Thành công với nghề “lạ”
(Dân trí) - Lập nghiệp với nghề vốn được xem là “nhạy cảm” - bartender, Trần Ngọc Trân rèn cho mình cách sống biết khước từ với những cạm bẫy vây quanh. Là cử nhân đại học nhưng tay nghề mới giúp cô gái 25 tuổi này tìm chỗ đứng cho mình.
Tay nghề vàng
Cùng một lúc, cô gái tung hứng 3 chai trên tay. Chiếc chai được ném lên trên cao, những tưởng đã rơi xuống đất thì lập tức được cô đỡ lại và nằm thăng bằng trên cánh tay cô.
Chưa dừng lại ở đó, cô lấy thêm một chai nữa để biểu diễn. Chẳng những vậy, các màn tung đó còn được trình diễn với lửa được đốt trên đầu chai làm người xem có lúc phải thót tim. Các động tác khó, phức tạp được cô thể hiện một cách thuần thục, điêu luyện đến mức nhiều người nghĩ mình đang xem xiếc chứ phải đang xem trình diễn pha chế thức uống.
Người “nghệ sĩ” đó là Trần Ngọc Trân (25 tuổi, quê ở Hóc Môn, TPHCM). Cô tham gia chương trình trong vai trò khách mời đến trình diễn tay nghề bartender.
Mỗi sô như vậy Trân kiếm được từ 1,5- 2 triệu đồng với màn trình diễn khoảng 30 phút. Ngày thường, lời mời thất thường nhưng những ngày lễ Tết, Trân “chạy sô” diễn khắp nơi không chỉ ở TPHCM mà còn về các tỉnh miền Tây không có lấy ngày nghỉ.
Người theo nghề bartender không ít nhưng để đạt đến trình có thể nhận được lời mời biểu diễn tại các chương trình như Trân không nhiều. Những màn trình diễn chuyên nghiệp,đẹp mắt đó là kết quả của gần 5 năm Trân học nghề và chưa bao giờ ngưng luyện.
Hiện nay, công việc chính của Ngọc Trân là quản lý tại một nhà hàng Nhật nổi tiếng chứ không phải là bartender. Vậy nhưng hàng ngày cô vẫn dành thời gian luyện không chỉ để đi diễn ở ngoài mà còn đây là công việc cô yêu thích.
“Nghề này đòi hỏi sự khổ luyện thường xuyên, nếu ngưng tập sẽ xuống tay ngay, không thể diễn được”, Trân cho hay và chia sẻ thêm công việc quản lý cùng với đi trình diễn bartender ngoài đưa lại cho mình mức thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng.
Con nhà lành theo nghề “nhạy cảm”
Trong mắt không ít người, chỉ có dân “quậy” hoặc học chưa tới hay do hoàn cảnh mới theo nghề bartender khi mà đây vốn là nghề được xem là “nhạy cảm”, làm việc trong môi trường phức tạp và chưa được đánh giá cao.
Thế nhưng, Trần Ngọc Trân là con nhà lành đúng nghĩa, 12 năm liền cô là học sinh giỏi. Kỳ thi đại học năm 2006, Trân chưa đủ điểm để vào khoa Hóa của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Việc chọn trường thi khi đó của Trân hoàn toàn do bố mẹ định hướng chứ không xuất phát từ sở thích của cô.
Sau khi trượt ĐH, để có tiền học Anh văn, Trân đi phục vụ bàn, rửa chén bát tại quán ăn với khoản thù lao 700.000 đồng/tháng. Làm được nửa năm, tích cóp được khoản tiền nhỏ thì một người bạn rủ học nghề bartender làm Trân hết sức tò mò.
Tuy vậy, cô theo nghề không vì sự bồng bột, thích cái lạ của tuổi mới lớn. Trân xuống Trường CĐ nghề Nguyễn Trường Tộ tìm hiểu, hỏi han rất kỹ về công việc này rồi mới quyết định dùng số tiền kiếm được để theo học. Bố mẹ Trân lúc đó phản đối kịch liệt vì lo con gái trượt dốc, nhất là khi nghe nhiều lời không hay về nghề pha chế.
Có năng khiếu cùng sự chăm chỉ luyện tập, Trân nhanh chóng trở thể hiện được khả năng của mình trong vai trò một bartender. Song song với việc đi làm ở các quán bar, nhà hàng, Trân tiếp tục theo học và đã tốt nghiệp ngành Quản trị Nhà hàng khách sạn tại ĐH Văn Lang.
Ngành học này thiết thực với khả năng tay nghề của Trân, đồng thời cô thực hiện được mong ước của bố mẹ, các con đều sẽ vào đại học. Hai người em của Trân cũng đã tốt nghiệp ngành Sư phạm như nguyện vọng của bố mẹ.
“Nhờ trải nghiệm thực tế của một bartender, tôi hiểu được những phản ứng của khách hay cách xử lý trong mọi tình huống. Đồng thời, hiểu tận tình và chỉ dẫn được nhân viên của mình. Sách vở không thể đưa lại được điều này”, Ngọc Trân chia sẻ.
Làm việc trong môi trường phức tạp tiếp xúc với rượu và nhiều đối tượng khách hàng, Trân không phủ nhận bartender là công việc nhạy cảm, đặc biệt với phái nữ. Bạn bè cô không ít người bỏ cuộc vì không kiên trì luyện tập hoặc sa ngã trong nghề.
Trân cũng từng nghe không ít lời mời mọc, rủ rê mà nếu thiếu bản lĩnh từ chối thì tiếp đó sẽ chuỗi ngày trượt dài. Một trong những cách Trân tránh khỏi cám dỗ là yêu lấy công việc của mình, trân trọng nghề và yêu bản thân, gia đình… Có như vậy mới không cho phép mình sa ngã trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Hoài Nam