đà Nẵng không áp dụng việc sử dụng học lực và hạnh kiểm trong việc xét tuyển, mà chỉ tính kết quả học tập các môn trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển”.
Về khối ngành quân đội, thí sinh cũng thắc mắc khi năm 2016, các trường khối quân đội có những quy định mới nào trong tuyển sinh? Việc sơ tuyển, xét tuyển vào trường quân đội có khác gì so với năm ngoái?
Trung tá Nguyễn Hùng Đông – trợ lý tuyển sinh Trường Sĩ quan Pháo binh trả lời: Năm 2016, các trường khối quân đội về cơ bản không có gì thay đổi trong việc sơ tuyển và xét tuyển. Ở phần sơ tuyển, trình tự các bước làm thủ tục, đăng ký mua hồ sơ sơ tuyển tại các địa phương, đơn vị vẫn giữ nguyên như năm 2015.
Một số tiêu chuẩn quy định riêng cho từng đối tượng được đăng chi tiết trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng trong quân đội năm 2016” do Bộ Quốc phòng ban hành. Ở phần xét tuyển, tùy thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ và nhu cầu sử dụng của từng quân binh chủng mà các trường được Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu đào tạo khác nhau. Thông tin chi tiết các em cầ tham khảo ở cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng trong quân đội năm 2016” do Bộ Quốc phòng ban hành và cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016” do Bộ GD-ĐT ban hành.
Một em học sinh vì chứng kiến kỳ tuyển sinh năm trước “sợ quá” đã đặt câu hỏi: “Em theo dõi mùa tuyển sinh ĐH năm ngoái thấy việc đăng ký xét tuyển mà sợ quá! Năm ni, không biết Bộ GD-ĐT có còn áp dụng cách xét tuyển như năm qua nữa không? Nếu có thay đổi thì việc này sẽ được thực hiện thế nào?”.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho hay “Năm 2016, Bộ GD-ĐT có thay đổi trong xét tuyển vào các trường ĐH. Thời gian xét tuyển các đợt bắt đầu từ 1-8 đến hết ngày 20/10 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15/11 đối với hệ CĐ. Đợt 1 bắt đầu từ 01/8 đến hết ngày 12/8, các đợt xét bổ sung cách nhau 10 ngày.
Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 tối đa 2 trường, mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành. Các đợt bổ sung, thí sinh đăng ký 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Thí sinh đã đăng ký xét tuyển rồi không được rút hồ sơ. Vì vậy thí sinh hãy cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Hình thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua bưu điện hoặc trực tuyến.
Cũng trong “dòng thời sự”, một thí sinh thắc mắc “Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 có nhiều thí sinh trúng tuyển, nhưng khi đến nhập học thì bị các trường trả về do khai không đúng chế độ ưu tiên khu vực hoặc đối tượng. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng đáng tiếc này?”.
PGS.TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế cho hay: “Về khách quan, từ năm 2014 trở về trước, các trường đại học, cao đẳng trực tiếp nhận hồ sơ dự thi của thí sinh và hồ sơ này đã được kiểm tra, điều chỉnh trước khi tổ chức kỳ thi và báo gọi nhập học nên ít xảy ra sai sót. Năm 2015, theo quy chế mới hồ sơ của thí sinh được các trường kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ gốc sau khi các em đến nhập học, nên xuất hiện tình trạng nêu trên.
Về chủ quan: Thứ nhất, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, thí sinh không nghiên cứu kỹ các quy định về chính sách ưu tiên, nên khai không chính xác về khu vực ưu tiên hoặc đối tượng ưu tiên. Thứ hai, một số thầy cô ở các trường THPT do không nắm kỹ hoặc chưa thật chu đáo khi hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi, nên dẫn đến việc khai không đúng với quy chế.
Để không xảy ra những sai sót như kỳ thi tuyển sinh năm 2015 về chế độ ưu tiên, theo thầy các em cần chú ý mấy vấn đề sau đây: Thứ nhất, phải nghiên cứu thật kỹ chính sách ưu tiên được ghi trong Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016; đồng thời chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan.
Thứ hai, trong các buổi tư vấn tuyển sinh và khi nhà trường tổ chức hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký dự thi, các em cần chú ý lắng nghe và nên nêu các câu hỏi nếu cảm thấy chưa rõ. Thứ ba, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi nếu cảm thấy chưa hiểu, các em nên hỏi trực tiếp các thầy cô nhận hồ sơ hoặc trực tiếp hỏi qua kênh tư vấn tuyển sinh của các trường đại học và cao đẳng.
Nếu em nào dự định đăng ký xét tuyển vào Đại học Huế, các em có thể gửi câu hỏi về chuyên mục “Hỏi đáp tuyển sinh” trên trang web tại địa chỉ: http://hueuni.edu.vn ; hoặc địa chỉ: tuvantuyensinh@hueuni.edu.vn
Liên quan đến vấn đề tuyển thẳng ở trường ĐH Quốc gia TP. HCM, bạn Nguyễn Ngọc Duy Anh – Trường THPT chuyên Quốc Học Huế hỏi: “Năm 2016, các trường thành viên ĐHQG TP.HCM có đổi mới đáng chú ý nào trong khâu xét tuyển? Em nghe nói năm nay ĐHQG TP.HCM sẽ tuyển thẳng học sinh tất cả các trường THPT chuyên trên cả nước? Thầy có thể cung cấp rõ hơn những thông này…”.
TS Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban đại học và sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM trả lời: Năm 2016, về cơ bản ĐH Quốc gia TP. HCM giữ ổn định phương thức tuyển sinh. Phương thức 2016 thực hiện trên 3 nhóm đối tượng: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng: thực hiện theo đúng quy chế chung do Bộ GD&ĐT Ban hành; Nhóm xét tuyển bằng kết quả thi TTHPT QG: căn cứ trên kết quả của các tổ hợp môn xét tuyển tương ứng của ngành; Nhóm ưu tiên xét tuyển: dành cho các học sinh xuất sắc thuộc các trường THPT xuất sắc
Năm 2015, trường đã thí điểm xét tuyển theo hình thức này cho đối tượng là học sinh của 5 trường THPT có điểm thi đại học năm 2014 cao nhất nước. Năm 2016, trường sẽ mở rộng quy mô cho đối tượng này cho tất cả các trường THPT chuyên và năng khiếu trên cả nước. Chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển là 10% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành/nhóm ngành.
Điều kiện cần để được xét tuyển: Là học sinh của các trường THPT chuyên, Năng khiếu, tốt nghiệp THPT năm 2016; Là học sinh Giỏi, Hạnh kiểm tốt trong cả 3 năm học THPT; Có thư giới thiệu của giáo viên trường THPT nơi học sinh học tập; Có bài viết tay mô tả được năng lực bản thân và sự phù hợp của bản thân với ngành và trường mà thí sinh đăng ký xét tuyển
Trong trường hợp số thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành/chuyên ngành vượt quá chỉ tiêu cho phép thì sẽ sắp xếp phân loại thí sinh trên cơ sở kết quả học tập trong 3 năm THPT để tuyển từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Thời gian nhận đăng ký xét tuyển: Đầu tháng 5/2016 đến đầu tháng 6/2016. Thời gian công bố kết quả xét tuyển: 15-20/6/2016. Thí sinh được công nhận trúng tuyển cần bổ sung đầy đủ hồ sơ và làm thủ tục nhập học trong khoảng thời gian từ 1/8 – 10/8/2016.
Sau phần tư vấn chung, các thí sinh tại Huế tham gia tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm như Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Du lịch; Khoa học tự nhiên – kỹ thuật – y dược – nông lâm; KHXH&NV – sư phạm – luật – quân đội – công an – năng khiếu… Và có cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các thầy cô ban tư vấn. Nhìn chung buổi tư vấn tuyển sinh đã làm thỏa lòng được hầu hết các thí sinh tại Huế.
Đại Dương