Thầy giáo người Đan Lai vinh dự được gặp Bác Hồ
(Dân trí) - Đã gần 55 mùa hoa ban nở cũng là chừng ấy năm kể từ ngày thầy được gặp Bác Hồ. Bao kỷ niệm thấm đậm trong ký ức của nhà giáo ưu tú La Văn Bốn, bản Châu Sơn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) nay lại tràn về trong ngày kỷ niệm.
Tháng 11/1955, Bác Hồ đến thăm Trường sư phạm miền núi Trung ương đặt tại Cửa Bắc - Thủ đô Hà Nội, thầy Bốn là học sinh của trường vinh dự được gặp Bác.
“Giờ tôi quý những giây phút đó lắm. Những giây phút gặp Người quả là hiếm hoi, như tôi đây là người dân tộc thiểu số lại càng may mắn hơn, có nghĩ mình được gặp Bác đâu. Thú thật với anh gặp được Bác đã sướng rồi chứ nói đến chuyện được bắt tay, chụp ảnh với Bác lại càng quý biết bao…”. Thầy Bốn nhớ lại những kỷ niệm ngày gặp Bác Hồ.
Giây phút ngắn ngủi bên Bác nhưng đó lại là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời. Dẫu có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng đành. Bây giờ tôi thấy Đảng và Nhà nước ta đang phát động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mong sao thế hệ con rồng cháu tiên hãy lấy gương của Người làm thước đo cho cuộc sống hiện nay.
Trò chuyện cùng PV Dân trí, thầy Bốn như sung sướng ôn lại những kỷ niệm đẹp, đáng để đời và nhắc nhở con cháu sau này hãy nhìn vào tấm gương của Bác để mà soi. Thầy Bốn bảo:
“Anh không biết đó thôi. Ngày ta (tôi - danh xưng của người dân tộc - PV) gặp Bác, nhìn Bác rõ mồn một ta sướng lắm. Bất kể mọi người ngăn chặn, ta chạy lại ôm chầm lấy Bác rồi hôn lên tay Bác mấy cái. Bác nhìn ta chằm chằm rồi nói: Chú tên gì?. “Cháu là La Văn Bốn người Nghệ Tĩnh Bác ạ” - thầy Bốn khiếm tốn trả lời.
Bác hỏi lại: Thế chú Bốn ở huyện nào vậy? Dạ thưa Bác cháu ở huyện Con Cuông tít trên miền núi cao, cháu là tộc người Đan Lai ạ. Thế chú Bốn phải cố gắng học hành cho tốt sau này giúp các cháu trong bản học hành đến nơi đến chốn đó. Nói xong Bác kéo ta đến và chụp kiểu ảnh để lưu niệm.
Những tấm hình thầy Bốn chụp chung với Bác Hồ ngày ấy vẫn được thầy lưu giữ như kỷ vật để đời. Khi tôi xin được chụp lại tấm hình mà thầy Bốn chụp chung với Bác thì thầy nhất định không cho, bảo: “Kỷ vật này là thiêng liêng, ta lưu giữ cho tới khi nhắm mắt xuôi tay”.
Được biết trước đây, cả bản Khe Bu nơi gia đình thầy Bốn sinh sống không có một ai học nổi lớp 3. Cuộc sống bà con nơi đây gặp không ít khó khăn, đường xá xa xôi cách trở nên hầu hết người dân bản Khe Bu đều không có con đến trường, trái lại họ chỉ nghĩ làm sao hằng ngày làm cho mình no cái bụng là được.
Vào thời đó, với người dân bản Khu Bu việc học hành được xem là xa xỉ, chẳng ai màng tới. Còn thầy Bốn khắc ghi lời Bác nên căn dặn nên học hành đến nơi đến chốn. Cũng vì thế, thầy Bốn là người đầu tiên và duy nhất trong bản học hành thành đạt và làm rạng danh một tộc người sót lại chỉ đếm trên đầu ngón tay ở mảnh đất xứ Nghệ ngày nay.
Ngày thầy Bốn theo học tại trường sư phạm Miền núi Trung ương, mỗi lần về quê (bản Khe Bu, xã Chi Khê, huyện Con Cuông) thầy phải đi bộ gần cả tháng trời mới về đến nhà nhưng những điều đó không làm thầy nản chí. Sau mỗi lần như thế, thầy Bốn lại thấy mình có thêm nghị lực, cố gắng hơn trong việc hy sinh cho sự học.
Thầy Bốn ra trường nhớ lời Bác dặn là phải về quê hương để dạy học cho các cháu ở bản nên người. Thế là thầy giã từ Thủ đô về với núi rừng, về với bà con dân bản Khe Bu và dạy học. Cho đến tận bây giờ mặc dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng thầy Bốn vẫn ngày đêm miệt mài đèn sách để giảng dạy cho các em ngay tại gia đình...
Nhờ sự dìu dắt của thầy Bốn đến nay có rất nhiều người con Đan Lai thành đạt trong số đó có người là giáo viên, là kỹ sư nông nghiệp… Sau khi ra trường họ đã trở về thăm thầy xem thầy như một người cha, rồi họ giúp đỡ thầy, đóng góp cho bản, cho làng.
Ghi nhận những công lao to lớn của thầy Bốn, năm 1996, Đảng và Nhà nước đã phong tặng thầy Bốn danh hiệu giáo viên ưu tú.
Nguyễn Duy