Tết từ một nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất
(Dân trí) - Tết đầu tiên xa nhà của mình đơn giản như vậy, không có bánh chưng, không có giò, cũng không có mai đào. Nhưng có một gia đình thứ 2 bên cạnh mình. Cả nhà ăn cơm mình nấu, có chả lá lốt, có thịt kho tàu, có cà pháo dầm.
Khoảng thời gian hân hoan đón năm mới, chào năm cũ là lúc tim mình đập thổn thức nhất, lúc mình khao khát cánh cửa thần kì của Doremon có thật.
Mình nhớ nhà nhất khi nào? Khi trở trời đau ốm, khi thèm một món ăn vặt trên gánh hàng rong dọc Hà Nội phố, khi hoàng hôn buông thèm thấy dáng mẹ? Có lẽ đó là khoảnh khắc nghe tiếng pháo hoa rộn rã đêm giao thừa, nắm tay mẹ đi chùa cầu an.
Lần đầu tiên đón Tết xa nhà như thế. Mọi năm, tới ngày cuối cùng của năm cũ mình vẫn đang quay cuồng với bát, đĩa, nồi, niêu, xoong, chảo; dọn dẹp lẹ lẹ để còn về nhà quét tước, lau chùi đón ết. Năm nào nhà mình cũng túi bụi, nhớ lại hình như mình chưa ngồi nấu bánh chưng thâu đêm bao giờ.
Cũng phải thôi ấy, vì tết nào cũng bao nhiêu nồi giò rồi. Mấy ngày giáp tết chẳng có khái niệm thời gian, chỉ mãi tới 30 bố nói thôi không làm nữa, về nhà dọn dẹp, sửa soạn. Ai chẳng vậy, bận thế nào, mệt thế nào, có bao nhiêu mối lo chăng nữa thì vẫn luôn mong ước có cái tết ấm cúng, trọn vẹn.
Bé Tẹo gửi ảnh cho xem, năm nay thấy sau xe Cub của bố có chằng cây đào rồi. Có chút vui, dù “xuân này con không về”, vì thấy không khí ở nhà ấm cúng, đỡ tất bật hơn mọi năm.
Năm nay, để cho có không khí tết, mình cũng bon chen. Đúng kiểu các cụ, áo dài, guốc dép chỉnh tề, lên xe đi chợ tết. Cũng đắn đo liệu mình có đang làm quá lên không, đi chợ thôi bày đặt áo dài thướt tha. Trời thì mưa ướt nhẹp, tay xách quần, tay che mưa. Khổ nỗi mê mẩn áo dài nên vậy, lấy mọi cớ để diện áo dài. Từ ngày mang áo dài qua, thi thoảng mang ra ướm, chứ chưa có dịp diện, ngửi mùi nước xả, thấy cả Hà Nội trong đấy.
Mấy hôm nay lấy hết can đảm mở nhạc tết nghe, giỏi cái là không khóc. Cứ nghe rồi tưởng tượng những tết sau này lại được sắm sửa, dọn dẹp, đi chợ hoa, trang hoàng nhà cửa. Lớn rồi đâu ai còn khóc nữa. Rồi dự định nấu bánh chưng, bập bùng bếp lửa, cả nhà nói chuyện.
Mới 2 tuần trước còn khóc hết nước mắt vì xem video tết xa. Nhưng giờ lớn rồi, tự hiểu có khóc thì cũng tự an ủi, tự dỗ. Nên là mới hớn hở được.
Mai sẽ ngồi xem Táo quân, rồi nấu chả lá lốt, nấu thịt kho tàu. Chưa bao giờ thấy thèm bánh chưng, mà sáng đi chợ chỉ mong người ta có bán. Có đi để thấy trân trọng cả những thứ mình vốn không thích. Vì mỗi thứ đó, yêu hay ghét, đã vô hình trở thành một phần không thể thiếu tạo nên mình của ngày hôm nay.
Tết đầu tiên xa nhà của mình đơn giản như vậy, không có bánh chưng, không có giò, cũng không có mai đào. Nhưng có một gia đình thứ 2 bên cạnh mình.
Mình đã mang Tết tới Mỹ như thế!
Cả nhà ăn cơm mình nấu, có chả lá lốt, có thịt kho tàu, có cà pháo dầm. Mình sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc cả nhà chạy biến vào nhà như một cơn lốc, khúc khích cười sau khi châm pháo hoa. Vì pháo hoa không phải dịp nào cũng được phép đốt.
Mọi năm ở nhà mình vẫn trong diện được nhận bao lì xì, năm nay được tận tay tặng bao lì xì cho 2 nhóc, thấy niềm vui hấp háy, sự tò mò trong mắt 2 em. Và khi 3 chị e cùng hát “Tết tết tết tết đến rồi” thì đúng là Tết đã đến thật rồi, từ một nơi cách Tết nửa vòng trái đất.
Mình đã mang Tết tới Mỹ như thế!
Nguyễn Thị Lan Anh
(Từ Burlington, New Jersey, Mỹ)