Tư vấn tuyển sinh:

Thế nào gọi là bản sao bằng tốt nghiệp THPT?

(Dân trí) - Học sinh giỏi năm lớp 11 thì năm nay có được ưu tiên xét tuyển? Thắc mắc về việc nộp hồ sơ? Đang là sinh viên muốn thi lại thì phải xin phép trước hay sau khi thi? Khối trường quân đội tuyển đối tượng dự thi là người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ?...

Thế nào gọi là bản sao bằng tốt nghiệp THPT?  - 1

(Ảnh: Việt Hưng)

Hỏi: Năm lớp 11 em gái em được giải 3 quốc gia môn Vật lý. Năm nay em gái em học lớp 12 và đang chuẩn bị thi đại học, và dự tính sẽ thi vào trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ban tư vấn cho em hỏi liệu có được bảo lưu kết quả thi học sinh giỏi quốc gia và tuyển thẳng vào trường không?( phieulang.comeback@gmail.com)

*Trả lời:

Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì những thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia những chưa tốt nghiệp THPT thì sẽ được bảo lưu kết quả vào năm sau.

Như vậy em bạn hoàn toàn được bảo lưu kết quả kì thi học sinh giỏi năm lớp 11 để làm hồ sơ ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ (em nên nhớ học sinh giỏi quốc gia chỉ được ưu tiên xét tuyển chứ không được tuyển thẳng)

Giữa tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển có điểm khác biệt khá lớn. Đối với những thí sinh tuyển thẳng thì chỉ cần làm hồ sơ tuyển thẳng chứ không cần phải thi ĐH, CĐ. Đối với ưu tiên xét tuyển thì ngoài việc làm hồ sơ ưu tiên xét tuyển, thí sinh bắt buộc phải tham dự kì thi ĐH, CĐ và đạt từ mức điểm sàn ĐH, CĐ trở lên.

Hầu hết những thí sinh được ưu tiên xét tuyển và thi ĐH, CĐ đạt được mức điểm sàn trở lên thì sẽ được các trường đưa vào diện trúng tuyển đối với các ngành phù hợp với môn thi đoạt giải. Tuy nhiên có một số trường chỉ áp dụng hình thức ưu tiên là cộng điểm vào kết quả thi và sau đó xét tuyển bình thường.

Riêng đối với trường ĐH Ngoại thương thì hàng năm cho thấy, nếu thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba kì thi HSG Quốc gia và tham dự kì thi ĐH, CĐ đạt mức sàn trở lên sẽ được tuyển thẳng vào ngành phù hợp với môn thi đạt giải.

Cho em hỏi đối tượng là thí sinh năm ngoái năm nay dự thi có khác gì không? Về hồ sơ có bắt buộc là phải nộp tại trường ĐKDT không?

Điểm khác biệt duy nhất so với năm trước đó là em trở thành thí sinh tự do nên chỉ được phép nộp hồ sơ ĐKDT theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT nơi mình đang cư trú (thời gian từ 10/3-10/4) hoặc nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ (thời gian từ 11/4-17/4). Khi em đã là thí sinh tự do thì không được phép nộp hồ sơ ĐKDT tại trường THPT mà mình theo học trước đó nữa.

Cũng có một điểm cần lưu ý khi làm hồ sơ đó là mục “Mã đơn vị ĐKDT”. Tuy theo việc em nộp hồ sơ ĐKDT theo tuyến nào thì mã này sẽ thay đổi, vì thế em cần phải hỏi kỹ cán bộ tuyển sinh nơi mình nộp hồ sơ để điền chính xác mã này.

Em nên đặc biệt chú ý: Về hồ sơ ĐKDT thì Ban tư vấn đã giải thích rõ ràng ở trên.

Còn về hồ sơ đăng ký xét tuyển (chỉ tồn tại đối với những thí sinh trượt NV1 và có điểm thi đạt từ mức điểm sàn ĐH, CĐ trở lên) khác với mọi năm là chỉ được phép nộp qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh thì năm nay thí sinh có thể nộp trực tiếp tại trường mà mình muốn tham gia xét tuyển (tất nhiên phải đáp ứng được điểm sàn của trường đưa ra).

Hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất, em có dự định năm sau sẽ thi lại đại học. Em xin hỏi nộp hồ sơ theo tuyến Sở là nộp ở đâu? Em biết là muốn thi lại phải xin phép Ban Giám hiệu nhưng em muốn thi xong mới xin phép Ban Giám hiệu trường mình đang học (trong trường hợp thi đỗ) thì có vi phạm quy chế không và nếu thế em có được rút hồ sơ trường mình đang học không?( linh_chipchip@yahoo.com)  

Em nên nhớ rõ: Tuyển Sở GD-ĐT bao gồm các Phòng GD-ĐT của các quận huyện hoặc các điểm thu nhận hồ sơ do Sở GD-ĐT địa phương đó chỉ định.

Theo quy định hiện hành thì nêu rõ như sau: Học sinh, sinh viên chưa được Hiệu trưởng cho phép dự thi; cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân chưa được thủ trưởng cơ quan cho phép đi học thì sẽ không đủ điều kiện để được dự thi.

Như vậy việc xin phép phải được thực hiện trước khi dự thi, khi nộp hồ sơ ĐKDT cần phải có giấy xác nhận của Ban giám hiệu nhà trường đồng ý cho dự thi (nộp cùng hồ sơ ĐKDT). Nếu vi phạm quy chế thì tùy từng trường mà sẽ có cách xử lý khác nhau.

Hiện em đang học ở ĐHQGHN, tháng 6/2010 này em sẽ tốt nghiệp, môi trường quân đội là môi trường mà em ước mơ muốn vào từ nhỏ, tuy nhiên do vấn đề về tuổi (em sinh 4/1987) và cơ hội mà trước đây em không thể đạt được ước mơ của mình. Em có nghe nói là các trường quân đội có tuyển các thí sinh đã có bằng TN ĐH-CĐ, vậy năm nay em có được làm hồ sơ không? Hay là phải chờ sang năm 2011 mới được làm hồ sơ? Và hồ sơ em làm như thế nào? Hình thức mà em thi sẽ khác những thí sinh THPT như thế nào?(xuanhuy124@gmail.com)  

Thông tin em đề cập Ban tư vấn chưa nắm được tình hình. Trên thực tế điều em nói không thể có thật được.

Đối với khối các trường quân đội thì để dự thi hệ quân sự thì ngoài đáp ứng được yêu cầu sức khỏe, sơ yếu lí lịch thì thí sinh dự thi phải nằm trong độ tuổi cho phép (không quá 20 tuổi tính đến ngày dự thi). Em sinh năm 1987 nên không còn nằm trong độ tuổi dự thi nữa.

Có thể vấn đề em đề cập nằm trong việc tuyển sinh cao học của khối các trường quân đội. Tuy nhiên khi tuyển hệ này các trường chỉ đào tạo hệ dân sự mà thôi.

Tuy nhiên để cho chắc chắn thì em nên đợi kết thúc Hội nghị tuyển sinh khối các trường quân đội do Bộ quốc phòng chủ trì (thường được tổ chức vào tháng 2 hàng năm). Sau thời gian này thì những thông tin, những sửa đổi của khối các trường quân đội sẽ được công bố công khai.

Em đang học năm thứ nhất ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, em muốn thi lại một ngành khác của trường. Vậy em có được phép thi tuyển sinh năm 2010, nếu được em làm hồ sơ như thế nào? (meteorite0410@yahoo.com)  

Dù em thi lại trường mình đang học hoặc trường khác thì đều phải được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên nếu em thi lại chính trường mình đang học thì sẽ thuận lợi hơn việc thi trường khác.

Trước tiên em nên trình bày với Ban Giám hiệu trường mình đang theo học để nhận được những lời khuyên hữu ích. Sau khi được sự đồng ý thì em có thể xem mình là một thí sinh tự do và nộp hồ sơ ĐKDT giống như các thí sinh tự do khác.

Hiện em là 1 thí sinh thi trượt ĐH năm 2009. Rất muốn thi lại nhưng chưa xác định được trường. Em có chuyên hướng về ngành CNTT. Theo em được biết thì trường học viện Bưu chính viễn thông và trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) cũng có chuyên ngành CNTT. Không biết về chuyên môn có giống nhau không? Có những trường nào có ngành chuyên về CNTT nữa? (trannguyensat@gmail.com)  

Về cơ bản thì hướng đào tạo ngành CNTT của các trường hiện nay khá tương đồng. Tuy nhiên do ngành CNTT bao gồm rất nhiều chuyên ngành hẹp nên tùy nhu cầu đào tạo của từng trường mà hướng tiếp cận tới các chuyên ngành sẽ khác nhau.

Chẳng hạn như ở trường HV Bưu chính thì ngoài trang bị cho sinh viên những kiến thức về Toán chuyên ngành công nghệ thông tin, Lập trình máy tính, Hệ thống máy tính, Các ứng dụng quan trọng của công nghệ thông tin thì trong năm học cuối, sinh viên sẽ lựa chọn chuyên sâu hướng học tập và nghiên cứu về Hệ thống thông tin; Khoa học máy tính; Công nghệ phần mềm; Kỹ thuật máy tính; Mạng máy tính và truyền thông.

Phần kiến thức chuyên ngành sẽ trang bị cho sinh viên: kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về mạng máy tính và truyền thông.

Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành CNTT chẳng hạn như: ĐH Bách khoa HN, ĐH FPT..., em có thể chờ cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010” phát hành vào trung tuần tháng 3 tới để biết thêm chi tiết nhé.

Em muốn hỏi ban tư vấn, em học năm nay năm thứ 2 ĐH chính quy: em đã nộp bằng tốt nghiệp THPT bản gốc cho trường rồi. Nếu em thi lại năm nay, khi đi thi em có được mang bằng tốt nghiệp THPT photo đã công chứng đi để dự thi không? (zzneozz@yahoo.com.vn)  

Theo quy định thì khi tham dự kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì thí sinh phải xuất trình bản gốc hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THPT.

Xin lưu ý với em, bản sao không phải là photo bản chính rồi đem đi công chức mà có quy định riêng về mẫu bản sao bằng tốt nghiệp THPT. Bản sao bằng tốt nghiệp phổ thông do sở GD&ĐT cấp. Bản sao bằng tốt nghiệp THPT có mẫu sẵn, về hình thức giống như bản chính nhưng làm bằng chất liệu khác và có ghi thêm hai chữ "bản sao".

Để được cấp bản sao thì em cần phải làm đơn và đóng lệ phí theo quy định. Nếu có bản gốc đối chiếu thì việc cấp bản sao sẽ nhanh chóng và thuận thiện hơn (em có thể làm đơn mượn bản gốc bằng tốt nghiệp THPT của mình để thực hiện điều này) còn nếu không có thì thời gian sẽ kéo dài thêm.

Em được biết đối với trường Đại học Bách khoa Hà Nội tất cả các thí sinh đỗ đều học 1 năm rồi mới phân khoa, Ban tư vấn có thể cho em biết rõ hơn về điều này và điểm sàn của trường trong vài năm gần đây được không? (tranduchuy123456@yahoo.com)

Đúng như em nói, đối với trường ĐH Bách khoa HN thì không phân ngành ngay mà chỉ sau khi kết thúc một năm đại cương mới phân ngành.

Nguyên tắc phân ngành dựa vào nguyện vọng của thí sinh và kết quả học tập năm thứ nhất. Thông thường để được vào ngành CNTT thì yêu cầu kết quả năm thứ nhất khoảng từ 7,0 trở lên, ngành Điện-Điện tử từ 6,5 trở lên…

Điểm chuẩn đầu vào trường ĐH Bách khoa các năm gần đây tương đối ổn định. Mức điểm chuẩn thường dao động trong phạm vi từ 21-23. Chúc em thành công!

Ban tư vấn tuyển sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm