Tân sinh viên Học viện Quân y suýt phải "trả giá" vì chủ quan

(Dân trí) - Trần Trung Kiên trúng tuyển vào Học viện Quân y với điểm suýt soát điểm chuẩn. Là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý nhưng Kiên lại để mất điểm ở những câu dễ nhất khiến chút nữa ước mơ trở thành bác sỹ của em khó trở thành hiện thực.

Tân sinh viên Học viên Quân y chia sẻ về bài học chủ quan

Với 29,25 điểm (Toán 10, Vật lý 9, Hóa học 9,75, cộng 0,5 điểm ưu tiên khu vục), em Trần Trung Kiên (lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) trúng tuyển vào Học viện Quân y (điểm chuẩn 29 điểm). Có thể nói, ước mơ trở thành bác sỹ của em đã trải qua mốc quan trọng nhất.

Nếu không có 0,5 điểm khu vực, Kiên sẽ phải lỡ hẹn với ước mơ. Nếu trường hợp đó xảy ra, có thể em sẽ day dứt và tự trách bản thân rất nhiều bởi cái sự lỡ hẹn ấy bắt nguồn từ sự chủ quan của cậu học sinh giỏi này.


Tân sinh viên Học viên Quân y Trần Trung Kiên.

Tân sinh viên Học viên Quân y Trần Trung Kiên.

Năm 2015-2016, Trần Trung Kiên đoạt giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Kiên đặt mục tiêu điểm 10 môn này tuy nhiên em chỉ đạt 9 điểm. Đối với Kiên, đây là bài học "đau đớn" vì tính chủ quan của mình.

“Em đã để sai ở những câu dễ, trong đó có câu hết sức cơ bản mà bất cứ bạn nào có học lực trung bình đều có thể làm được. Em toàn học “trên ngọn”, hứng thú với câu khó mà bỏ qua phần gốc cơ bản. Chạy nhanh quá sẽ vấp, và khi đã vấp thì sẽ ngã đau”, Kiên chia sẻ về việc mất 1 điểm môn Vật lý.

“Kinh nghiệm có thể nói là "bài học xương máu" của em hi vọng sẽ hữu ích đối với các em khóa sau. Dù khó hay dễ thì điểm số mỗi câu vẫn bằng nhau là 0,25 điểm/câu. Vì thế, đừng vì cố gắng làm nhanh, vội những câu dễ để đến câu khó mà chủ quan, mất điểm oan. Hãy đọc thật kỹ đề và từng đáp án để đưa ra lựa chọn chính xác nhất”, Kiên nói.

Trần Trung Kiên và bố mẹ. Trước thời điểm em bước vào kỳ thi quan trọng, mẹ bị tai biến mạch máu não phải đi viện điều trị dài ngày
Trần Trung Kiên và bố mẹ. Trước thời điểm em bước vào kỳ thi quan trọng, mẹ bị tai biến mạch máu não phải đi viện điều trị dài ngày

Ít ai biết rằng, thời điểm Trần Trung Kiên tham gia kỳ thi THPT quốc gia cũng là lúc gia đình em trải qua một biến cố lớn - mẹ em phải nhập viện điều trị vì tai biến mạch máu não. Cuộc sống vốn đã khó khăn, khi mẹ ngã bệnh, bố Kiên phải xin nghỉ việc bảo vệ ở một cửa hàng để vào viện chăm sóc vợ. Trong khi các bạn cùng trang lứa được bố mẹ “chăm sóc tận răng” để dồn sức cho kỳ thi quan trọng này thì Kiên vẫn "làm bạn" với mì tôm, nhiều hôm học quên cả ăn.

Sau thời gian dài điều trị tích cực tại Hà Nội, chị Trần Thị Dần - mẹ Kiên được chuyển về Nghệ An để phục hồi chức năng. Bố quay trở lại công việc để kiếm thêm tiền trang trải chi phí điều trị, em gái thay bố vào viện, Kiên tiếp tục tự lo cho bản thân.

Trước khi chính thức nhập học, sống trong môi trường quân ngũ, Trần Trung Kiên kiên trì giúp mẹ tập phục hồi chức năng sau cơn bạo bệnh
Trước khi chính thức nhập học, sống trong môi trường quân ngũ, Trần Trung Kiên kiên trì giúp mẹ tập phục hồi chức năng sau cơn bạo bệnh

Không có điều kiện để đi học thêm, Kiên chủ yếu học trên lớp và học nhóm hoặc nhận làm “gia sư” cho các bạn để củng cố kiến thức. Thương cậu học trò hiếu học, học giỏi, thầy cô, các bạn và một số phụ huynh trong lớp giúp đỡ em bằng nhiều cách. Khi biết Kiên vì hoàn cảnh gia đình mà chưa thể hoàn thành việc đóng nạp các khoản cho nhà trường, một phụ huynh đã bí mật giúp em. Tình yêu thương, tin tưởng của mọi người đã tiếp thêm cho cậu học trò này niềm tin và nghị lực, vượt qua khó khăn trước mắt để giành được kết quả cao trong kỳ thi vừa qua.

“Nằm viện, cứ nghĩ đến con mà vừa thương vừa lo nhưng tôi tin tưởng vào con trai bởi cháu là đứa có tính tự lập cao. Suốt gần 1 tháng chờ đợi kết quả, cả gia đình cứ thấp thỏm vì điểm trúng tuyển vào Học viện Quân y thường ở rất cao. Hôm nghe thông tin về điểm chuẩn, biết chắc chắn con đậu, đúng là còn hơn cả trăm liều thuốc bổ”, chị Dần chia sẻ.

... hay hướng dẫn em gái củng cố kiến thức trước khi bước vào năm học mới
... hay hướng dẫn em gái củng cố kiến thức trước khi bước vào năm học mới

Kiên đăng kí vào Học viện Quân y, một phần là để thực hiện ước mơ trở thành bác sỹ, phần khác cũng để đỡ một phần gánh nặng chi phí học tập cho bố mẹ. Hiện toàn bộ chi tiêu sinh hoạt gia đình và chi phí điều trị phục hồi chức năng của mẹ Kiên đều trông chờ vào đồng lương bảo vệ ít ỏi của bố.

“Chặng đường phía trước vẫn còn rất dài. Còn nhiệm vụ trước mắt của em là luyện tập lấy lại phong độ, thể lực sau thời gian “ngược đãi bản thân” để đáp ứng tiêu chí sức khỏe khi nhập trường”, Trần Trung Kiên cười.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm