Thân phận nghèo làng rác

(Dân trí) - Không khẩu trang, không găng tay bảo vệ, Dung hàng ngày phải tiếp xúc với đủ loại rác, phế liệu. Đó là công việc hàng ngày của cô bé mới 14 tuổi trong làng rác Phù Lưu, Hải Phòng.

Nhọc nhằn trong rác

Ở làng rác Phù Lưu, phường Tràng Minh, quận Kiến An, Hải Phòng người ta thường nhắc đến cảnh nghèo của 3 chị em Trần Thị Dung. Bố mất sớm, mẹ Dung phải một mình bươn chải lo cho cuộc sống của cả một gia đình 7 người: 3 chị em Dung, bà nội đã già yếu, bác ruột góa vợ và đứa con trai 6 tuổi.

Dung mới 14 tuổi nhưng mới chỉ học hết lớp 5 diện xóa mù chữ của phường. Em đi làm thuê cho một nhà thu mua phế liệu trong làng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi các em. Cô bé đã sớm phải gánh trên vai nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

Công việc nhặt phế liệu của Dung tất bật từ sáng đến tối, đều đặn không kể ngày nắng mưa. Trong khu thu mua phế liệu, những bao tải rác chất đầy hai bên, cao đến tận nóc nhà. Dung nhỏ bé nhưng cứng cáp và nhanh nhẹn. Em ngồi dưới nền đất ngổn ngang phế liệu, cặm cụi nhặt nhạnh, phân loại từng vỏ hộp sắt, giấy, dây điện, ống nhựa hỏng, chai lọ thủy tinh... Tất cả những đồ phế thải tưởng như bỏ đi này chính là nguồn sống của biết bao người ở làng rác Phù Lưu.

Một tháng làm việc quần quật, em được trả công 600 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi nhưng cũng đỡ đần được mẹ nuôi cả gia đình.
 
Thân phận nghèo làng rác - 1
Hai em đang giúp Dung phân loại đồ phế liệu

Dung tâm sự: “Em phải đi nhặt rác thôi vì nhà em nghèo quá. Em là chị lớn nhất nên phải kiếm tiền nuôi các em còn đi học. Ước gì các em sau này học giỏi kiếm được việc thật tốt”. Mỗi khi nhắc đến việc học dở dang, Dung thấy tủi thân lắm “Em quá độ tuổi rồi… Ở lớp học tình thương tính cả em nữa là 3 người. Nhưng bây giờ các bạn cũng bỏ hết. Còn mỗi mình em đi học. Học một mình buồn lắm. Cô giáo cũng ít khi đến lớp”.

Phường Tràng Minh đã mở một lớp học tình thương để xóa mù chữ cho những đứa trẻ làng rác. Nhưng cuộc sống khốn khó, khiến các em phải bỏ học mưu sinh. Hai em của Dung đến 9-10 tuổi mới được đi học lớp 1. Nhưng các em còn may mắn hơn chị vì khi lớp tình thương giải tán, hai chị em được gửi vào trường Tiểu học Trần Quốc Toản và được hỗ trợ 50% học phí.

Nửa ngày đi học, thời gian còn lại, hai chị em rủ nhau đi khắp các bãi rác quanh vùng để nhặt phế liệu, kiếm thêm tiền mua sách vở. Những lúc không đi nhặt rác, hai chị em lại đến chỗ Dung làm việc, phụ giúp một tay.
 
Thân phận nghèo làng rác - 2
Dung  phải "ngụp lặn" trong khu rác thải mỗi ngày

Trong căn nhà được xây bằng vốn hỗ trợ của phường, chị em Dung cũng chẳng có chỗ để học. Bàn học chính là chiếc chiếu cũ - chỗ ngủ của mấy bà cháu. Trong ánh đèn tù mù, em Dinh và Tài nằm luôn đấy để tập viết chính tả.

“Giá mà không phải sống với rác”

Làng Phù Lưu là một trong những nơi tập trung phế liệu lớn nhất ở Hải Phòng. Cả làng chuyển hẳn sang nhặt rác và thu mua phế liệu. Những mảnh nhựa xay vụn, túi ni-lông, hộp giấy tái chế phơi đầy trong sân, khắp đường làng… Nhiều gia đình đã khấm khá hẳn lên từ buôn phế liệu. Những người chuyên nhặt rác thì chẳng mấy ai giàu được.

Mẹ Dung đi làm thuê cả ngày. Tối về chỉ kịp mua ít thức ăn cho mấy chị em. Trong khi em Dinh rửa rau, Dung quạt bếp than để đun nước. Dung đưa tay vừa bốc than lên dụi hai mắt cay xè khiến khuôn mặt em càng lem nhem hơn. Nồi rau cải luộc và vài con cá cơm cũng thành bữa tối cho cả nhà.

Dung múc nước mưa còn sót lại trong chiếc chum đầy bụi bẩn để đun nước uống và nấu ăn. Trong làng hiện vẫn chưa có nước máy sạch và phải đi mua ở nơi khác với giá 20 nghìn đồng/khối nước.. Những ngày hết nước, hai chị em phải đi xin từng thùng nước mưa về ăn. Mọi sinh hoạt khác từ rửa rau, bát đũa đến tắm giặt đều dùng nước giếng vàng đục. Sự nghèo khó không cho các em quyền được lựa chọn một cuộc sống tốt hơn.

 
Thân phận nghèo làng rác - 3
"Giá mà em không phải sống cùng rác nữa"
 
Nói về ước mơ của mình, cô bé Dinh tâm sự: “Em chỉ mong chị Dung không còn phải đi nhặt rác, được đi học lại. 3 chị em có việc làm, kiếm được tiền thì sẽ đỡ vất vả hơn. Giá mà em được học Đại học và trở thành cô giáo, về dạy học cho những bạn nhỏ ở làng em”.
Ước mơ của ba chị em Dung mang nỗi nhọc nhằn của những thân phận nghèo làng rác Phù Lưu. Trong tâm hồn của những đứa trẻ ấy vẫn nuôi hi vọng về một cuộc sống ngày mai no đủ hơn.
 
Thu Hằng