Tăng tuổi nghỉ hưu - nhìn từ góc độ giáo dục
Vấn đề tăng độ tuổi nghỉ hưu đã được dư luận xã hội hết sức quan tâm và đã tạo nên một làn sóng tranh luận trái chiều. Sở dĩ các ý kiến còn thiếu tập trung bởi nhìn qua, hầu như mọi người đều có cái lí của mình mà từ một góc độ nào đó đều rất hợp lí. Lí lẽ cho việc đề nghị tăng độ tuổi nghỉ hưu thì nhiều, nhưng lí do chắc chỉ là một, đó là nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
Chúng ta cần xem lại hai vấn đề: một là, có phải đây là giải pháp duy nhất để ngăn chặn nguy cơ này? Thứ hai, liệu điều trị căn bệnh này theo thang thuốc trên có làm cho cơ thể khỏe mạnh lên hay dẫn tới một số căn bệnh khác trầm trọng hơn? Xin trao đổi một vài ý kiến của vấn đề từ góc nhìn của người làm công tác giáo dục.
Chúng tôi không đủ khả năng để đánh giá một cách đầy đủ thực tế năng lực giáo viên phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, từ thực tiễn nhiều năm làm công tác đào tạo giáo viên, có điều kiện tham gia nhiều chương trình của ngành, được thâm nhập khá nhiều ở giáo dục phổ thông, chúng tôi có thể nhận thấy, một bộ phận không nhỏ giáo viên từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở ở độ tuổi từ 40 trở lên vốn được đào tạo từ cao đẳng hoặc trung học sư phạm trong giai đoạn cuối thế kỷ trước trong điều kiện các trường sư phạm còn nhiều khó khăn cả về nhân lực và vật lực, chưa nói đến một bộ phận được đào tạo cấp tốc do một số địa bàn thiếu giáo viên trầm trọng ở thời điểm đó.
Mặc dù đã được “chuẩn hóa” theo nhiều hình thức, đặc biệt với phong trào đại học hóa phát triển như vũ bão trong một thời gian khá dài từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến năm 2010 mới có dấu hiệu hạ nhiệt, với nhiều hình thức: chuyên tu, tại chức,... được tổ chức theo nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt là phương thức đào tạo từ xa, đã thu hút hàng vạn giáo viên, và đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo nhân lực giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non, mà đặc biệt là về phương diện bằng cấp.
Có thể khẳng định, những kết quả từ các hình thức đào tạo trên là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên về chất lượng của các sản phẩm được tạo ra từ các phong trào này, có lẽ bây giờ không còn là tâm điểm để chúng ta bàn luận nữa. Vấn đề đã được nhiều cuộc hội nghị tổng kết, đánh giá khá đầy đủ; dư luận xã hội cũng đã có nhiều phản ánh trái nhiều và đa số sự thiện cảm không nghiêng về cách làm của chúng ta; hơn nữa, đã có không ít ý kiến từ chính người học.
Có thể mạnh dạn nói rằng, chất lượng đào tạo theo hình thức này đã không đem lại kết quả như kỳ vọng. Trình độ của giáo viên thuộc các đối tượng này có được nâng lên ở mức độ khác nhau, song về cơ bản chưa tương xứng với bằng cấp mà họ có được. Trong khi đó rất nhiều sinh viên sư phạm được đào tạo trong môi trường thuận lợi hơn, tiếp thu được nhiều tri thức hiện đại hơn, có khả năng để tiếp cận và triển khai những nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mới một cách hiệu quả hơn nhưng khi tốt nghiệp ra trường lại không có cơ hội để cống hiến do các bậc cha chú đã có đủ bằng cấp, có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp lại chưa đến tuổi về hưu để nhường chỗ cho họ.
Cùng với một số ngành dịch vụ khác như hàng không, du lịch, ngân hàng...thì giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non là một ngành đặc thù, đòi hỏi phải được trẻ hóa. Bên cạnh yếu tố hàng đầu là phẩm chất, năng lực thì yếu tố tuổi tác là cực kỳ quan trọng.
Qua khảo sát người học, số học sinh càng nhỏ tuổi càng thích giáo viên trẻ và đẹp. Một giáo viên ở tuổi trên 50, đặc biệt là giáo viên nữ, với tác phong có dấu hiệu của sự chậm chạp, kèm theo mái tóc lốm đốm bạc không còn hấp dẫn đối với trẻ nhỏ nữa, trong khi đó, hầu hết giáo viên mầm non và khoảng 80% giáo viên tiểu học hiện nay là nữ. Ngay bản thân nhiều giáo viên ở lứa tuổi này cũng có tâm lí không muốn tiếp tục đứng lớp trong sự thiếu hào hứng của người học.
Giáo dục nước ta đang trên đường đổi mới một cách toàn diện. Nếu trong đội ngũ giáo viên có một tỷ lệ không nhỏ những thầy cô giáo tuổi cao, đào tạo theo kiểu phong trào như trên đang được coi là nòng cốt cho sự đổi mới mà thiếu những người thầy giáo được đào tạo trong một môi trường sư phạm hiện đại thì khó có thể đi được đến mục tiêu trên con đường này.
Trở lại vấn đề đặt ra ở trên: phải chăng tăng độ tuổi nghỉ hưu là giải pháp duy nhất để ngăn chặn nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội? Đây là vấn đề lớn, liên quan đến tất cả các ngành, đến nhiều đối tượng xã hội mà chúng tôi không có khả năng để tranh luận. Tuy nhiên, theo cách nhìn nhận của chúng tôi, xét về nhiều phương diện, trong đó có vấn đề lịch sử và quá trình của ngành bảo hiểm xã hội nước ta thì tin chắc, đây không phải và không thể là nhân tố quyết định.
Từ góc độ giáo dục, chúng ta không thể vì vấn đề khó khăn của quỹ bảo hiểm để rồi hy sinh chất lượng giáo dục, hay cụ thể là làm khó khăn hơn cho việc triển khai những mục tiêu của ngành. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, bên cạnh những nội dung chiến lược đã được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, các quyết sách của Nhà nước, theo chúng tôi trước hết ngành giáo dục phải được trẻ hóa đội ngũ; phải có một tỷ lệ đáng kể những giáo viên được đào tạo trong môi trường sư phạm hiện đại, tiếp thu được nhiều tri thức tiên tiến hơn, có khả năng để tiếp cận và triển khai những mục tiêu mang tính “tầm nhìn” của quốc gia, của ngành, những nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục mới.
Thật mâu thuẫn khi có người cho rằng, chúng ta tăng độ tuổi nghỉ hưu là để tận dụng cơ hội dân số vàng. Chẳng lẽ thời kỳ dân số vàng lại để cho những người có sức trẻ, sức khỏe, có trí tuệ phải thất nghiệp để rồi buộc chúng ta phải tiếp tục kéo dài thời gian làm việc cho những người bắt đầu có những vấn đề về sức khỏe do tuổi tác, với tư duy đã cũ, kiến thức lạc hậu, ngại học ngoại ngữ, khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin,... không còn phù hợp trên con đường phát triển đi lên của ngành giáo dục.
Thực tế, không ai lại tăng tuổi lao động trong thời kỳ dân số vàng. Cơ hội dân số vàng là cơ hội của quốc gia và cả cho người lao động. Đừng lấy ví dụ Nhật bản, Hàn Quốc để minh họa cho ý kiến chủ quan của ai đó. Hai quốc gia này người ta đã qua thời kỳ dân số vàng từ lâu và cũng đã từ lâu họ không còn tình trạng hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không có việc làm như nước ta hiện nay. Một thực tế nữa là hai quốc gia này và một số quốc gia khác nữa như Singapore chẳng hạn, nhà nước đang tìm mọi biện pháp để khuyến khích sinh đẻ nhằm chống sự sụt giảm dân số thì ở nước ta đang phải làm ngược lại.
Theo nhìn nhận của chúng tôi, với giáo dục phổ thông nước ta, nếu độ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì ít nhất 10 năm nữa mới có thể cân đối được số giáo viên đã, đang và sẽ được đào tạo như chỉ tiêu của Bộ Giáo dục - Đào tạo giao cho ngành sư phạm hiện nay. Và nếu như vậy, sớm nhất phải sau 5 năm nữa mới có thể bước vào thực hiện quá trình tăng dần độ tuổi nghỉ hưu, và quá trình này theo chúng tôi phải điều chỉnh trong thời gian khoảng 5 năm.
Từ thực tế đòi hỏi của giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non như đã đề cập ở trên, chúng tôi cho rằng độ tuổi nghỉ hưu của ngành Giáo dục chưa nên thay đổi theo hướng tăng lên trong thời điểm này, đồng thời độ tuổi giữa nam và nữ vẫn nên duy trì một khoảng cách như vậy.
Vừa qua, đã có nhiều nhà khoa học và cán bộ nữ đang nói nhiều về vấn đề bình đẳng giới cũng như sự cần thiết tăng độ tuổi nghỉ hưu nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng này có điều kiện tiếp tục cống hiến. Ở đây, bình đẳng giới và đặc thù nghề nghiệp là hai phạm trù khác nhau. Nhà nước ta cũng đã có chủ trương tạo điều kiện cho những nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực (không phân biệt giới tính) được tiếp tục tham gia công tác chuyên môn dưới nhiều hình thức trong điều kiện các cơ quan, đơn vị đó có nhu cầu và cá nhân có điều kiện phù hợp về chuyên môn, sức khỏe, thời gian.... được thể hiện cụ thể trong Điều 9, Nghị định Chính phủ số 141/2013/NĐ-CP, ngày 24.10.2013; Nghị định 40/2014/NĐ-CP, ngày 12/5/2014.
Chúng tôi thấy, đại bộ phận các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khoa học, Giáo dục - Đào tạo đã triển khai thực hiện rất hiệu quả chủ trương này. Ngoài ra, những người thuộc diện nghỉ hưu trước thời điểm ban hành Nghị định vẫn được các cơ sở có những hoạt động phù hợp ký hợp đồng làm việc dưới nhiều hình thức. Các đối tượng này tuy không còn tiếp tục đóng góp cho quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng thay vào đó họ vẫn đóng góp cho nhà nước bằng thuế thu nhập cá nhân.
Một hệ lụy nữa có thể kể đến là nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu, tức đồng nghĩa với việc tăng độ tuổi làm công tác lãnh đạo, quản lí. Và như vậy có đi ngược lại mục tiêu trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo?
Theo TS Trần Văn Dũng
Lao động