Huế:

Tặng Huân chương lao động hạng Ba cho trường đào tạo giáo viên lâu nhất miền Trung

(Dân trí) - Sáng 19/3 tại trường Đại học Sư phạm Huế (Đại học Huế) đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Đây là ngôi trường có tuổi đời lâu nhất tại miền Trung và Tây Nguyên trong công tác đào tạo giáo viên từ năm 1957 đến nay.

Đến dự lễ có ông Phan Thanh Bình, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc Hội; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cùng nhiều lãnh đạo, hiệu trưởng các trường đại học trên cả nước và hàng ngàn thầy cô giáo nguyên là giảng viên, các cựu sinh viên của trường. Nhiều tiết mục văn nghệ xúc động, hào hùng đã ôn lại bức tranh toàn cảnh của ngôi trường chuyên đào tạo giáo viên có tuổi đời lâu nhất miền Trung này.

Lễ kỷ niệm 60 năm trường Đại học Sư phạm
Lễ kỷ niệm 60 năm trường Đại học Sư phạm

Dàn đồng ca hào hùng mừng 60 năm thành lập Đại học Sư phạm Huế

Năm 1957, Trường ĐH Sư phạm Huế được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm trực thuộc Viện ĐH Huế. Năm học 1958-1959 trường được nâng lên thành trường ĐH Sư phạm thuộc Viện ĐH Huế với nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học duy nhất cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Từ ngôi trường này, trên 60.000 sinh viên tốt nghiệp tỏa về khắp các vùng miền làm nhiệm vụ trồng người, phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước; trên 56.000 lượt giáo viên các bậc học của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Nhiều thế hệ lão thành về dự lễ kỷ niệm trường
Nhiều thế hệ lão thành về dự lễ kỷ niệm trường

Trường hiện đặc biệt chú trọng các biện pháp đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2018. Trường ĐH Sư phạm Huế là một trong 20 trường đại học đầu tiên trong cả nước tham gia kiểm định chất lượng và được bộ GD-ĐT công nhận là trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục từ năm 2007.

Hiện tại trường có 414 cán bộ trong đó có 259 giảng viên với 2 giáo sư, 43 phó giáo sư, 84 tiến sĩ, 118 thạc sĩ. Trường đang đào tạo 16 ngành trình độ cử nhân trên quy mô bình quân 6.000 sinh viên/năm học; đào tạo 27 chuyên ngành thạc sĩ, 12 chuyên ngành tiến sĩ; đã và đang triển khai Đề án Đào tạo sau đại học cho các tỉnh Tây Nguyên, Đông và Tây Nam Bộ; liên kết với trường ĐH Mahasharakham (Thái Lan) đào tạo thạc sĩ quản lý giáo dục, ĐH Giao thông Đài Loan đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành toán, lý, hóa…

TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế cho biết, từ đây đến năm 2030, trường sẽ phấn đấu trở thành trường đại học sư phạm nghiên cứu và ứng dụng hàng đầu trong hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên cả nước, đảm bảo cho người học có đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng trong xã hội phát triển.

Để thực hiện được điều này, trường tập trung trên 3 mục tiêu là: hoàn thành mô hình quản trị đại học theo hướng chuyên nghiệp, hướng tới các chuẩn mực quốc tế; phát huy lợi thế về đội ngũ cán bộ khoa học; nâng cao và hoàn thiện chất lượng sản phẩm đào tạo theo nhu cầu xã hội trên việc coi trọng trang bị năng lực khởi nghiệp, tư duy sáng tạo cho sinh viên.

Nhiều lá cờ từ quần đảo Trường Sa được các chiến sĩ tặng kỷ niệm cho trường qua phong trào 1.000 lá cờ tổ quốc cho biển đảo do nhà trường phát động
Nhiều lá cờ từ quần đảo Trường Sa được các chiến sĩ tặng kỷ niệm cho trường qua phong trào 1.000 lá cờ tổ quốc cho biển đảo do nhà trường phát động

Tại buổi lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể trường Đại học Sư phạm Huế vì đã có nhiều thành tích xuất sắc giai đoạn từ năm học 2011-2012 đến 2015-2016.

TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba từ Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao tặng
TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba từ Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao tặng

Đại Dương