Quảng Trị:
Tặng sim điện thoại 4G, hỗ trợ hàng trăm học sinh miền núi học trực tuyến
(Dân trí) - Do điều kiện khó khăn, nhiều học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tại Quảng Trị không có mạng Internet để học trực tuyến, Trường THPT Đakrông đã kêu gọi các đơn vị tặng sim cho các em.
Cách đây ít ngày, câu chuyện về hai học sinh miền núi tại huyện Đakrông (Quảng Trị) là Hồ Thị Tăm - lớp 12B6 và em Hồ Thị Sương - lớp 12B2, trường THPT Đakrông dựng lều học trực tuyến giữa đồi, trong thời gian phải nghỉ học để tránh dịch Covid-19 khiến nhiều người xúc động.
Gia đình hai học sinh đều trú tại thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông. Em Hồ Thị Tăm có 4 anh chị em, Tăm là con thứ hai. Cha mẹ em làm nương rẫy, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Tăm còn em gái đang học lớp 8.
Em Hồ Thị Sương cũng thuộc diện hộ nghèo, cha mất sớm, gia đình đông anh, chị em, Sương là con thứ ba.
Để việc học không bị gián đoạn trong dịp nghỉ do dịch Covid-19, hai em Tăm và Sương phải dựng lều trên đồi cao để tìm sóng điện thoại, tiện theo dõi bài giảng của thầy, cô trên mạng Internet.
Một số học sinh miền núi tại Quảng Trị cũng phải xoay xở mọi cách, thậm chí học bài giữa núi rừng giữa mùa dịch Covid-19.
Cả khóm bản Tà Lao (xã Tà Long, huyện Đakrông) chỉ có khoảng 10 nóc nhà. Xa trung tâm, sóng điện thoại chập chờn, nên để học trực tuyến, em Hồ Thị Đam phải vượt suối, leo đồi cách nhà khoảng 2 cây số mới có sóng 4G.
Đến giờ học, thầy giáo Nguyễn Phương Nam - giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Đakrông mở máy dạy học trực tuyến cho các em học sinh lớp 12B4. Ở góc màn hình máy tính, xuất hiện hình ảnh của em Hồ Thị Đam đang ngồi trên mỏm đá, xung quanh là cây rừng chăm chú nghe giảng bài.
Hết tiết học, thầy Nam xin số điện thoại của Đam từ cô giáo chủ nhiệm, để hỏi em ngồi học ở đâu, thì mới biết nữ sinh này leo hơn 2 cây số đường rừng để tham gia tiết học.
Gia đình em Đam nghèo, nên không có điều kiện sắm xe máy, cũng như điện thoại tốt. Đam có chiếc điện thoại cũ, pin hỏng nên phải cắm sạc mới dùng được.
Cách nhà Đam tầm 2 cây số ở đồi cao, có 1 điểm sóng điện thoại mạnh, 4G tốt, nhưng vì điện thoại hỏng nên ban đầu em không tham gia học trực tuyến được, thay vào đó ở nhà em tự ôn bài. Thêm nữa, để đến được điểm có sóng 4G, em phải qua suối bằng cầu khỉ, nếu trời mưa nước dâng cao không qua về được, nên Đam buộc nghỉ học trực tuyến nhiều buổi…
Cách đây 2 ngày, Đam mượn được điện thoại của bạn, rồi sang hàng xóm mượn thêm cái ghế nhựa, cầm theo chai nước và sách vở đi bộ lên đồi. Ngay vị trí sóng 4G mạnh, có một mỏm đá, em ngồi lên đó, mở điện thoại kết nối học, còn chiếc ghế nhựa làm bàn.
Được biết, Đam là học sinh khá, rất chăm chỉ. Gia đình có 6 người, 4 người con đang đi học. Nhà cách trường hơn 15 cây số, bình thường em ở lại nhà bà ngoại để theo học.
Theo thầy Lê Chí Thông - Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông, khi triển khai dạy học trực tuyến, nhà trường đã liên hệ với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh để tuyên truyền, vận động hỗ trợ thiết bị cho các em có điều kiện tốt nhất để học tập.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình các em còn nhiều khó khăn nên số lượng học sinh có thiết bị kết nối được Internet còn hạn chế.
Bên cạnh đó, do địa hình hiểm trở, nên nhiều học sinh có điện thoại nhưng không kết nối được với mạng di động. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tổ chức dạy học qua Internet của nhà trường.
“Để giúp các em có điều kiện tham gia học qua Internet và truyền hình, nhà trường đã phát động quyên góp để tặng sim 3G, điện thoại cho những học sinh có hoàn hoàn cảnh khó khăn”, thầy Thông cho biết.
Sau thời gian kêu gọi, nhà trường đã phối hợp với các nhà mạng trao tặng hơn 100 sim điện thoại 4G, để hỗ trợ học sinh nghèo học trực tuyến.
Đặc biệt, trường còn vận động cán bộ, giáo viên và các cá nhân, tổ chức hảo tâm hỗ trợ tiền hoặc điện thoại để cho học sinh có điều kiện khó khăn học tập.
Đăng Đức