Thang điểm 20: Thí sinh sẽ bất lợi nếu học cẩu thả!
(Dân trí) - Thang điểm 20 sẽ thay cho thang điểm 10 của cả 8 môn thi. Đây được cho là giải pháp để phân hóa thí sinh giúp các trường ĐH có cơ sở xét tuyển đầu vào. Nhiều ý kiến nhà giáo cho rằng, học sinh phải chuẩn bị tốt kỹ năng làm bài nếu học cẩu thả sẽ bất lợi.
Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Để đạt được mục đích nói trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước (kỳ thi TN THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ).
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: "Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay, kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Để có độ phân hóa cao, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Do vậy, Bộ GD-ĐT mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ".
Ủng hộ cách tính thang điểm 20 mới này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội cho rằng: “Chấm theo thang điểm 20 chỉ làm cụ thể, tỉ mỉ hơn chứ không vấn đề gì. Đồng thời, thang điểm này chỉ có lợi phân hóa học sinh được. Trước kia chấm thang điểm 10 mỗi một điểm cách nhau 4 bậc, giờ cách nhau 8 bậc thì dễ hơn. Thuận lợi cho các trường ĐH lấy kết quả xét tuyển, sát hơn so với thực tế. Điểm trùng sẽ giảm đi. Tuy nhiên, chấm theo thang điểm 20, thí sinh thi các môn khoa học tự nhiên sẽ có lợi nhiều hơn so với các môn khoa học xã hội. Do vậy, các em phải học hết sức cẩn thận, chắc chắn mới đạt điểm cao".
Đồng quan điểm, Hiệu phó của trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho biết, thang điểm 20 không ảnh hưởng đến học sinh và cũng không gây khó khăn đối với người chấm. Điểm chia càng nhỏ thì càng có lợi cho học sinh.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, thang điểm 20 sẽ chi tiết hóa đáp án, có lợi cho thí sinh hơn. Với thang điểm này, người ra đề và người làm đáp án sẽ vất vả hơn, nhưng người chấm theo barem cũng chính xác hơn. Việc mở rộng thang điểm cũng thuận lợi cho các trường khi xét tuyển sinh. Cụ thể, bài thi chấm theo thang điểm 10 - một câu theo barem điểm được 0,5 điểm thì người chấm có thể cho điểm 0 hoặc 0,5. Nhưng chấm theo thang điểm 20 thì bài thi của thí sinh sẽ được chấm chi tiết hơn đến 0,25 điểm....Ông Minh cho rằng, Bộ thay đổi thang điểm 20 và đáp án chi tiết tới 0,25 điểm là một cách làm trước hết vì quyền lợi người học.
Còn ông Trương Tiến Tùng, phó Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội khẳng định: "Thay đổi thang điểm 20 và đáp án chi tiết tới 0,25 điểm là một cách làm trước hết vì quyền lợi người học. Việc thay đổi này khiến cho bước chấm thi tăng lên gấp đôi so với trước kia. Cụ thể, trước kia đáp án chi tiết là 0,25 nhưng thang điểm 10, nay thang điểm tăng lên gấp đôi nhưng mức điểm thấp nhất vẫn giữ nguyên. Nếu thí sinh học không cẩn thận sẽ bất lợi".
Ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội lo lắng cho rằng: “Khi tính thang điểm 20 và chấm lẻ tới 0,25 điểm sẽ có bất lợi cho học sinh. Bất lợi ở chỗ, trong quá trình làm bài, các em sẽ phải cẩn thận hơn, phần tự luận sẽ phải đòi hỏi chi tiết hơn. Những cái này học sinh của chúng ta chưa làm quen, vì nhiều em vẫn cẩu thả. Chính vì vậy, học sinh nếu không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ là cái bất lợi cho học sinh”.
Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã có bước chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Đề thi sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi theo hướng này đã hạn chế việc sử dụng tài liệu trong phòng thi, góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi theo hướng này sẽ tác động tích cực đến việc đổi mới dạy, học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông. |
Lam Yên