Thay đổi số phận bằng giáo dục
Một số đất nước hoàn toàn không có tài nguyên nhưng vẫn trở nên giàu có và một số khác, tài nguyên chỉ ở mức vừa vừa, cũng đã tiến xa trên con đường đi đến thịnh vượng. Tại sao?
Tập trung cho người tài và giáo dục
Singapore, với diện tích 660 km2 và dân số gần 5 triệu người, hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên, đến nước ngọt cũng phải nhập khẩu. Năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Singapore chỉ vào khoảng 427 USD/năm. Thế nhưng vào năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người của hòn đảo sư tử đã đạt khoảng 40.000 USD/năm, biến đất nước này thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hàng thứ hai châu Á, sau Nhật, nằm trong nhóm nước tiên tiến, văn minh và giàu có nhất trên thế giới. Nhờ đâu đảo quốc này lại tiến nhanh đến như vậy?
Ngay từ khi giành được độc lập vào năm 1965, Chính phủ Singapore đã tung ra chiến lược “Trọng dụng người tài”. Những nhân vật nắm giữ vị trí trọng yếu đều tốt nghiệp các đại học danh tiếng thế giới. Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Cambridge (Anh), từng phát biểu: “Lãnh đạo xấu sẽ đuổi người tốt, người giỏi, không cho họ giữ những chức vụ quan trọng”.
Giáo sư Mỹ Dave Ulrich, người được quảng cáo là nhà quản trị nhân sự số một thế giới, khi diễn thuyết tại TP.HCM (hôm 29.9.2011), đã cho rằng Singapore là “một điển hình về đào tạo, phát triển và sử dụng người tài đáng được học hỏi”.
Ngoài việc sử dụng người tài của đất nước, quốc gia này còn tìm cách thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Cố vấn kinh tế trước của ông Lý Quang Diệu (khi ông giữ chức Thủ tướng) là Giáo sư Albert Winsemius, người Hà Lan. Và cũng chính các chuyên gia Liên hiệp Quốc đã góp công quy hoạch Singapore ra hình ra dạng như ngày nay.
Các đại học công lập Singapore còn mời giáo sư thuộc nhóm Ivy League đến giảng dạy. Đây là nhóm 8 đại học lâu đời, có hệ thống, triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu của Mỹ, trong đó có các trường như Harvard, Yale, Princeton.
Một kinh nghiệm khác trong phát triển của Singapore là sử dụng tiếng Anh, dẫu theo kiểu Singapore - Singlish, với dấu nhấn hơi ngược với tiếng Anh chuẩn cùng một số từ ngữ địa phương và cả ngữ pháp tiếng Hoa. Việc dùng tiếng Anh đã giúp cho nước này thêm thịnh vượng. Ông Lý Quang Diệu từng nói: “Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây”.
Nhưng có lẽ chiến lược đặc biệt quan trọng của đảo sư tử là tập trung đầu tư cho giáo dục, chất xám cao cấp. Các đại học công Singapore đào tạo cả sinh viên trong nước lẫn quốc tế. Sinh viên quốc tế, nếu nhận tài trợ của Chính phủ Singapore và vay tiền ăn học của các ngân hàng Singapore sẽ phải làm việc tối thiểu 3 năm cho 1 công ty đăng ký hoạt động tại Singapore sau khi tốt nghiệp. Quả là cách khôn khéo để thu hút thêm chất xám.
Tám đại học danh tiếng nước ngoài, trong đó có Trường Kinh doanh Chicago, Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp), Trường Nghệ thuật Tisch thuộc Đại học New York, đã mở phân hiệu tại nước này, theo chương trình “Nhà trường Toàn cầu” của Chính phủ Singapore.
Đại học Quốc gia Singapore hiện đã đứng thứ 40 trên danh sách các đại học tốt nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Anh uy tín Times Higher Education, còn Đại học Công nghệ Nangyang thì hàng thứ 169.
Cho đến tháng 8 năm nay, Singapore mới cho mở thêm đại học công thứ tư: Đại học Công nghệ và Thiết kế. Đây là đại học nước ngoài đầu tiên có quan hệ hợp tác chặt chẽ về học thuật với Học viện Công nghệ Massachusetts được cho là nổi tiếng nhất nước Mỹ trong đào tạo các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ.
