Tấn công an ninh mạng: Do thiếu nguồn nhân lực cao ngành An toàn thông tin
Chỉ số an toàn thông tin trung bình của Việt Nam là 46,5%, tuy ở dưới mức trung bình và vẫn còn sự cách biệt với các nước như Hàn Quốc (hơn 60%), song so với năm 2014 thì đã có bước tiến rõ rệt (tăng 7,4%).
Nhu cầu về nguồn nhân lực thông tin vẫn “nóng” hơn bao giờ hết.
Với chỉ số an toàn thông tin đang ở dưới mức trung bình, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đang khiến nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành an toàn thông tin bức thiết hơn bao giờ hết.
Theo một báo cáo của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), tính từ 21/12/2014 tới 21/12/2015, đơn vị này đã ghi nhận được tổng số 31.585 sự cố an ninh thông tin tại Việt Nam. Trong đó, có 5.898 sự cố tấn công lừa đảo, 8.850 sự cố tấn công thay đổi giao diện và 16.837 sự cố cài mã độc.
Con số này lớn hơn khá nhiều so với các sự cố của Việt Nam được ghi nhận trong những năm trước đó. Cụ thể, năm 2010 là 271 sự cố; 2011 là 757 sự cố; 2012 là 2179 sự cố; 2013 là 4.810 sự cố và 2014 là 28.186 sự cố. Tình hình an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam vẫn diễn ra khá phức tạp với các loại hình tấn công mã độc, tấn công có chủ đích APT, lừa đảo qua mạng, qua tin nhắn rác, các mã độc phát tán qua email rác…
Năm 2015 nổi lên tình trạng lừa đảo thông tin qua mạng xã hội. Kẻ xấu luôn luôn tìm cách đưa ra những hình thức, thủ đoạn mới để lừa những người sử dụng nhằm thực hiện hành vi đánh cắp thông tin, thu lợi bất chính.
Một hiện tượng rộ lên mạnh vào đầu năm 2015 là “ông chú Viettel” lừa mọi người nhắn tin để nhận được gấp 10 lần giá trị thẻ nạp nhưng thực chất chỉ là những thông tin lừa đảo.
Sau đó xuất hiện hình thức biến đổi lừa đảo mới khi hacker tạo ra những website giả mạo có giao diện rất giống những website chính thống. Khi người sử dụng thực hiện theo chỉ dẫn trong website để có thể nhân giá trị thẻ cào lên, mã thẻ cào được nhập vào website giả mạo này sẽ bị đánh cắp.
Ngoài xu hướng tấn công trên mạng xã hội, hình thức tấn công thông qua cài mã độc để đánh cắp thông tin với mục đích kinh tế thì mục tiêu chính trị vẫn được ghi nhận xuất hiện nhiều ở Việt Nam trong năm 2015.
Trong tháng 5/2015, hãng bảo mật FireEye đã công bố nhóm tin tặc APT 30 được đặt tại Trung Quốc theo dõi các mục tiêu, trong đó có Việt Nam… Chưa kể đến hàng loạt các cuộc tấn công nhằm vào các doanh nghiệp…
Tại sự kiện Ngày an toàn thông tin Việt Nam diễn ra đầu tháng 12 năm 2015, tiến sĩ Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, chủ quyền số, chủ quyền quốc gia truyền thống và không gian mạng thường liên quan đến nhau. Và các cuộc tấn công lớn trên thế giới đều bắt đầu hoặc đi kèm là những cuộc tấn công mạng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban điều hành Đề án 99 phát biểu tại Hội nghị các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin.
Đại diện của Microsoft nhận định, tội phạm thiên về sử dụng mã độc đang gây ra những hậu quả khủng khiếp cho các chính phủ, cá nhân và các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Các mã độc đang gia tăng theo cấp số nhân về cả số lượng, hình thức chủng loại cũng như mức độ đe dọa, gây ra những thiệt hại khó lường. Nhu cầu về nguồn nhân lực thông tin vẫn “nóng” hơn bao giờ hết.
Tuyển 600 chỉ tiêu ngành An toàn thông tin
Việc đáp ứng ngành An toàn thông tin ở Việt Nam có nhiều điểm sáng từ các cơ sở đào tạo, tuy nhiên như thế là chưa đủ. Theo thống kê của Học viện Kỹ thuật mật mã, ngành an toàn thông tin là chuyên ngành mà tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp lên đến hơn 90%, trong số đó, 1/3 bạn có mức lương khởi điểm từ 7-10 triệu đồng/tháng. Hiện nay nhu cầu sử dụng nhân lực ATTT đang tăng nhanh. Đặc biệt, các ngân hàng, tổ chức tài chính đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này và tích cực thu hút nhân lực ATTT.
Đón đầu , trong đợt tuyển sinh năm 2016, Học viện Kỹ thuật mật mã tiếp tục tuyển sinh ngành An toàn thông tin khối A, A1 với 600 chỉ tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Học viện Kỹ thuật mật mã (http://tuyensinh.actvn.edu.vn) là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước đào tạo chuyên ngành ATTT ở trình độ đại học và sau đại học. Năm tuyển sinh 2016, Học viện KTMM tuyển sinh Hệ dân sự với 600 chỉ tiêu ngành An toàn thông tin và 120 chỉ tiêu Chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng và di động (năm đầu tiên tuyển sinh chuyên ngành này) với hình thức xét tuyển bằng cách sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển (Khối A hoặc A1).
Chi tiết liên hệ: (04)35520575 hoặc 0986.666.095 (cơ sở Phía Bắc); (08) 62939206 (cơ sở Phía Nam).