Tăng cường công tác thanh tra trong tự chủ đại học

Hoài Nam

(Dân trí) - Bên cạnh cơ hội, các cơ sở giáo dục đại học cũng đối mặt với nhiều mặt trái của tự chủ. Điều này đòi hỏi phải tăng cường công tác thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học.

Đó là vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học" do Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Thanh tra Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 30/11. 

Tăng cường công tác thanh tra trong tự chủ đại học - 1

Hội thảo về công tác thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập (Ảnh: An Nguyễn).

Hội thảo được chia thành 2 phiên với sự tham gia của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về pháp luật thanh tra, giáo dục, những người làm công tác thực tiễn từ các cơ quan Thanh tra Chính Phủ, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra một số tỉnh, thanh tra Sở, Quận và đặc biệt là các đại diện lãnh đạo nhiều trường đại học công lập và tư thục trong cả nước. 

TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM - bày tỏ, tự chủ đại học là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các trường trong quá trình cạnh tranh trên bản đồ giáo dục và đào tạo trong nước và quốc tế. 

Theo ông Sơn, đứng trước những cơ hội của tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải đối mặt với không ít những thách thức của mặt trái về việc trao quyền tự chủ. 

TS Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - cho biết, tự chủ giáo dục đại học là một xu hướng của thế giới và đang diễn ra một cách sâu rộng tại Việt Nam. 

Luật Giáo dục đại học đã có những quy định nhằm xác lập rõ ràng về điều kiện để thực hiện quyền tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như các nội dung của quyền tự chủ.

Ông Cường cho rằng, việc trao được trao quyền một các mạnh mẽ, phân cấp và phân quyền thì thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng và là một khâu thiết yếu phục vụ đắc lực cho công tác quản lý của các Hiệu trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của nhà trường. Việc này góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của nhà trường.

Với tinh thần đó, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị 1048 về tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông và tự chủ đại học. 

TS Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - khẳng định, việc tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập có ý nghĩa, vai trò rất lớn. 

Đầu tiên, điều này đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức cá nhân trong đơn vị sự nghiệp công lập. 

Tăng cường công tác thanh tra trong tự chủ đại học - 2

Lãnh đạo các trường đại học chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Hoài Nam).

Tiếp đó, giúp ngăn ngừa, phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng như phát hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định quản lý đơn vị sự nghiệp công lập bất cập không còn phù hợp. 

Ngoài ra, góp phần đảm bảo đạt được mục tiêu và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và là cơ sở để nhà nước đánh giá mức độ rủi ro trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, để đáp ứng các yêu cầu về tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm