Thi học kỳ bậc phổ thông: Căng thẳng chuyện điểm số

Bước vào giai đoạn thi học kỳ I, nhiều học sinh phổ thông đang phải căng mình để ôn tập, học thêm… cốt sao để có điểm cao, làm “đẹp” sổ học bạ.

Tăng cường học “nhồi”

Vào thời điểm này, các trường phổ thông tại Hà Nội đang “nóng” chuyện thi học kỳ. Điểm thi học kỳ I rất quan trọng, có thể quyết định lực học, kết quả học tập của học sinh trong học kỳ đầu và cả năm học. Thế nên, quãng thời gian này, nhiều học sinh tiểu học, trung học đã tăng cường học ôn để có kết quả như mong đợi của phụ huynh.

Thi học kỳ bậc phổ thông: Căng thẳng chuyện điểm số
Kỳ thi học kỳ I năm học 2013-2014 đang khiến nhiều học sinh căng mình ôn tập để có kết quả như mong muốn của phụ huynh. (Ảnh: Q.Anh)

Dù con mới trải qua thi học kỳ I với những môn phụ, nhưng anh Đức Hùng, có con học lớp 6 Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã có kế hoạch tăng cường ôn tập cho con từ nhiều tuần nay. Anh Hùng chia sẻ: “Mới đầu nghĩ tụi nhỏ mới chỉ học lớp 6 nên gia đình cứ để tự học, không quan tâm lắm đến kết quả học tập. Thế nhưng, sau mấy lần con có điểm kiểm tra 1 tiết không cao, vợ chồng tôi mới tá hỏa sắp xếp thời gian để con học ôn. Ngoài học ở trường vào các buổi chiều, tôi còn thuê gia sư dạy kèm tại nhà tuần 3 buổi. Hàng ngày, lịch học của con luôn kín. Biết là con vất vả, nhưng không có cách nào khác, bởi kết quả thi học kỳ cũng rất quan trọng”.

“Quan điểm của tôi đã học thì phải kiểm tra, phải thi mới đánh giá được chất lượng, vấn đề là tổ chức kiểm tra, thi như thế nào cho khoa học, phù hợp thực tế giáo dục hiện nay. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, phụ huynh cũng không nên ép con mình học vượt quá khả năng, kỳ vọng để con mình thi vào trường nọ, trường kia mới vừa lòng. Học sinh vốn đã học nhiều, nay lại chịu thêm sức ép điểm số, dẫn đến căng thẳng và chán học”. - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý

Không quá thúc con học ôn, nhưng chị Thu Hà (Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) có con đang học lớp 8 Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) cũng không lơ là việc ôn tập của con. Chị Hà tâm sự: “Để chuẩn bị cho kỳ thi, cô giáo cũng cho đề cương, nhắn qua sổ liên lạc điện tử nhắc phụ huynh kèm cặp, ôn tập cho các con. Kỳ thi này không căng thẳng, nhưng đây cũng là dịp củng cố kiến thức cho con. Nếu con có học lực tốt, sau này thi vào trường THPT công lập cũng có chút lợi thế”.

Nói về chuyện chuẩn bị thi học kỳ của con, anh Hoàng Tuấn (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Con tôi mới học lớp 4 thôi, nhưng cũng phải cố để ôn tập cho cháu. Ngộ nhỡ điểm thi học kỳ của cháu thấp thì bố mẹ cũng mất vui mà con lại tự ti, xấu hổ với các bạn trong lớp. Thế nên tôi phải bố trí kèm cặp, ôn tập kỹ cho con trong thời gian này”.

Sức ép từ chuyển cấp

Từ đầu năm học đến nay, chị Ngọc Hoa (ở Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) có con học lớp 3, đã phải cho con đi học thêm nhiều nơi, với mục đích sau này cho cháu thi lớp 6 trường chuyên. Chị Hoa cho biết: “Ngay từ đầu năm học, tôi đã xin cho con được vào lớp của cô giáo dạy giỏi môn tiếng Việt, và cho con đi học thêm cả môn Toán nữa, tuần học thêm 6 buổi. Hàng ngày, bố mẹ cũng giao thêm bài tập cho con. Nếu không tăng cường học, điểm tổng kết thấp, chỉ còn nước về “trường làng” học cấp hai”.

Đối với học sinh THCS, áp lực cũng không hề nhỏ, bởi nhiều gia đình đã định hướng sớm cho con thi vào các trường THPT. Đối với kỳ thi vào THPT công lập, áp dụng theo hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển, nghĩa là điểm thi vào lớp 10 cộng với hệ số của tổng điểm các năm học THCS, điểm rèn luyện… nên điểm tổng kết càng cao, sẽ là một lợi thế khi thi vào THPT.

Nhiều phụ huynh có con học THPT cũng đang rất lo lắng, vì cho cho rằng sắp tới vào ĐH sẽ có phương án xét tuyển theo lực học phổ thông. Chị Thanh Tâm, có con học lớp 10 Trường THPT Quang Trung (quận Thanh Xuân) lo lắng: “Sắp tới có nhiều thông tin dự kiến bỏ thi đại học, hoặc kết hợp giữa kiểm tra đầu vào và xét học bạ THPT... Nên ngoài việc tập trung cho các môn thi ĐH, tôi cũng thúc cháu học để có kết quả năm học tốt hơn. Nhỡ đâu một, hai năm nữa áp dụng, mình không chuẩn bị trước, con mình sẽ thiệt thòi”.

Theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục, hiện nay chương trình học phổ thông vẫn còn nặng, hơn nữa chuyện kiểm tra, thi cử, nhất là thi đầu cấp rất căng thẳng, đã tạo ra sức ép khiến phụ huynh phải tăng cường cho con ôn tập, đi học thêm để có kết quả học tốt… Vô hình trung khiến cho học sinh chịu nhiều áp lực, không có thời gian vui chơi, giải trí, cảm thấy luôn nặng nề chuyện học, chuyện thi.

 

Theo Quang Anh

Gia đình & Xã hội