Thành tích đáng nể của SV Bách khoa Hà Nội thổi sáo bằng cuống lá đu đủ
(Dân trí) - Ngoài thành tích đáng nể về học tập, sinh viên Trần Bá Trung (sinh năm 1997) trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người khi thể hiện màn thổi sáo độc lạ bằng... cuống lá đu đủ.
Lấy cây đu đủ trong khách sạn chế thành đạo cụ
Tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện kỹ sư trẻ Trần Bá Trung đang học tiếp lên thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại trường.
Mới đây, khi tham gia trường hè về các chủ đề nâng cao trong Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo do trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, Bá Trung gây bất ngờ khi thể hiện tiết mục thổi sáo "Mẹ yêu con" từ… cuống lá đu đủ.
Cây sáo đặc biệt do cậu tự khoét lỗ, phát ra âm thanh không thua kém cây sáo trúc thông thường.
Trao đổi với PV Dân trí, Bá Trung tâm sự: "Trước đây là em đã tập thổi sáo nứa trên sáo từ hồi cấp 3, và tự lên rừng kiếm nứa chế tạo cho mình những cây sáo. Em học về thổi sáo và chế tạo sáo qua mạng.
Vừa rồi, em tham dự trường hè về các chủ đề nâng cao trong Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, trong buổi gala dinner em muốn mang đến một tiết mục văn nghệ gửi tới mọi người mà lại quên mang theo sáo.
Nhìn quanh khách sạn đang ở có mấy cây đu đủ, nên em đã lóe lên ý tưởng dùng dao để chế tạo nhanh thành cây sáo trên cuống đu đủ để dành tặng mọi người bài nhạc kỉ niệm trường hè".
Mặc dù thổi sáo trên cây sáo nứa đã lâu, tuy nhiên đây là lần đầu Bá Trung thổi sáo bằng cuống đu đủ. Rất may, em nhanh chóng thích nghi với việc cầm trên tay cuống đu đủ thay vì cây sáo thường ngày.
Khi cầm cuống đu đủ trên tay mọi người rất tò mò xem Bá Trung có thể làm gì với cuống đu đủ? Nhưng, sau khi những âm thanh vang lên, mọi người đã thực sự ngỡ ngàng và dành rất sự quan tâm, cổ vũ nồng nhiệt cho tiết mục văn nghệ độc lạ, cuốn hút của chàng kỹ sư.
"Em rất vui khi mọi người rất hứng thú với phần biểu diễn của mình", Trung nói.
Bá Trung tâm sự, từng có thời điểm cậu dành mọi sự tập trung cho nghiên cứu. Do đó, nhiều lần, Trung trót "lãng quên" đi những thứ quan trọng xung quanh.
Sau những lần như thế, cậu bắt đầu học cách tự cân bằng lại mọi thứ.
"Âm thanh của tiếng sáo khi trầm, khi bổng giúp em cảm thấy rất thư thái và như được giải tỏa mọi cảm xúc tiêu cực. Em vẫn thường tự làm sáo bằng tre, trúc, nhưng lần này đã thử làm từ cuống lá đu đủ. Không ngờ, âm thanh phát ra cũng không hề tệ".
Có bài báo công bố quốc tế Q1, Q2
Bá Trung là gương mặt sinh viên nổi bật của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học, Trung đã khẳng định niềm đam mê nghiên cứu khoa học và có bài báo công bố quốc tế.
Bá Trung đã công bố 2 bài Q1, 1 bài Q2 (Q1: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc top 25%; Q2: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 25 - 50%) và có 2 bài báo khoa học tại Hội thảo đầu ngành trong lĩnh vực Tính toán tiến hóa...
Ngoài thời gian tham gia học tập trên trường, Bá Trung dành phần lớn thời gian trên phòng nghiên cứu. Cứ mỗi khi học xong trên trường, nam sinh lại lên thẳng phòng nghiên cứu làm việc tới tối. Đều đặn ngày qua ngày trong suốt quá trình học theo học tại trường.
"Có thể nói, nếu thổi sáo là niềm đam mê của em từ hồi cấp 3 thì nghiên cứu là niềm đam mê mới của em trong quá trình học đại học.