Malaysia cũng tập trung cho giáo dục
Malaysia, láng giềng của Singapore, cũng có chiến lược tập trung vào giáo dục. Đặc biệt là đào tạo khoa học - công nghệ cao, trong đó có công nghệ thông tin. Ngành này đã được đầu tư một cách hiện đại và đồng bộ, trong đó có đầu tư và khuyến khích sử dụng rộng rãi máy vi tính.
Từ năm 1996, Malaysia đã cho mở thêm các trường đại học tư nhân và đại học nước ngoài vừa để thu hút sinh viên trong nước, vừa nhằm lôi kéo sinh viên các nước Đông Nam Á khác. Quốc gia này đang mong muốn số lượng sinh viên quốc tế tại đây tăng lên mức 100.000 người.
Hiện nay, có ít nhất 4 đại học Úc và Anh đã thành lập chi nhánh tại Malaysia gồm Đại học Monash, Đại học Công nghệ Curtin, Đại học Swinburne và Đại học Nottingham.
Malaysia đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng đào tạo cao với chi phí vừa phải, rẻ hơn đến 2/3 so với Singapore. Ông Morshidi Sirat, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Giáo dục Đại học tại Đại học Sains Malaysia, cho biết sinh viên Việt Nam và Thái Lan đang là mục tiêu mà các đại học Malaysia nhắm đến.
Malaysia cũng chú trọng đào tạo tiếng Anh và ngôn ngữ quốc tế này đã được phổ cập từ cấp trung học cơ sở đến đại học. Hầu hết các ngành đào tạo khoa học - công nghệ tại đây đều sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, theo giáo trình của các đại học Anh và Mỹ.
Malaysia còn tập trung vào các ngành công nghệ cao. Theo chương trình “Tầm nhìn 2020” của Chính phủ, thực hiện từ năm 1991, nền kinh tế phụ thuộc nông nghiệp sẽ phải chuyển sang nền kinh tế với sản xuất công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo, trong đó phát triển các công nghiệp sử dụng kỹ thuật cao, hạn chế các công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Qua đó sẽ biến Malaysia thành một quốc gia mới công nghiệp hóa.
Đến tháng 5.2009, Thủ tướng Najib Tun Razak của Malaysia công bố thêm 1 kế hoạch phát triển đất nước mang tên “Mô hình Kinh tế mới”. Mục tiêu của kế hoạch là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế để Malaysia gia nhập nhóm nước có thu nhập cao và tăng trưởng có chất lượng vào năm 2020, bằng cách tăng tiền lương và năng suất của người lao động thông qua việc thúc đẩy công nghiệp tri thức và đầu tư của nước ngoài.
Chính phủ nước này đã thành lập Thung lũng Sinh học (theo mô hình Thung lũng Công nghệ cao Silicon của Mỹ) và Ban Quản lý Công nghệ Sinh học Quốc gia. Bên cạnh công nghệ sinh học, công nghệ nano cũng được đầu tư mạnh mẽ. Chính phủ Malaysia đang xếp công nghệ nano vào 1 trong số 10 ngành phải ưu tiên phát triển.
Để thúc đẩy công ty tư nhân đầu tư vào công nghệ cao, Chính phủ Malaysia đã giảm thuế cho họ. Các doanh nghiệp công nghệ sinh học, chẳng hạn, có thể được miễn thuế doanh nghiệp và giảm thuế nhập khẩu thiết bị, vật liệu...
Theo ông Razak, khu vực tư nhân sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Chính phủ chỉ sẽ thực thi các chính sách hỗ trợ cho khu vực này.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Malaysia trước khủng hoảng tài chính Đông Á (năm 1997-1998) đã khá cao: trung bình 6,7%/năm. Trong giai đoạn khủng hoảng, tăng trưởng đã bị âm, nhưng rồi sau đó đã dương trở lại.
Tính đến cuối năm ngoái, thu nhập trên đầu người của Malaysia đã lên hơn 8.000 USD/năm (so với khoảng gần 3.250 USD của năm 1999). Nếu “Mô hình Kinh tế mới” thành công, 15.000 USD là thu nhập trên đầu người mà đất nước này hoàn toàn có thể đạt tới.
Theo Doanh nhân Sài Gòn