Thay đổi nhận thức từ bữa ăn học đường

Thay vì 3 món (cơm, canh, mặn) như trước, bữa trưa của học sinh tiểu học các trường có bán trú tại Hà Nội sẽ có 5 món, thêm món xào rau củ và hoa quả tráng miệng.

Từ e ngại đến tự hào

Sau 4 năm được Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tư vấn, phối hợp triển khai và thực hiện, Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc Dự án Bữa Ăn Học Đường do Công ty Ajinomoto khởi xướng đã được chính thức triển khai trên toàn quốc từ tháng 1/2017 và tại Hà Nội vào tháng 4/2017. Đây là phần mềm tối ưu và phù hợp với nhu cầu khuyến nghị cho học sinh tiểu học Việt Nam.

Theo đó, phần mềm này có chức năng tạo thực đơn từ ngân hàng 120 thực đơn dựa trên 360 món ăn không lặp lại, cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và ngon miệng, được phân loại theo 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Trong đó, mỗi thực đơn sẽ gồm 5 món: cơm, canh, mặn, xào và tráng miệng.

Về tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với học sinh, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia dưỡng chỉ rõ: bữa trưa của học sinh tiểu học cần có trên 10 loại thực phẩm (không bao gồm gia vị), sử dụng nguồn cung cấp chất đạm từ động vật và thực vật và kết hợp nhiều loại rau, củ, quả khác nhau theo tỉ lệ protein – lipid và glucid cân đối; hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn (xúc xích, lạp sườn, giò, chả lụa…). Đặc biệt, tiêu chuẩn này quy định rất rõ hàm lượng muối (<= 2g/họcsinh/bữa trưa và đường <= 6g/học sinh/bữa trưa).Còn với bữa phụ, tiêu chuẩn dinh dưỡng chỉ ra sữa (ít đường) và các chế phẩm từ sữa cần là thực phẩm chính.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc dự án bữa ăn học đường tổ chức tại Hà Nội ngày 11/4 vừa qua, TS Lê Văn Tuấn, chuyên viên Vụ học sinh sinh viên – Bộ GD-DT, đánh giá: “Phần mềm này có ý nghĩa nhân văn, có tính thực tiễn vùng miền, giúp nhà trường tiết kiệm thời gian trong chăm sóc bán trú”.


Bà Đinh Thùy Dung phát biểu tại hội nghị

Bà Đinh Thùy Dung phát biểu tại hội nghị

Đồng tình với nhận định này, bà Đinh Thùy Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đơn vị thực hiện thí điểm bữa ăn học đường cân bằng dinh dưỡng 2 năm qua, chia sẻ: “Mặc dù các trường đều xây dựng thực đơn cho học sinh dựa trên kinh nghiệm ăn uống hằng ngày trong gia đình nhưng khi được chọn thí điểm Dự án, lúc đầu chúng tôi e ngại. E ngại vì nhiều món bộ phận nhà bếp không biết nấu, không biết phải triển khai dự án này như thế nào.... Tuy nhiên, khi được công ty Ajinomoto cử người xuống tận nơi hướng dẫn, chúng tôi thấy việc thực hiện bộ thực đơn này rất thuận tiện. Thuận tiện từ khâu quản lý đến bộ phận xây dựng thực đơn, chế biến”.

Bởi ngoài chức năng tạo thực đơn từ ngân hàng thực đơn, các trường có thể ứng dụng phần mềm này trong tạo thực đơn mới từ món ăn sẵn có trong ngân hàng món ăn; tạo thực đơn mới từ nguyên liệu phù hợp với địa phương; kiểm tra tính cân bằng dinh dưỡng của thực đơn khi không có nguyên liệu như đề xuất của phần mềm; cũng như tính giá thành thực đơn sử dụng thông qua ứng dụng cập nhật và xuất giá tiền các nguyên liệu.

“Điều quan trọng hơn cả là những món ăn có trong bộ thực đơn này các con đều rất thích vì bắt mắt, ngon miệng. Phụ huynh thì tự hào vì trường được thí điểm dự án này. Đến nay, học sinh được ăn nhiều thực phẩm đa dạng, đặc biệt là các loại rau củ. Nhiều học sinh trước đây chỉ biết ăn trứng, thịt, không biết ăn rau, cá... thì nay đã thay đổi thói quen không tốt này”, bà Dung bày tỏ tại Hội nghị.


Đại diện công ty Ajinomoto tham dự bữa ăn học đường cùng học sinh tiểu học

Đại diện công ty Ajinomoto tham dự bữa ăn học đường cùng học sinh tiểu học

Cần sự chung tay

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia khẳng định: “Việc đảm bảo chất lượng bữa ăn, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: “Việc quan tâm đến thực đơn cho các em rất quan trọng”

Do đó, trước số lượng học sinh tiểu học ăn bán trú lớn (biết toàn thành phố có hơn 650.000 học sinh tiểu học, trong đó hơn 50% học sinh ăn bán trú tại trường, riêng các quận nội thành và thị xã Sơn Tây, gần 100% học sinh ăn bán trú), ông Tiến đề nghị cán bộ quản lý phân công giáo viên, phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng học sinh; đề nghị công ty Ajinomoto cử người hỗ trợ 420 trường tiểu học trên toàn thành phố triển khai phần mềm xây dựng thực đơn này.

Đại diện Ajinomoto, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc công ty Ajinomoto Việt Nam, đơn vị khởi xướng và đồng hành thực hiện dự án khẳng định: Ajinomoto sẽ hỗ trợ các trường hết sức thông qua việc cử cán bộ xuống tận trường để hướng dẫn sử dụng phần mềm cũng như hướng dẫn nấu các món ăn mới trong bộ thực đơn.

Tuy nhiên, ông Trung cũng nhấn mạnh để việc triển khai chương trình hiệu quả, rất cần sự nỗ lực từ phía nhà trường. Bởi việc nấu từ 3 món lên 5 món không đơn giản, nó liên quan chặt chẽ với cơ sở vật chất và nhân lực của trường đó có đảm bảo.

Hơn thế, để học sinh thích ăn cần phải thay đổi nhận thức. Theo đó, vai trò của việc tuyên truyền về dinh dưỡng thông qua Bộ Minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” cũng như vai trò của gia đình rất quan trọng.

“Chúng tôi rất cần sự chung tay của tất cả mọi người”, ông Trung nhấn mạnh tại Hội Nghị.

Phương Hà