Tấm lòng của thầy giáo mù cưu mang nhiều trẻ khuyết tật

Trung tâm giáo dục Hòa Nhập Hướng Dương Việt, tỉnh Quảng Nam do thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy thành lập hiện nuôi dưỡng gần 50 trẻ khuyết tật.

Sau một tai nạn đáng tiếc hỏng cả hai mắt, 25 năm qua, anh Đặng Ngọc Duy, ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nỗ lực vượt qua số phận đi học đàn, học chữ Braille.
 
Tốt nghiệp đại học, Ngọc Duy đã tự mình cưu mang những đứa trẻ không may mắn. Sinh hoạt trong mái ấm tình thương này, các em được học chữ, học hát, được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ.
 

Đặng Ngọc Duy sinh ra và lớn lên ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tuổi thơ của anh không trọn vẹn như bao bạn bè cùng trang lứa. Khi đang học lớp 6, anh bị một tai nạn làm mù hai mắt và cụt mấy ngón tay. Từ đó, Ngọc Duy phải bỏ học giữa chừng. Chuỗi ngày sống trong bóng tối tưởng chừng không thể vượt qua.

Năm 1992, khi trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu thành lập, Duy được gia đình gửi vào học chữ nổi Braille, sau đó anh học dần lên cấp 3. Tốt nghiệp phổ thông, anh Đặng Ngọc Duy thi đậu vào khoa Ngữ văn, trường Đại học Quảng Nam.

Ra trường năm 2009, anh Đặng Ngọc Duy, thành lập mái ấm "Hướng Dương" đưa nhiều trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam về học văn hóa miễn phí.

Tấm lòng của thầy giáo mù cưu mang nhiều trẻ khuyết tật - 1

Thầy giáo Đặng Ngọc Duy tâm sự: dạy chữ cho các em, một bài học phải dạy nhiều lần, mới giúp các em nắm bắt được: "Trong quá trình dạy mình phải nắm bắt tâm lý, mỗi em là một dạng tật khác nhau, các em chậm phát triển trí tuệ thì mình dạy một ngày một chữ. Đặc biệt là phải chịu khó.

Hiện giờ chúng tôi đang nuôi dạy các em học cấp 1 tập trung tại Trung tâm, ngoài ra có các em đang học hòa nhập cấp 2, cấp 3, có cả sinh viên".

Từ cơ sở "Mái ấm Hướng Dương" do thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy thành lập ban đầu nay đã trở thành Trung tâm giáo dục hòa nhập Hướng Dương Việt, có trụ sở tại phường An Phú, thành phố Tam Kỳ.

Dưới mái ấm đầy ắp tình người này, các em được học văn hóa, kỹ năng sống, âm nhạc. Với những em khuyết tật nặng còn được hỗ trợ phục hồi, chăm sóc đặc biệt.

Bạn Nguyễn Kỳ Nam, ở xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam được thầy giáo Đặng Ngọc Duy cưu mang. Nam mồ côi cha từ nhỏ, bản thân em bị khuyết tật. Hàng ngày, 3 mẹ con sống trong ngôi nhà tạm bợ, cuộc sống rất khó khăn nên Nam phải bỏ học giữa chừng. Em may mắn được thầy Duy mang về nuôi nấng học hành. Hiện tại, Nam đang theo học tại trường Đại học Quảng Nam.

Nguyễn Kỳ Nam thổ lộ về ngôi nhà thứ hai của mình: "Gia đình em khó khăn, bản thân em là người khuyết tật đã bỏ học từ lâu nhưng được thầy Duy định hướng cho đi học trở lại và tiếp tục cưu mang cho em cho ăn ở tại đây. Bây giờ em đã học Đại học Quảng Nam. Thầy Duy không những cưu mang em còn cưu mang các bạn khuyết tật".

Hiện, Trung tâm giáo dục Hòa Nhập Hướng Dương Việt tỉnh Quảng Nam nuôi dưỡng gần 50 trẻ khuyết tật. Trong đó 25 em đang học cấp 1 tập trung, còn lại các em học cấp 2, cấp 3 và đại học.

Ông Hứa Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Nam cho biết: "Nghị lực phi thường và tấm lòng nhân ái của chàng trai khiếm thị Đặng Ngọc Duy như viên ngọc quý giữa đời thường. Chỗ anh Duy là người khuyết tật mù, bị khiếm khuyết vận động nhưng có năng lực, tạo cơ hội cho những người khuyết tật, dạy bằng chữ để cho các em khuyết tật tiếp cận có mái ấm tình thương.

Việc làm của anh Duy ở cộng đồng cần có sự chung tay góp sức để hỗ trợ anh vượt qua những khó khăn, trở thành một tấm gương sáng tiêu biểu. Chúng tôi mong rằng, cộng đồng xã hội quan tâm hơn nữa đối với người khuyết tật có nguồn vốn vay tham gia sản xuất".

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có gần 100.000 người khuyết tật, nhưng mới chỉ có 500 người được quan tâm hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ... Số người cần được giúp đỡ còn rất nhiều. Họ rất mong cộng đồng chung tay giúp đỡ.

Hàng năm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam đã chủ động phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ tổ chức tập huấn kỹ năng hướng nghiệp việc làm cho người khuyết tật để họ tự tin hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Theo Tuyết Lê
VOV