Thầy cô vùng cao Sơn La mang quýt, thịt heo vào miền Nam học hỏi

Hoài Nam

(Dân trí) - Triển khai thí điểm "Trường học thông minh, học sinh tích cực" nhưng... thấy mình chưa nắm rõ vấn đề này, thầy cô ở vùng cao Phù Yên, Sơn La vào miền Nam tham quan, học hỏi.

Ngày 3/12, đoàn công tác của Phòng GD&ĐT huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã có buổi tham quan, trao đổi mô hình giáo dục tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt, cơ sở Gò Vấp, TPHCM. Đây là một trong những điểm đến của đoàn trên hành trình học hỏi, tìm hiểu về các mô hình giáo dục hiện đại ở phía Nam.

Thầy cô vùng cao Sơn La mang quýt, thịt heo vào miền Nam học hỏi - 1

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Phù Yên, Sơn La cùng học sinh Trường Tiểu học Nam Việt, TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng GD&ĐT Phù Yên, Sơn La cho biết, chuyến đi này có chuyên viên Phòng GD&ĐT và 30 hiệu trưởng các bậc học tại huyện Phù Yên tham gia với tinh thần "để được nhìn thấy, để biết, để trải nghiệm, để hỏi, để học". Chuyến đi thể hiện mong muốn kết nối của một địa phương vùng cao với các cơ sở giáo dục trong các nước. 

Bà Thắm chia sẻ, Phù Yên từng là một trong hơn 60 huyện nghèo của cả nước. Sau năm 2020, huyện thoát nghèo nhưng thực tế địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi địa bàn quá rộng, đồi núi trắc trở, thiên tai lũ lụt, thiếu giáo viên; 

Đây cũng là địa bàn có số lượng người lao động đi làm ăn xa ngoài tỉnh đông nhất ở Sơn La với 27.000 người. Bố mẹ đi xa để lại con cái ở với ông bà, người thân hoặc anh chị em tự dìu dắt nhau... Thiếu sự hỗ trợ, hợp tác từ phụ huynh  nên việc giáo dục học sinh rất phức tạp.  

Bà Lương Thị Thắm thông tin, năm nay, huyện Phù Yên triển khai thí điểm nội dung "Trường học thông minh, học sinh tích cực" tại hai trường học trên địa bàn.

Tuy nhiên, chính bà Thắm và các quản lý các trường học nhìn nhận chưa thật sự nắm rõ về nội dung này nên mong muốn tìm hiểu, học hỏi thêm từ thực tế. Thế là họ khăn gói... lên đường vào miền Nam. 

Nữ Trưởng phòng GD&ĐT Phù Yên cho hay, khi đến tham quan trường học ở TPHCM, bà càng thấy rõ sự khác biệt, thậm chí là trái ngược về điều kiện, cơ sở vật chất giữa "nhà mình" và "nhà người ta".

Thầy cô vùng cao Sơn La mang quýt, thịt heo vào miền Nam học hỏi - 2

Bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Yên, Sơn La trong chuyến tham quan, học hỏi tại TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Nhưng như vậy không có nghĩa là họ không học được, không áp dụng được. Bà Thắm cho hay, sau chuyến đi, họ sẽ cùng trao đổi và xem có thể chắt lọc những gì để áp dụng, triển khai phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Trước mắt bà Thắm cảm nhận có những thứ không cần tiền vẫn có thể áp dụng trong giáo dục như tạo thay đổi nhận thức từ người thầy, tạo môi trường giáo dục cởi mở, thân thiện, lắng nghe...

Đặc biệt, "học phí" mà quản lý, hiệu trưởng vùng cao từ Sơn La mang theo vào miền Nam để gửi tặng trường học nơi mình đến thăm là đặc sản quýt và thịt lợn bản của bà con dân tộc thiểu số.

Sau TPHCM, đoàn tiếp tục đến trường học ở Cần Thơ để tham quan, học hỏi thêm về các mô hình giáo dục.

Thầy cô vùng cao Sơn La mang quýt, thịt heo vào miền Nam học hỏi - 3

Học trò ở TPHCM gửi tặng các thầy cô vùng cao Sơn La tiết mục kịch Nam Bộ (Ảnh: P.Q).

Vào tháng 4 vừa qua, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Việt Tường cùng 60 hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên trên địa bàn tỉnh cũng vào miền Nam, đến các trường học tham quan các mô hình để học hỏi về công tác quản trị, cách đổi mới dạy học, cách áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cách làm thư viện điện tử hay những đổi mới tư duy giáo dục...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm