Tại sao không thể dạy một tiết học online hay như chúng ta xem một bộ phim?
(Dân trí) - Đa phần giáo viên dạy học trực tuyến đang thuyết giảng nhiều còn học sinh thì thụ động, dẫn đến hạn chế tương tác hai chiều giữa thầy và trò.
Trải qua hơn một năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hình thức học trực tuyến dần trở nên quen thuộc và có thể coi là sự lựa chọn phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh những ưu điểm thì học online vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến giáo viên và phụ huynh không khỏi lo lắng.
Talkshow Đánh thức trạng thái "ngủ đông mùa dịch" của học sinh (tham khảo tại: https://www.facebook.com/watch/?v=7302970329728907 ), tổ chức tại Trường Liên cấp THCS - TH Vietschool Pandora, ngày 11/12 vừa qua, với sự tham gia của TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục, nhà giáo Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng trường liên cấp THCS-TH Vietschool Pandora, đã thảo luận rất nhiều những trở ngại mà giáo viên gặp phải cũng như các giải pháp thiết thực nhằm tạo nên một giờ học online hấp dẫn và hiệu quả.
Lớp học thụ động
Có con gái đang học lớp 4 của một trường tiểu học ở Hà Nội, chị H.L thở dài: "Dù đã học trực tuyến được một thời gian nhưng thấy con vẫn rất khổ sở với cách thức học này vì nhiều bài Tiếng Việt, Khoa học… cô giáo đọc em không chép kịp. Tối nào bố mẹ cũng phải gọi điện xin bài giảng cho con chép lại để học theo kịp với các bạn. Mà không chỉ là con mình, trong lớp nhiều bạn khác cũng rơi vào tình trạng như vậy. Thêm nữa là chương trình học của con vẫn khá nặng nên rất vất vả để theo kịp".
Cùng chung nỗi lòng, chị M.H (Hà Nội) lo lắng: "Theo dõi con học online mà tôi thấy nản, có những khi, tôi thấy gần như cả lớp cùng tắt camera, chỉ còn tiếng giảng đều đều của giáo viên. Cô giáo không yêu cầu bật camera để theo dõi vì sợ ảnh hưởng đường truyền nên các con ở phía sau máy tính làm gì thì giáo viên cũng khó mà kiểm soát. Lớp con tôi có đến hơn 60 em học sinh nhưng phương pháp giảng dạy của cô không khác mấy với dạy trực tiếp, cô nói nhiều nhất, thao thao, lớp học đông, không thể nào gọi hết từng bạn phát biểu, có khi con giơ tay cả giờ mà không được phát biểu một lần".
Có thể thấy, thời gian học trực tuyến của học sinh kéo dài gần như học trực tiếp. Thêm vào đó, chương trình học online thiếu tương tác, học theo cách thụ động, dẫn đến cảm giác buồn chán, học chống đối, tắt camera để chơi game, chat với bạn bè, tự động "rời khỏi lớp". Sự kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc, điều mà cả thầy và trò đã cố công xây dựng ở môi trường học đường, nay bị thách thức dữ dội ở lớp học online.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với thiết bị điện tử và điện thoại thông minh trong thời gian dài cũng dễ khiến các em học sinh sa đà vào con đường nghiện game, hoặc các chương trình giải trí trên internet. Vậy thì kiến thức mà giáo viên truyền đạt, liệu học sinh tiếp thu được bao nhiêu phần?
Nguyên do từ đâu?
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng học sinh chán học, không tập trung, buồn ngủ khi học online, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta chỉ bàn đến khía cạnh về cách triển khai dạy học trực tuyến ảnh hưởng như thế nào đối với việc tạo động lực học tập cho học sinh.
Theo nhà nhân chủng học người Mỹ Edward T. Hall, nếu như dạy học trực tiếp, ngoài các giao tiếp bằng lời, thì các giáo viên và học sinh có cơ hội thể hiện những giao tiếp thông qua ngôn ngữ cơ thể như giọng điệu, nụ cười, âm lượng, vẻ mặt, tư thế…. Tuy nhiên, với học tập trực tuyến, "ngôn ngữ im lặng" đó bị triệt tiêu đi khá nhiều bởi mỗi người chỉ "gói gọn" trong một ô vuông nhỏ, bị hạn chế cử động cũng như biểu cảm qua ánh mắt. Đó cũng là lý do kết quả học tập online không được như ý.
Một giáo viên ở Hà Nội cũng cho hay, việc dạy học trực tuyến không phải là công việc được thực hiện thường xuyên, nên trong quá trình dạy nhiều khi rất lúng túng. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên hạn chế, nhất là giáo viên lớn tuổi, cách thức triển khai bài giảng như thế nào để hiệu quả, thu hút sự tập trung, lắng nghe của học sinh cũng là vấn đề khó khăn. Công việc này đòi hỏi cần phải có thời gian. Trong khi đó, giáo viên chỉ có hơn 1 tuần để đưa mọi thứ lên Zoom mà thôi.
Làm cách nào để có một lớp học trực tuyến sôi động và chất lượng?
Dạy học online còn đòi hỏi sự đầu tư và công phu hơn rất nhiều so với dạy học trực tiếp. Một bài giảng ra đời được ví như một bộ phim, mà ở đó, giáo viên vừa là đạo diễn, biên kịch, diễn viên. "Tập phim" đặc biệt ấy không chỉ cần chính xác về nội dung chuyên môn mà còn cần có sự hấp dẫn, cuốn hút học sinh tham gia vào lớp học.
Chia sẻ về điều này, TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục cho biết: "Để biến một giờ học online hay và hấp dẫn giống như khi đứa trẻ xem một bộ phim, giáo viên có thể áp dụng quy tắc 3-5-7-10 và đầu - cuối. Tức là cứ 3 phút, giáo viên cần có một điểm hút nhỏ, 7 phút tạo một điểm hút học sinh lớn, 10 phút có một cao trào và giải quyết cao trào, 15 phút dứt khoát phải thay đổi 1 hoạt động. Quan trọng nhất là điểm đầu và điểm cuối phải tạo được sức hút với học sinh thông qua các hoạt động vui".
Một điểm nữa mà các giáo viên cần chú ý trong quá trình giảng dạy trực tuyến đó là không dạy quá ngưỡng chú ý của học sinh. Lý giải cho điều này, TS. Hoàng Trung Học cho hay: "Đối với trẻ trong độ tuổi tiểu học, mức độ tập trung chú ý không quá 35 phút, đối với học sinh THCS không quá 45 phút. Tuy nhiên, với dạy học online thì khả năng tập trung chú ý của trẻ sẽ kém hơn so với học tập trực tiếp. Do vậy, với học sinh lớp 1, 2 thì 30 phút là thầy cô có thể dừng được rồi. Thầy cô có thể nhồi ép cho học sinh vài phút nhưng sẽ khiến đứa trẻ mất đi toàn bộ hứng thú học tập và ngày hôm sau sẽ học không hiệu quả nữa. Phụ huynh nghĩ rằng thầy dạy như vậy là thiếu trách nhiệm nhưng không phải. Người thầy không chỉ dạy học mà còn đang quan sát các biểu hiện, cảm xúc của các con trong lớp học. Thầy cho các con nghỉ sớm 5 phút và tham gia vào các trò chơi học tập vui bởi vì thầy cảm thấy các con đang mất hết đi sự hứng thú học tập".
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần phải ứng phó nhanh với sự thay đổi. Là một trong những trường học ứng phó linh hoạt trong dạy học trực tuyến, nhà giáo Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng trường Liên cấp THCS - TH Vietschool (tham khảo tại: https://www.facebook.com/vietschool.info ) Pandora chia sẻ: "Ngay từ khi bắt đầu học online, trường Vietschool đã lường trước những vấn đề có thể xảy ra và chuẩn bị rất nhiều giải pháp nhằm tạo ra một giờ học sôi động và chất lượng cho học sinh. Ngoài việc sử dụng và khai thác các phần mềm hỗ trợ giảng dạy, nâng cao chuyên môn, thầy cô còn thiết kế và sắp xếp khoa học các hoạt động trong tiết dạy, kết hợp hài hòa các hình thức học tập (kênh hình, kênh chữ, kênh tiếng, các trò chơi, thử thách, dự án nhỏ…), các nhiệm vụ học tập (thảo luận, tự nghiên cứu, làm việc nhóm…) để tăng tính tương tác và hiệu quả trong việc tiếp thu kiến thức. Đối với chương trình học, nhà trường tập trung truyền tải cho học sinh những kiến thức trọng tâm, giá trị cốt lõi. Sau mỗi giờ học, các em sẽ xây dựng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức. Đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm luôn có sự kết nối vô cùng chặt chẽ với phụ huynh để đồng hành cùng con".
Góp mặt trong hội thảo, chị Khánh Linh, phụ huynh học sinh Vietschool tâm sự: "Thời gian đầu, phụ huynh rất lo lắng về việc học online của con nhưng cho đến bây giờ thì hoàn toàn yên tâm bởi các thầy cô ở trường rất sát sao với các con, không chỉ là cô giáo chủ nhiệm mà còn cả các giáo viên bộ môn cũng vậy. Ngày nào thầy cô cũng trao đổi với phụ huynh những ưu điểm cũng như nhược điểm của con để bố mẹ động viên, khen thưởng cho con phát huy điểm mạnh và cùng con khắc phục những điểm còn yếu. Đến thời điểm hiện tại thì hai bạn nhà mình đều có kết quả học tập tương đối tốt, không khác gì so với đi học trực tiếp".
Về phía phụ huynh, TS. Hoàng Trung Học chia sẻ: "Chưa bao giờ giáo viên bị áp lực và căng thẳng lớn như hiện nay. Có những lớp học mà một thầy cô lên lớp không chỉ dạy cho học sinh mà bên cạnh còn có 40 phụ huynh và gia đình phụ huynh dự giờ, soi xét. Cô dạy tiếng Anh cũng có thể phụ huynh là giáo viên tiếng Anh, cô dạy Toán có thể bố học sinh là giáo sư Toán học. Mà giáo viên càng căng thẳng thì liệu giờ học có còn hiệu quả? Thầy cô nào chẳng muốn giáo dục các con giỏi, chăm ngoan, học tốt nhưng đôi khi nếu chúng ta tạo một áp lực không cần thiết cho các thầy cô, vô hình sẽ không tốt cho quá trình giảng dạy của họ. Bởi vậy, phụ huynh cần giảm sức ép tâm lý cho các thầy cô, tạo cho giáo viên một trạng thái tâm lý tốt nhất để ứng phó với sự thay đổi chưa từng có trong tiền lệ này".