Thêm một luận án "tiến sĩ cầu lông" gây xôn xao

Nhật Lam

(Dân trí) - Mạng xã hội gần đây xôn xao về một luận án tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học, có đề tài nghiên cứu về biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông ở một trường đại học.

Luận án có tên đầy đủ là "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2", của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng, được công bố trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT ngày 7/11.

Luận án thuộc chuyên ngành Giáo dục học, được thực hiện trong khóa đào tạo không tập trung tại Viện Khoa học Thể dục thể thao. Hai cán bộ hướng dẫn là PGS.TS Bùi Ngọc và PGS.TS Lê Ngọc Trung.

Thêm một luận án tiến sĩ cầu lông gây xôn xao - 1
Thông tin về luận án "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" trên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT (Ảnh chụp màn hình).

Tại bản tóm tắt luận án, nghiên cứu sinh cho biết mục đích nghiên cứu là "tiến hành phân tích và tổng hợp tài liệu, rút ra những cơ sở khoa học liên quan đến vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ cầu lông. Đồng thời, tiến hành điều tra thực trạng phong trào thể dục thể thao, phong trào tập luyện cầu lông và hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Từ đó, tiến hành lựa chọn, ứng dụng và đánh giá các biện pháp đáp ứng nhu cầu tập luyện của hội viên trong câu lạc bộ cầu lông. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần tăng cường thể lực, duy trì sức khỏe, phát triển số lượng hội viên và thúc đẩy phong trào tập luyện môn cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên trong Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2".

Nghiên cứu sinh đã chỉ ra 4 đóng góp mới của luận án. Thứ nhất, kết quả nghiên cứu lý luận rút ra những cơ sở khoa học khẳng định hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ cầu lông giữ vai trò then chốt, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, rèn luyện thể lực và đáp ứng nhu cầu tinh thần của cán bộ viên chức và sinh viên.

Đồng thời, qua nghiên cứu cho thấy để nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông cần lấy vai trò của hội viên làm trung tâm, đa dạng hóa các hình thức tổ chức tập luyện, khuyến khích động viên hội viên tích cực tham gia. Đẩy mạnh hoạt động theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ để có những điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Thứ hai, luận án đánh giá được thực trạng phong trào thể dục thể thao ngoại khóa đối với sinh viên và hoạt động thể dục thể thao ngoài giờ hành chính đối với cán bộ viên chức. Ngoài ra, luận án còn tiến hành đánh giá phong trào tập luyện cầu lông và các yếu tố ảnh hưởng đến phong trào tập luyện, thi đấu cầu lông đối với cán bộ viên chức và sinh viên.

Luận án cũng đánh giá thực trạng hoạt động câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 qua các tiêu chí đánh giá nguồn lực của câu lạc bộ (gồm 8 tiêu chí).

Thứ ba, trên cơ sở tiến hành đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức bằng phương pháp phân tích SWOT về thực trạng hoạt động câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên, luận án đã lựa chọn và kiểm nghiệm lý thuyết (qua phỏng vấn các nhà khoa học, các chuyên gia) được 7 biện pháp chung cho câu lạc bộ cầu lông, 2 biện pháp cho câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và 3 biện pháp cho câu lạc bộ cầu lông của sinh viên.

Thứ tư, luận án tiến hành ứng dụng vào kiểm nghiệm thực tiễn và đánh giá hiệu quả các biện pháp đã lựa chọn cho câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và câu lạc bộ cầu lông của sinh viên.

Kết quả cho thấy: Số lượng hội viên tham gia, thành tích thi đấu, mức độ hài lòng và trình độ phát triển thể lực của hội viên trong câu lạc bộ đã có sự chuyển biến rõ rệt, phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông đã thu hút được cán bộ viên chức và sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tham gia tập luyện nhiều hơn.

Thêm một luận án tiến sĩ cầu lông gây xôn xao - 2
Trang bìa luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng (Ảnh chụp màn hình).

Trên một số diễn đàn, nhiều người bày tỏ thắc mắc về sự xứng tầm của đề tài trên cho một luận án tiến sĩ.

"Đề tài không có tính thực tiễn, không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, chỉ xứng tầm một bài tiểu luận", một người nêu ý kiến. "Phạm vi nghiên cứu còn không rộng bằng đề án tốt nghiệp đại học của mình", một người khác bày tỏ quan điểm.

Được biết, ngày 17/10, Viện Khoa học Thể dục Thể thao có quyết định về việc thành lập Hội đồng chấm luận án tiến sĩ Giáo dục học cấp Viện về đề tài "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng.

Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên, do PGS.TS Trần Hiếu, Chủ tịch Viện Khoa học Thể dục Thể thao làm chủ tịch. Tới nay, luận án này vẫn chưa tới thời gian bảo vệ.

Trước đó, đầu tháng 5/2022, dư luận cũng từng xôn xao với đề tài luận án tiến sĩ có tên tương tự: "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.

Đây cũng là luận án ngành Giáo dục học, hoàn thành tại Viện Khoa học Thể dục thể thao và được đăng tải trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT. Nội dung đề tài công bố tháng 12/2021, nghiệm thu thành công cấp Viện ngày 19/1/2022.

Tới ngày 6/10, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La" đã bị Hội đồng thẩm định của Bộ đánh giá chưa đạt.

Cụ thể, 2 trong số 3 chuyên gia thuộc Hội đồng thẩm định yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án, chuyên gia còn lại đánh giá luận án không đạt yêu cầu, nghiên cứu sinh cần làm lại và bảo vệ lại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm