1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Thanh Hóa chỉ đạo nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục đầu năm học mới

(Dân trí) - Nề nếp, kỷ luật, kỷ cương; thu, chi, dạy thêm, học thêm; liên kết đào tạo tại các cơ sở giáo dục; tình trạng giáo viên dôi dư... là những vấn đề mà tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngành Giáo dục cũng như các địa phương, đơn vị liên quan cần thực hiện đầu năm học mới.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Nội vụ, các ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (các huyện) thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm học 2019-2020.

Thanh Hóa chỉ đạo nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục đầu năm học mới - 1

Cần đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trong đó, cần đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nội dung kế hoạch phải làm rõ nhiệm vụ, giải pháp, cách thức thực hiện và thời gian hoàn thành... đối với từng nhóm nhiệm vụ và nhóm giải pháp trong năm học 2019 - 2020.

Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện và các đơn vị có liên quan chỉ đạo sát sao, kiểm tra, đôn đốc các nhà trường thực hiện nghiêm quy định nề nếp, kỷ luật, kỷ cương trong các trường học; xây dựng môi trường giáo dục thực sự văn minh, sạch, đẹp.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thu, chi, dạy thêm, học thêm tại các nhà trường để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình vệ sinh, cấp nước sạch trong trường học.

Thanh Hóa chỉ đạo nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục đầu năm học mới - 2
Kiên quyết xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm trong dạy thêm, học thêm, thu chi đầu năm học.

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra và xử lý sai phạm (nếu có) trong việc liên kết đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.

Một vấn đề khác được UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc rà soát, bố trí, sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường THPT, trường THCS&THPT công lập trên địa bàn theo đúng quy định.

Sớm khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các trường THCS & THPT, trường THPT, nhất là thiếu giáo viên tại các trường thuộc vực miền núi của tỉnh, đảm bảo khách quan, công bằng, sớm tạo sự ổn định, đoàn kết nhất trí cao trong các nhà trường ngay từ đầu năm học.

Tập trung chỉ đạo duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn; nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chủ yếu để có giải pháp nhằm khắc phục bằng được tình trạng giảm sút giáo dục đại trà trong những năm học vừa qua.

Thanh Hóa chỉ đạo nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục đầu năm học mới - 3

Sớm khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là thiếu giáo viên tại các trường thuộc vực miền núi

Ngành Giáo dục chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các điều kiện cần thiết để tiếp thu, triển khai thực hiện có hiệu quá chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Về phía Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học; giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên dôi dư; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc ký, thực hiện việc chỉ trả lương cho cán bộ, giáo viên theo định mức.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, không được phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho giáo viên dôi dư.

Duy Tuyên