Thanh Hóa: Nâng mức hỗ trợ người được cử đi đào tạo và phong học hàm

(Dân trí) - Các chính sách hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo và thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư đã được tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh. Trong đó, mức thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh Giáo sư bằng 50 lần và Phó giáo sư bằng 35 lần mức lương cơ sở..

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, sau 10 năm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức (VC) đã đạt được những kết quả tích cực; số lượng, chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ CB, CC, VC được nâng cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nâng mức hỗ trợ người được cử đi đào tạo sau đại học
Nâng mức hỗ trợ người được cử đi đào tạo sau đại học

Từ năm 2006 - 2015, số lượng CB, CC, VC được cử đi đào tạo sau đại học, được hưởng chế độ trợ cấp một lần sau khi nhận văn bằng tốt nghiệp và được hỗ trợ khi Nhà nước phong học hàm theo quyết định 746/2006/QĐ-UBND ngày 20/3/2006 của UBND tỉnh Thanh Hóa là 1.049 người, với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, số lượng CB, CC, VC được cử đi đào tạo và được hưởng trợ cấp hàng tháng do các cơ quan, đơn vị có người đi học hỗ trợ theo quy định tại quyết định 746 từ năm 2011 - 2015 là 2.588 người với tổng kinh phí là hơn 19,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định 746 bộc lộ một số bất cập, hạn chế như các mức trợ cấp đào tạo được xây dựng từ năm 2005, khi đó mức lương cơ sở là 350.000 đồng, đến nay mức lượng cơ sở đã được nâng lên 1.210.000 đồng, do đó không còn phù hợp với thực tế. Hơn nữa, các mức trợ cấp theo quyết định 746 được quy định bằng số tiền cụ thể nên khi Nhà nước thay đổi mức lương cơ sở thì các mức trợ cấp vẫn không thay đổi.

Từ đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Tờ trình về quy định hỗ trợ kinh phí đối với CB, CC, VC được cử đi đào tạo và thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư.

Theo đó, đối tượng áp dụng là CB lãnh đạo, quản lý hoặc trong nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý; ưu tiên VC làm công tác nghiên cứu, hoạt động khoa học, hoạt động nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực: Y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp và các trường đại học, cao đẳng không phải là CB lãnh đạo, quản lý hoặc trong nguồn quy hoạch CB lãnh đạo, quản lý; mở rộng thêm đối tượng CB, CC xã thuộc xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, xã đảo.

Điều kiện được cử đi đào tạo sau đại học: Đối với CB, CC có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên và ít nhất có 2 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; không quá 45 tuổi đối với nữ và 50 tuổi đối với nam tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần tiếp theo; có cam kết thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo. Trường hợp cử đi đào tạo lần tiếp theo, nếu thời gian công tác còn lại ít hơn 2 lần thời gian đào tạo thì cam kết thực hiện nhiệm vụ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, chức danh đang đảm nhiệm hoặc được quy hoạch; có năng lực và trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu dài, trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.

Đối với VC không trong thời gian tập sự, không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; không quá 45 tuổi đối với nữ và 50 tuổi đối với nam tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần tiếp theo; các điều kiện còn lại như CB, CC.

Điều kiện được cử đi đào tạo cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị là đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và cơ sở đào tạo. Còn CB, CC xã được cử đi đào tạo trình độ đại học, cao đẳng chuyên môn; trung cấp lý luận chính trị trong trường hợp nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tiêu chuẩn chức danh đang đảm nhiệm và theo quy hoạch đội ngũ CB, CC của xã; có cam kết thực hiện nhiệm vụ tại địa phương hoặc các cơ quan, đơn vị, địa phương khác thuộc huyện quản lý theo quyết định của cấp có thẩm quyền sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.

Mức hỗ trợ trong thời gian đào tạo sau đại học đối với trình độ Tiến sĩ, đào tạo ngoài tỉnh hỗ trợ 20 lần mức lương cơ sở hiện hành/người/khóa (sau đây gọi là mức lương cơ sở), trong tỉnh hỗ trợ 18 lần mức lương cơ sở. Trình độ bác sĩ chuyên khoa cấp II, Dược sĩ chuyên khoa cấp II, đào tạo ngoài tỉnh hỗ trợ 15 lần, trong tỉnh hỗ trợ 12 lần mức lương cơ sở. Trình độ Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Dược sĩ chuyên khoa cấp I, đào tạo trong tỉnh hỗ trợ 10 lần, ngoài tỉnh hỗ trợ 8 lần mức lương cơ sở. Hỗ trợ trong thời gian đào tạo đại học, cao đẳng chuyên môn cả trong và ngoài tỉnh với mức hỗ trợ 8 lần mức lương cơ sở. Trình độ cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, đào tạo ngoài tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đào tạo trong tỉnh được hỗ trợ 6 lần mức lương cơ sở.

Hỗ trợ đặc thù áp dụng cho CB, CC, VC là nữ thuộc đối tượng hỗ trợ kinh phí theo quy định được cử đi đào tạo, ngoài mức hỗ trợ chung còn được hỗ trợ thêm 1 lần mức lương cơ; trường hợp CB, CC, VC là nữ đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi được hỗ trợ thêm 1,5 lần mức lương cơ sở.

Hỗ trợ một lần sau khi nhận văn bằng tốt nghiệp sau đại học, đối với trình độ Tiến sĩ, mức hỗ trợ một lần bằng 25 lần mức lương cơ sở; trình độ Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Dược sĩ chuyên khoa cấp II mức hỗ trợ bằng 15 lần mức lương cơ sở; trình độ Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, Dược sĩ chuyên khoa cấp I, mức hỗ trợ bằng 15 lần mức lương cơ sở.

Mức thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư là 50 lần mức lương cơ sở; phó giáo sư là 35 lần mức lương cơ sở.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm