Thêm nhiều SV nhập học bằng giấy chứng nhận giả

Cơ quan công an đã tiến hành xác minh tại một số trường đại học khác nhau và phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh đại học giả, để vào học.

Sau khi một số vụ sử dụng giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh đại học (GCNKQTS) năm 2003 giả để vào học tại một số trường ĐH, CĐ bị phát hiện vào đầu năm 2005, cơ quan công an đã tiến hành xác minh tại một số trường đại học (ĐH) khác nhau, từ ĐH Vinh - Nghệ An, ĐHDL Lương Thế Vinh -Nam Định, ĐH Nông Lâm-Thái Nguyên ĐH Y Hải Phòng cho đến các trường ĐH lớn như ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân Y ... và đã phát hiện ra nhiều trường hợp gian lận khác.

 

Mới đây công an đã phanh phui đường dây làm giấy tờ giả và tổ chức cho người học ĐH của Phạm Huy Hồng (có tên khác là Phan Thanh Hồng; sinh năm 1964; quê quán: xóm Giai, thôn Đại Đồng, Tiên Du, Bắc Ninh).

 

Điều bi hài nhất là kẻ cầm đầu đường dây tổ chức vào học đại học này lại mới có trình độ văn hoá 7/10 và có 2 tới tiền án về tội tổ chức và môi giới mại dâm (năm 1994 và 1997).

 

Hồng cùng một số đối tượng khác là Nam, Trọng, Chi... tuyển chọn các thí sinh trượt nguyện vọng (NV)1 ở các tỉnh để làm giấy tờ giả đưa người vào học ĐH với giá tiền tuỳ theo từng trường.

 

Ngoài ra, Hồng và đồng bọn còn làm nhiều giấy tờ giả nhập học, bằng tốt nghiệp ĐH, THPT; giả các điều kiện như xác nhận chế độ ưu tiên, chính sách khu vực... để lấy tiền của nhiều người.

 

Hồng bị bắt tại phố Lương Đình Của, Hà Nội. Khi khám xét tại nơi ở của y, đã thu được rất nhiều hồ sơ tuyển sinh, hồ sơ dự thi, xin việc, giấy chứng nhận điểm giả, sổ sách ghi tên thí sinh đăng ký vào các trường.

 

Đặc biệt trong chiếc vali Hồng mang theo có tới 35 con dấu của các trường ĐH, CĐ, TH, dạy nghề, học viện, phòng công chứng nhà nước, UBND... ở các đối tượng đồng bọn khác  cũng thu được rất nhiều hồ sơ, bằng cấp giả các loại...

 

Kết luận bước đầu của cơ quan điều tra là “hiện nay còn rất nhiều sinh viên theo học ở các trường theo NV2 có nghi vấn sử dụng giấy tờ giả theo đường dây của Hồng”.

 

Theo số liệu bước đầu của cơ quan công an, tại các trường đã phát hiện thêm 167 thí sinh có dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ tuyển sinh, trúng tuyển...

 

Cụ thể như sau: có 5  trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh đại học năm 2004 (GCNKQTS 2004) giả của trường ĐHSP Hà Nội để nhập học tại ĐHDL Phú Xuân Huế;

 

21 trường hợp không đủ tiêu chuẩn được Hồng và đồng bọn cài vào danh sách sinh viên đào tạo theo địa chỉ (theo phương thức cử tuyển); 8 trường hợp sử dụng GCNKQTS 2004 giả của Học viện Quân y để nhập học vào trường ĐH Lâm nghiệp và ĐH Vinh; 14 trường hợp sử dụng GCNKQTS 2004 giả của trường ĐH Thương mại để nhập học ĐHDL Đông Đô và Học viện Ngân hàng (phân viện tại thị xã Bắc Ninh); 50 trường hợp sử dụng GCNKQTS 2004 giả để nhập học các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc...

 

Để khắc phục sơ hở thiếu sót trong công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, cơ quan công an Hà Nội đã gửi công văn đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT phối hợp, kiểm tra, rà soát các thí sinh vào học tại Học viện Quân Y, Học viện Tài chính đã trúng tuyển năm 2004 theo nguyện vọng 2; các SV thuộc diện ưu tiên cộng điểm (khu vực, chính sách) và SV cử tuyển năm 2004.

 

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, hiện cơ quan Công an đang điều tra khoảng 40 trường hợp vào học tại một trường ĐH theo NV2 nhưng khi kiểm tra danh sách gốc các trường ĐH theo GCNKQTS mà thí sinh khai báo lại không có trong danh sách!

 

Mặc dù trong Quy chế tuyển sinh đã có điều luật quy định về việc các trường ĐH, CĐ có trách nhiệm giúp xác nhận các trường hợp sinh viên trúng tuyển NV2 cho các trường tuyển sinh theo NV2 nhưng do Bộ GD-ĐT không quy định sự bắt buộc, thời hạn, trách nhiệm... một cách cụ thể nên việc “hậu kiểm” tuyển sinh mới trở nên lỏng lẻo như dư luận đã từng được biết. Đến nay ngành GD-ĐT chưa có động thái nào về việc này trong khi mùa tuyển sinh đang đến rất gần.

 

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm