Thêm yêu Tổ quốc từ đề thi môn Sử

(Dân trí) - Tiếng trống thu bài vừa dứt cũng là lúc nhóm 6 thí sinh dự thi môn Lịch sử tại Hội đồng thi THPT Hà Đông (Hà Nội) vui vẻ buông bút và nộp bài cho giám thị. Ngay cổng trường thi, PV báo <i>Dân trí</i> đã ghi nhận những chia sẻ của các thí sinh về đề thi Sử năm nay.

Chiều nay, tại Hội đồng thi THPT Hà Đông (Hà Nội) có 6 thí sinh thi môn Lịch sử
Chiều nay, tại Hội đồng thi THPT Hà Đông (Hà Nội) có 6 thí sinh thi môn Lịch sử.
 
Em Nguyễn Tiến Đạt - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hà Đông, từng đoạt giải Khuyến khích môn lịch sử cấp thành phố Hà Nội năm 2014 cho biết: “Đề thi sử tạo cơ hội để chúng em có điều kiện nói lên quan điểm cá nhân. Đề thi môn Lịch sử liên quan tới những nội dung biển đảo của Việt Nam, nguyên tắc xử lý tranh chấp của Liên hợp quốc, các nguyên tắc hòa bình và trách nhiệm bảo vệ biển đảo. So với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013, em cảm thấy đề thi năm nay được nâng tầm lên, đòi hỏi người thi phải có sự liên hệ với các vấn đề khác nóng bỏng hiện nay.

Đứng ở cá nhân, em có thể làm tốt đề tài. Em ưng ý và thích với câu hỏi liên quan tới biển đảo (3 điểm).

Buổi sáng nay, đề thi Văn đã đề cập biển đảo. Chiều nay, đề thi môn Sử cũng nói tới biển đảo. Sự liên kết này giúp thí sinh như chúng em - thế hệ thanh niên hiện nay được dịp nói lên ý kiến của mình về biển đảo từ nhiều góc độ.

Em có thể mạnh dạn dự đoán, môn Địa lý ngày mai cũng sẽ ít nhiều liên quan tới vấn đề biển đảo. Nhiều bạn đã không lựa chọn bỏ môn Sử, ban đầu em cũng hoang mang nhưng em đã tự tin và hiểu rằng: Nếu mình yêu môn sử thì có thể vượt qua rất dễ dàng. Và thực tế bài thi hôm nay đã chứng minh".

Trong khi đó, em Võ Thị Thanh Huyền - lớp 12 A2 cho hay: “Đề thi giúp em liên hệ thực tiễn và truyền thống cha ông”. Em Huyền cho rằng đề thi này có khó hơn so với đề thi năm trước nhưng bám sát đội dung đào tạo trong nhà trường. Các nội dung thi đều phù hợp với nội dung đào tạo và giúp học sinh thể hiện quan điểm của mình rõ ràng hơn và tinh thần yêu nước khi trên ghế nhà trường.

“Đề chuẩn bị thi môn sử, em nghĩ không các bạn không cần phải thuộc lòng những số liệu và các ngày, tháng. Muốn gắn bó thì cần xuất phát từ tình yêu môn Lịch sử, sự tự hào với truyền thống cha ông, lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc” - Huyền tâm sự.
 
Phòng thi với 6 thí sinh thi môn Lịch sử. (Ảnh: Hoàng Mạnh)
Phòng thi với 6 thí sinh thi môn Lịch sử tại Hội đồng thi THPT Hà Đông (Hà Nội).

Em Nguyễn Lê Việt Dũng - lớp 12 A1 nhận định: “Đề thi môn Sử không dành cho những ai học vẹt. Em chọn môn sử trong khi nhiều bạn bỏ đơn giản bởi em sẽ thi đại học khối C và có tình yêu với môn Sử từ bé. Nhiều người nói môn sử học vẹt, nhưng thực ra môn học này đòi hỏi sự tư duy và khả năng liên hệ thực tế tốt. Các sự kiện chỉ là điểm nhấn, dấu mốc khắc sâu thêm dòng chảy lịch sử thôi. Đề thi hôm nay đưa ra đều đã được học tại trường. Em thấy đề rất hay”.

Hoàng Mạnh ghi