Tại sao con không hòa đồng?

6h20 sáng, chị Quân gọi con : "Bé Na ơi! Dậy đi học nào!". Con bé cựa mình, mếu máo: "Con không đi học đâu, không đi học đâu. Bữa nay con ở nhà với nội cơ...". Kịch bản buổi sáng được lặp lại y như những ngày trước đó.

Hai vợ chồng chị Quân lẫn bà nội bé Na phải xúm lại dỗ dành: người bế bé ra khỏi giường, người pha nước tắm, người soạn quần áo... kèm theo đó là tiếng khóc, tiếng la inh ỏi của Na. Gần một tiếng đồng hồ sau vợ chồng chị Quân mới đưa được con gái cưng ra khỏi nhà...

 

Một ngày đến trường đón con, chị H.H. nghe cô giáo than phiền: "Bé ít hòa đồng với các bạn. Bữa nay còn trốn vào một góc phía sau tủ và ngồi thu lu trong đó...". Chị H. lo lắng: "Ở nhà con bé nghịch ngợm và hiếu động ghê lắm, chẳng lẽ đi học hơn bốn tháng rồi mà vẫn chưa quen?".

 

Trao đổi về vấn đề trên, bà Quách Thị Thúy Quỳnh - hiệu trưởng Trường Mầm non bán công TPHCM - cho rằng: "Thường trước khi quyết định cho bé đi học, phụ huynh phải đi tìm hiểu về cách sinh hoạt, thời gian biểu... trong trường mầm non (giờ ăn, ngủ, đi bô...) và áp dụng ở gia đình cho bé làm quen từ từ. Như vậy, lúc ở trường trẻ sẽ dễ hòa nhập hơn”.

 

Ngoài ra, đối với những bé có tính nhút nhát, những bé có thần kinh thiên về kiểu ức chế rất khó thích ứng với môi trường mới, phụ huynh nên cho đi chơi, sinh hoạt ở những nơi đông người; tránh những hình thức chê bai, trách phạt mà nên khuyến khích để bé tự tin hơn; vào buổi sáng cũng không nên làm việc gì vội vàng dễ gây cho bé cảm giác bị thúc ép và bất an.

 

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng nên tạo cho trẻ thói quen ngủ sớm để buổi sáng bé có thể dậy sớm đi học mà không nhõng nhẽo vì ngủ chưa đủ giấc.

 

Theo H.HG.

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm