Thanh Hóa: Không bố trí giáo viên dôi dư xuống dạy Mầm non

(Dân trí) - Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo không bố trí giáo viên Trung học cơ sở dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và giáo viên Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo bồi dưỡng...

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa đã có công văn đề xuất phương án đào tạo văn bằng 2 đối với giáo viên (GV) trung học cơ sở (THCS) dôi dư điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học, GV Tiểu học dôi dư điều chuyển dạy Mầm non.


Thanh Hóa dừng bố trí giáo viên THCS dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và giáo viên Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo bồi dưỡng.

Thanh Hóa dừng bố trí giáo viên THCS dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và giáo viên Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo bồi dưỡng.

Trên cơ sở đề nghị của Sở Nội vụ tại, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố không bố trí GV THCS dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và GV Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo bồi dưỡng đảm bảo chức danh nghề nghiệp theo quy định.

Đồng thời lập danh sách GV dôi dư nêu trên có nguyện vọng và tự nguyện đi đào tạo để được bố trí dạy Mầm non, Tiểu học; báo cáo Sở GD-ĐT để tổ chức đào tạo theo kế hoạch.

Đối với những GV dôi dư không tự nguyện đi đào tạo để điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học thì xem xét, giải quyết theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

Ông Phạm Đăng Quyền giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Trường Đại học Hồng Đức và các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Trong kế hoạch thực hiện phải nêu rõ: trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, địa điểm và kinh phí đào tạo, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa, sau khi thực hiện việc sắp xếp, bố trí, điều động, hiện nay, các cấp học trên địa bàn tỉnh này còn thiếu so với nhu cầu là 4.049 người. Đối với việc giao biên chế, Sở GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có phương án giao biên chế theo năm học, không giao theo năm tài chính; giao bổ sung biên chế kịp thời cho ngành khi số học sinh, số lớp tăng...

Tính đến hết tháng 10/2017, đối với cấp THCS điều chuyển giữa các trường trong huyện là 1.359 người; điều chuyển xuống Tiểu học là 633 người; điều chuyển xuống Mầm non 319 người.

Sau khi thực hiện điều chuyển và hợp đồng 23 GV Tiếng Anh, tổng số cán bộ, GV, nhân viên hành chính hiện có là 13.378 người, so với nhu cầu còn thừa 282 người.

Đối với cấp Tiểu học, điều chuyển giữa các trường trong huyện là 1.434 người; điều chuyển xuống Mầm non 89 người. Sau khi thực hiện điều chuyển và hợp đồng 81 GV Tiếng Anh, tổng số cán bộ, GV, nhân viên hành chính hiện có là 16.528, so với nhu cầu còn thiếu 372.

Đối với ngành học Mầm non, tổng số GV tiếp nhận từ THCS và Tiểu học xuống là 408 người, trong đó, tiếp nhận từ THCS là 319, tiếp nhận từ Tiểu học là 89. Sau khi thực hiện điều chuyển và hợp đồng 1.200 GV, tổng số cán bộ, GV, nhân viên hành chính hiện có là 15.174, so với nhu cầu còn thiếu 2.948.

Trước đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có báo cáo Bộ GD-ĐT về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học. Đồng thời, đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV THCS điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học của Trường ĐH Hồng Đức theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, sớm có văn bản chỉ đạo để Sở GD-ĐT triển khai kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết tại địa phương.

Sở GD-ĐT cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố rà soát, điều chuyển đội ngũ GV dôi dư THCS và Tiểu học xuống Mầm non, tự nguyện ở lại công tác ở bậc Mầm non để lập kế hoạch đào tạo đạt chuẩn nghề nghiệp GV Mầm non theo quy định, hoặc có giải pháp đối với số GV dôi dư này nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu GV cục bộ giữa các bậc học trên địa bàn.

Thực tế hiện nay, nhiều GV dôi dư ở cấp THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được điều chuyển xuống dạy Mầm non, Tiểu học. Tuy nhiên, số GV này chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của cấp học mới. Thực tế đó khiến không chỉ GV thiếu chuyên môn, nghiệp vụ mà còn gây thiệt thòi đối với học sinh.

Duy Tuyên