Thanh Hóa: Kiểm soát chặt chẽ việc ký hợp đồng lao động, tuyển dụng giáo viên
(Dân trí) - Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngành giáo dục Thanh Hóa phải giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên dôi dư; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc ký hợp đồng lao động, tuyển dụng giáo viên ở tất cả các cấp học...
Ngày 17/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017 - 2018.
Năm học 2016- 2017, ngành giáo dục Thanh Hóa đã thực hiện việc rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo lộ trình quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến, nhất là sắp xếp, điều chuyển đội ngũ cán bộ, giáo viên. Việc định hướng phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông được quan tâm...
Để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục Thanh Hóa tiếp tục mở rộng các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho các trung tâm hoạt động giảng dạy.
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 496 trường Tiểu học, 100% trường THCS và THPT dạy và học tiếng Anh; triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm 10 năm đối với tất cả các cấp học...
Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đứng đầu tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế các môn văn hóa hàng năm. Năm học 2016 - 2017, học sinh Thanh Hóa giành 52 giải quốc gia, trong đó có 2 giải nhất, xếp thứ 6 trên cả nước; có 2 học sinh giành huy chương Olympic quốc tế, trong đó có 1 huy chương Vàng môn Toán, 1 huy chương Bạc môn Sinh và 1 học sinh được tặng Bằng khen môn Vật lý kỳ thi Olympic Châu Á - Thái bình Dương.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Thanh Hóa đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 97,43%; có 3 học sinh đạt điểm tốt đa 30/3 môn thi vào đại học, dẫn đầu cả nước; có 629 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên.
Trên cơ sở đó, năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục Thanh Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của ngành, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền vẫn còn chênh lệch; giáo dục đạo đức, nhân cách sống trong giáo dục phổ thông vẫn chưa được coi trọng, bạo lực học đường vẫn xảy ra; trình độ ngoại ngữ của học sinh còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số trường vẫn chưa được triển khai, thực hiện tốt. Đồng thời, đội ngũ giáo viên tuy ổn định về số lượng nhưng chưa đồng bộ, vừa thừa, vừa thiếu cục bộ...
Những trường THPT có thành tích xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngành giáo dục làm tốt công tác nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh về nâng cao chất lượng dạy và học.
Đẩy mạnh xây dựng nề nếp, kỷ cương, trật tự trong nhà trường; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; chấn chỉnh tiêu cực trong tuyển sinh trái tuyến, lạm thu ở các cấp học; tổ chức chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục.
Cũng theo ông Quyền, ngành giáo dục Thanh Hóa phải giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên dôi dư; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc ký hợp đồng lao động, tuyển dụng giáo viên ở tất cả các cấp học; xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ giáo viên ở các cấp học...
Tại hội nghị này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã trao tặng Bằng khen cho 5 trường THPT có thành tích xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; tặng Bằng khen và trao thưởng cho 94 học sinh đạt từ 28,5 điểm trở lên tại kỳ THPT Quốc gia năm 2017.
Duy Tuyên