Thái Bình nói không với bằng tại chức: Ý kiến của lãnh đạo Sở GD-ĐT

(Dân trí)-Theo Nghị định 29 của Chính phủ, cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn ứng viên tốt nhất cho nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao của đơn vị mình. Sở căn cứ theo thực tế và nguồn nhân lực dồi dào hiện nay để quyết định chỉ tuyển ứng viên bằng chính quy.

Đó là giải thích của bà Đào Kim Phượng - phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình về việc không tuyển dụng ứng viên hệ không chính quy. Điều kiện xét tuyển căn cứ theo điểm trung bình trong quá trình học tập và tốt nghiệp Đại học,chuyên môn nghiệp vụ, thi soạn giáo án. Mọi thông báo, quyết định đều được đăng tải công khai trên website của Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình.
 
Bà Đào Kim Phượng cho biết đây là năm thứ hai Thái Bình xét tuyển viên chức theo Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng và sử dụng viên chức. Năm 2012 Sở GD-ĐT Thái Bình tuyển dụng hơn 100 viên chức trong khi số hồ sơ dự tuyển là khoảng 1.000. Năm nay số hồ sơ dự tuyển rất đông, để tránh tiêu cực trong tuyển dụng Sở GD-ĐT Thái Bình đã ra chỉ thị không tiết lộ số lượng hồ sơ dự tuyển.

Thông báo hướng dẫn việc xét tuyển viên chức 2014 của Sở GD-ĐT Thái Bình.
Thông báo hướng dẫn việc xét tuyển viên chức 2014 của Sở GD-ĐT Thái Bình.

Trong đợt xét tuyển viên chức sẽ được tổ chức vào ngày 30/7 tới đây Sở GD-ĐT Thái Bình tuyển 101 giáo viên THPT. Trong đó Ngữ văn là 16 chỉ tiêu; Lịch sử 5; Giáo dục công dân 4; Anh văn 13; Toán học 18; Vật lý 16; Hóa học 2; Sinh học 8; Kỹ thuật công nghiệp 2; Tin học: 5; Thể dục: 12. Ngoài ra, Sở còn xét tuyển các viên chức hành chính, gồm 3 kế toán; 1 văn thư; 1 thư viện.

Đến nay có rất đông người đến đăng ký xét tuyển, trong ngày đầu tiên nộp, có người để hồ sơ từ 8 giờ sáng đến tận 17 giờ cùng ngày mới được gọi đến tên.

Hiện có những phản ứng trái chiều trước thông tin Sở GD-ĐT Thái Bình không tuyển dụng ứng viên có bằng tại chức, liên thông. Nhiều ý kiến cho rằng ngành Giáo dục với đặc thù yêu cầu hàm lượng tri thức cao, việc chỉ tuyển dụng ứng viên có bằng chính quy là hợp lý. Tuy vậy, một số người cho rằng việc nói không với bằng tại chức, liên thông là hành động phân biệt bằng cấp. Trong khi đó quy định chung là bằng chính quy, tại chức, liên thông đều có giá trị ngang nhau.

Thu Hằng - Quốc Đạt