“Tết xưa” trong ký ức người Việt trẻ

(Dân trí) - Tết gói những nỗi niềm cảm xúc, có háo hức mong chờ, có nụ cười tuổi thơ, và cũng có những lắng sâu nhớ thương miên man, bâng khuâng...

Ngày 23 cúng ông Công ông Táo, thế là Tết về thật gần rồi đấy. Tết mang theo những dư vị rất riêng. Tết trong những hoài niệm về tuổi thơ, về những băng pháo tép, về Bách hóa Tràng Tiền và Bách hóa số 5 Nam Bộ.

 

Tết với mùi nhang trầm nghi ngút thơm thơm, là bếp lửa của bà những khi cả nhà ngồi quây quần hơ tay ấm áp cho ngày đông buốt giá. Tết là những câu chuyện khi vừa chợp mắt ngủ canh nồi bánh chưng, chập chờn mở mắt lại thấy lửa tí tách reo vui, thổi phù phù cho ngọn lửa bén, kho gỗ của khu tập thể, chiếc thùng phi cũ dùng để đun nồi bánh chưng, mấy anh em cứ tranh nhau để bà gói những chiếc bánh chưng bé xíu cho riêng mình. Bánh của cháu nhiều thịt, đừng cho mỡ bà nhé, ít nhân đỗ thôi bà ạ...

 

Ảnh minh họa (Internet)
Ảnh minh họa (Internet)



Tết của miền Bắc là chút rét cuối của mùa đông, gom chút lạnh để thêm phần ấm áp trong mỗi căn nhà, mỗi khung cửa sổ, để quây quần cả gia đình vui sum họp. Giao thừa, có mâm cơm cúng đủ đầy, có niềm háo hức theo những gói mứt Tết đo đỏ bày trên bàn thờ. Giao thừa, dù là thơ bé chưa có những hình dung, chưa nghĩ về năm cũ, về những điều đã qua nhưng vẫn cứ háo hức mong chờ, mình lớn hơn một tuổi, Tết là màu đỏ lên ngôi, phong bao lì xì màu đỏ này, pháo Tết màu đỏ này, gói mứt Tết cũng màu đỏ.

 

Tết,  xúng xính quần áo mới, ra ngoài đường hít hà mùi của Tết, mùi của pháo nổ râm ran, mùi của mùa xuân, mùi của phố xá vắng vẻ, thênh thang. Tết đối với tuổi thơ là được nghỉ học, được mặc quần áo mới, được phong bao lì xì, và được nghịch ngợm 3 ngày Tết mà không bị bố mẹ mắng (kiêng mà, không lại dông cả năm). Phàm đã là trẻ con, ai mà chẳng nghịch ngợm, có phải lúc nào cũng làm đúng ý người lớn được.  

 

Nhớ giao thừa năm nào trong căn hộ nhỏ mấy mét vuông ở khu tập thể, mẹ ôm chặt em bé vì tiếng pháo nổ làm em giật mình thon thót, mùi thuốc pháo phủ kín cả căn phòng. Tết có những tháng ngày gian khó, để sau này đi qua và nhìn lại, cuộc sống có những thay đổi, nhưng những ký ức chẳng bao giờ phai… Tết như sợi dây xâu chuỗi những mảnh ký ức, như cuốn phim chầm chậm của cuộc sống.

 

Tết của những năm đi xa, bận rộn thi cử học hành nhưng cũng cố gắng tụ tập với bạn bè để ăn Tết. Tết Nguyên Đán thường rơi vào cuối tháng 1, đầu tháng 2, lúc những kỳ nghỉ năm mới, Giáng sinh đã phai nhạt rồi, chẳng được nghỉ nên đối với du học sinh, chuyện ăn Tết ở xa gia đình là thường trực.

 

Bao nhiêu năm đi học cũng là từng ấy năm đón Tết xa nhà, và thời gian nhiều khi đo bằng nỗi nhớ của những cái Tết xa nhà. Có năm ở Montpellier, mấy chị em hì hụi tự luộc bánh chưng, tận dụng hết nồi cơm điện, nồi ủ để luộc bánh. Lá dong thì mua được ở chợ Tàu nhưng hơi đắt, thế là sáng kiến thay bằng lá chuối dễ mua hơn. Khuôn bánh thì dùng dập ghim để ghim lại cho vuông thành sắc cạnh thành hình, bánh cũng gói thể nào để nho nhỏ, để vừa… nồi cơm điện.

 

Cũng có cả đêm ngồi canh nồi bánh như năm nào. Bánh bóc ra xanh màu lá, thế mới thấy để mang một không khí Tết về giữa xa xôi là đáng quý thế nào. Đêm 30 giao thừa ở Pháp, cũng mang sâm-panh ra, cả hội bạn bè ngồi quây quần, cũng có giò lụa, có dưa hành, có bánh chưng, có cả bản nhạc Happy New Year của ABBA.

 

Tết nhất ngồi với nhau, ôn lại những câu chuyện trong năm, những mẩu chuyện về Tết ở mỗi nhà, mở đầu bằng những câu chuyện kể: “Năm kia anh em nhà em đi xem bắn pháo hoa ở Hồ Gươm,…. “ và không khí như  trầm xuống, miên man. Có lẽ Tết là thời điểm mà nỗi nhớ nhà được cảm nhận rõ rệt nhất, để niềm nhớ thương cứ mãi vấn vương cảm xúc. Để sau cuộc vui, trở về nhà, ai cũng lại đối diện với nỗi buồn xa xứ man mác.

 

Tết là một nét đặc trưng không chỉ trong tâm hồn, trong văn hóa của mỗi người Việt Nam. Nỗi niềm cảm xúc ấy có bị nén xuống, để những bận rộn của cuộc sống làm mờ đi thì đến thời khắc ấy, nó lại trỗi dậy, dâng trào và xâm chiếm tâm hồn, để nỗi buồn thấm đẫm hơn, để cái nhìn thêm xa xăm, thoáng trong chút thở dài, để đồng cảm với tâm trạng của nhà văn Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai”.

 

Những năm sau này, cứ dần quen với Tết ở xa nhà, Tết chỉ còn là một buổi tối với bạn bè, nhưng chẳng năm nào quên gọi về nhà chúc Tết thời điểm giao thừa, gọi đi gọi lại hàng chục cuộc mà chẳng kết nối được vì mạng bị nghẽn, để rồi khi gọi được, nghe kể về không khí đón Tết ở nhà, nghe kể về mâm cỗ giao thừa của cả nhà chỉ thiếu con, là nỗi niềm thương nhớ trải dài qua xa cách, lòng bỗng như nghẹn lại…

 

Tết gói những nỗi niềm cảm xúc, có háo hức mong chờ, có nụ cười tuổi thơ, và cũng có những lắng sâu nhớ thương miên man, bâng khuâng...

 

Chí Phương

Dòng sự kiện: Tết Việt muôn nơi