Ở trong phòng nghiên cứu, em nhận được sự giúp đỡ to lớn của cô PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình định hướng các vấn đề nghiên cứu và các anh chị nghiên cứu sinh tiến sĩ luôn sẵn sàng trao đổi các ý tưởng mới trong nghiên cứu. Yếu tố kiên trì, lòng say mê nghiên kết hợp với những chỉ dạy của những thầy cô giỏi giúp em có được thành tích nghiên cứu", Trung khiêm tốn nói.
Nhờ những thành tích học tập xuất sắc, năm 2020, Trung là 1 trong 3 sinh viên của trường nhận được học bổng đi thực tập ở Trường ĐH Sydney (Úc).
Chàng kỹ sư cho biết, em đã chuẩn bị giấc mơ du học từ hồi đang là sinh viên năm 2 - khi tham gia vào phòng nghiên cứu về mô hình hóa - mô phỏng - tối ưu (MSOLab) của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Sau khi được tiếp xúc với môi trường nghiên cứu ở trường, em đã nhận thấy sự thú vị trong việc tìm tòi ra các cái mới, cách làm mới trong khoa học.
Trong tương lai, Bá Trung muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.
Vì vậy, đi học tiến sĩ nước ngoài là một bước tiến tuyệt vời để em có thể tiếp xúc với những giáo sư đầu ngành của thế giới để giúp em đi xa hơn trên con đường phát triển khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Quá trình thực tập tại Đại học Sydney, Úc - một trong những ngôi trường mơ ước mà Trung muốn ứng tuyển để làm tiến sĩ, em được trực tiếp tham gia phòng nghiên cứu Khoa học máy tính của trường.
Để được lựa chọn là 1 trong 3 ứng viên được chọn sang Úc thực tập, em đã chuẩn bị cho mình các kĩ năng nghiên cứu trong suốt quá trình theo học tại trường đại học và tham gia phòng nghiên cứu. Công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí và hội thảo chuyên ngành quốc tế uy tín.
Ngoài ra, em còn tích cực tham gia các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do trường đại học tổ chức. Trau dồi kĩ năng giao tiếp tiếng Anh để có thể làm việc ở môi trường quốc tế.
Định hướng du học, nghiên cứu về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo
Đợt thực tập nghiên cứu của Bá Trung theo kế hoạch ban đầu kéo dài trong vòng 3 tháng (từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2020) và quay về bảo vệ đề tài tốt nghiệp kĩ sư.
Sau khi sang Úc được 2 tuần thì dịch bệnh Covid bùng phát ở Úc làm mọi thứ đi khác kế hoạch ban đầu. Bá Trung phải làm các công việc nghiên cứu ở nhà và buộc phải ở lại thêm 2 tháng nữa do các chuyến bay về bị hủy.
Thời gian này em rất lo lắng vì có thể phải tốt nghiệp muộn do không kịp trở về Việt Nam để bảo vệ. Tuy nhiên, rất may trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã đồng ý cho Trung bảo vệ online và em đã hoàn thành chương trình kỹ sư theo đúng kế hoạch.
"Tại phòng nghiên cứu ở Úc, em tham gia nghiên cứu chủ đề liên quan đến khai phá dữ liệu lớn (Big data) - là một chủ đề rất hấp dẫn đối với em. Em được trao đổi các kiến thức chuyên sâu liên quan đến dữ liệu lớn với những thầy giáo tên tuổi trong ngành em đang theo đuổi. Giáo sư đã rất nhiệt tình giúp đỡ trong suốt quá trình thực tập.
Ngoài việc thực tập trên phòng nghiên cứu, em còn được trải nghiệm cảm giác của các sinh viên trong trường ĐH Sydney khi được thầy giáo đồng ý cho tham gia học với các lớp học của thầy", Trung kể.
Đề tài tốt nghiệp kĩ sư của Bá Trung xoay quanh việc xây dựng một phương pháp để giải hiệu quả các bài toán tối dựa trên tính toán tiến hóa. Hiện tại, em đang làm đề tài thạc sĩ liên quan đến khai phá dữ liệu lớn. Khai phá dữ liệu lớn là định hướng Bá Trung theo đuổi trong suốt quá trình làm thạc sĩ tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sắp tới, Bá Trung sẽ hoàn thành việc học thạc sĩ về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Em dự tính sẽ tìm kiếm các cơ hội để được học tiến sĩ về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Singapore…
"Mong muốn của em sau khi học tiến sĩ là có thể quay về nước để đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo Việt ngày càng phát triển", Trung nói.