Sóc Trăng:
Thầy giáo dành một phần lương hỗ trợ học trò tiền học phí, đồng phục
(Dân trí) - Là người dân tộc Khmer sinh ra trong gia đình khó khăn, thầy Sơn Hoàng Huy thấu hiểu những nỗi vất vả của học sinh nghèo nên hết lòng giảng dạy, tạo điều kiện cho các em đến trường.
Từ gia đình khó vươn lên
Thầy Sơn Hoàng Huy (34 tuổi, người dân tộc Khmer, giáo viên trường THCS&THPT Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn. Ba tôi là giáo viên tiểu học, còn mẹ tôi buôn bán nhỏ để có thêm tiền lo bữa cơm có rau có cá cho 3 anh em tôi.
Tuy gia đình thiếu thốn, chật vật lo từng bữa ăn nhưng ba mẹ tôi không bao giờ để con thất học. Ba tôi thường dạy: "Làm người phải có nguyên tắc sống chân chính, lương thiện, bao dung, chỉ có con đường học tập mới thay đổi được tương lai, chỉ có kiến thức mới làm đẹp cho đời"".
Theo thầy Huy, trước đây hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên ngoài giờ học, thầy hay ra ruộng bắt ốc về bán cho chủ chăn vịt. Mỗi khi đến trường, thầy rất mặc cảm, tự ti. Thầy cô đã ân cần chia sẻ, hết lòng động viên nên những năm học cấp 1, cấp 2, thầy liên tục đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.
Lên học cấp 3, trường cách nhà hơn 10km, hằng ngày thầy phải tìm cách đi nhờ xe đạp của bạn đến trường. Bữa nào không nhờ được thì cố gắng đi bộ, đội mưa đội nắng đến trường với quyết tâm thay đổi số phận của chính mình.
"Sau khi tốt nghiệp THPT, vì hoàn cảnh gia đình, tôi quyết định ngưng học rồi lên thành phố tìm việc làm. Sau đó, khoảng năm 2007, tôi thi vào Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM và tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục thể chất năm 2011", thầy Huy nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Huy được điều động về công tác tại Trường THCS&THPT Mỹ Thuận, chính thức trở thành thầy giáo ngay trên mảnh đất quê hương yêu quý của mình.
Hết lòng vì học sinh nghèo
Thầy Huy nhận nhiệm vụ tại một ngôi trường nông thôn, thiếu thốn trăm bề. Học sinh đến trường phải qua đò vất vả, nguy hiểm. Bản thân sinh ra trong nghèo khó nên thầy Huy rất đồng cảm và luôn quan tâm đến học trò của mình.
Vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc thời gian nghỉ hè, thầy Huy thường tranh thủ dạy bơi để các em nhỏ bảo vệ bản thân tránh được tai nạn đuối nước. Vào đầu năm học, thầy trích một phần lương nhỏ bé của mình ủng hộ các em tiền đóng học phí, đồng phục, giày dép…
Thầy còn tích cực phối hợp với Hội khuyến học vận động hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà hảo tâm, mạnh thường quân tham gia ủng hộ quỹ khuyến học của trường.
Theo thầy Huy, học sinh là những đứa trẻ chưa hoàn thiện nên mới đến trường học để được mình bảo ban, dạy dỗ. Nếu mình thờ ơ thì các em biết nhờ vào ai. Từ đó, thầy xác định lấy yêu thương làm động lực, dạy chữ song song dạy người.
Ngoài giảng dạy chuyên môn, thầy Huy còn kiêm nhiệm công tác Đoàn Thanh niên. Những năm qua, thầy Huy đã có cơ hội gieo vào lòng học sinh thân yêu những bài học giàu tình yêu thương và sự nhân văn sâu sắc.
Em Quách Thị Mũi (học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 của trường) xúc động chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Biết được điều này, thầy Huy đã vận động hỗ trợ cho em học bổng, quà từ năm em vào lớp 10 cho đến nay.
Em rất vui, biết ơn thầy cô, nhà trường và các nhà hảo tâm đã đồng hành, tiếp thêm cho em nghị lực, ý chí để em vượt qua mọi khó khăn, đạt kết quả cao trong học tập".
Cô Quách Thị Ấm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Mỹ Thuận, cho biết dù ở vị trí nào thầy Huy cũng rất trách nhiệm, nhiệt tình và năng nổ trong công việc.
Những đóng góp của thầy giáo người dân tộc Khmer này cho ngành giáo dục được ghi nhận bằng các danh hiệu xứng đáng như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên giỏi, giấy khen và bằng khen của ngành, địa phương.