Sức nóng ngành Khoa học cơ bản bắt đầu lan tỏa
(Dân trí) -“Việc nhân lực ngành Kinh tế đang dư thừa quá nhiều kết hợp với việc nhà nước đẩy mạnh đầu tư cho các ngành khoa học cơ bản thì chắc chắn năm nay sẽ có sự thay đổi đột biến trong khâu tuyển sinh” -GS.TS Nguyễn Hữu Dư -phó hiệu trưởng ĐH KHTN -ĐHQGHN nhận định.
Lãnh đạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết thêm, mùa tuyển sinh 2012, khi ĐHQGHN đưa ra chính sách ưu tiên cho các ngành khoa học cơ bản (KHCB) thì số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đã tăng lên 20% so với mọi năm. Qua thống kê đơn giản này cho thấy, với việc thí sinh sẽ “đắn đo” với khối ngành kinh tế khi cơ hội đầu ra ngày càng khó khăn thì chắc chắn KHCB sẽ là lựa chọn của nhiều học sinh có học lực Khá, Giỏi năm nay.
GS.TS Nguyễn Hữu Dư phân tích: “Số lượng hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐHKHTN tăng lên phản ánh rằng xã hội đã và đang nhận thức vai trò quan trọng của KHCB đối với sự phát triển của đất nước. Qua đó cho thấy, thí sinh đã nắm bắt được chủ trương của nhà nước là sẽ rất chú trọng đến đào tạo KHCB vì đó là nhu cầu thực sự cho sự phát triển bền vững của một quốc gia”.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư, việc đưa nội dung ưu tiên phát triển khoa học cơ bản vào Nghị quyết Trung ương 6 cùng với cơ chế những ngành nghề được Nhà nước cần (trong đó có tất cả các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực KHCB) sẽ được quan tâm đầu kinh phí đào tạo và có nhiều chính sách, kinh phí hỗ trợ học tập cho sinh viên sẽ tạo nên một sự đột biến lớn ở kì thi tuyển sinh năm nay đối với các trường có truyền thống đào tạo các ngành KHCB.
“Với chính sách đầu tư này, tôi tin rằng các ngành thuộc lĩnh vực KHCB sẽ phát triển để phục vụ đắc lực cho phát triển bền vững của đất nước và có cơ hội vượt trội trong khu vực. Học KHCB đúng là đòi hỏi cần cố gắng lớn trong quá trình học tập nhưng đổi lại, nhu cầu xã hội và nhà nước đối với tuyển dụng nhân lực từ đào tạo KHCB lại rất lớn. Vấn đề là sinh viên ra trường có đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cơ sở tuyển dụng hay không” - GS.TS Nguyễn Hữu Dư chia sẻ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ thêm: Vài năm trở lại đây trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu các ngành KHCB. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi có xu hướng tăng nhẹ. Một trong những giải pháp của nhà trường để hút thí sinh trong thời gian tới đó là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong khi các trường thuộc ĐH Quốc gia có tín hiệu khá lạc quan và dự báo sẽ có một mùa “bội thu” thí sinh ngành KHCB thì các trường ĐH vùng cũng đào tạo KHCB lại không tự tin lắm.
Thầy Nguyễn Văn Tận - hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế phân tích: “Mặc dù Bộ GD-ĐT đã cảnh báo có sự dư thừa nhân lực đối với khối các ngành Kinh tế, tuy nhiên khi đi làm công tác tuyển sinh các trường có đào tạo ngành này vẫn tư vấn cho thí sinh với xu hướng lạc quan. Chính vì thế để thay đổi nhận thức của thí sinh là rất khó”.
Nhiều chính sách để hút thí sinh giỏi
Được mệnh danh là “cái nôi” đào tạo KHCB cả nước với đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao với trên 90% có học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; trên 60% có học hàm Phó Giáo sư và Giáo sư, năm nay Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN đang hướng tới việc đưa ra nhiều chính sách thu hút các thí sinh xuất sắc vào trường để học tập.
Cụ thể, sinh viên chương trình đào tạo tài năng được hỗ trợ học bổng khuyến khích tài năng 1,2 triệu đồng/1 tháng; chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo tiên tiến 570.000 đ/1 tháng. Ngoài học bổng khuyến khích học tập theo quy định, SV có thành tích học tập tốt còn được nhận học bổng tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Hàng năm, có nhiều SV được nhận học bổng đi du học tại các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Nhật... Lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định, các chương trình đào tạo của trường đều thu học phí với cùng một mức theo quy định của nhà nước.
Đặc biệt, năm 2013 ĐHQGHN cấp kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho SV theo học các ngành khoa học cơ bản của trường ĐHKHTN bao gồm: Máy tính và khoa học thông tin, Khoa học vật liệu, Địa lý tự nhiên, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Thủy văn, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học đất. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng mức học phí SV phải đóng theo chương trình đào tạo.
Liên quan đến 8 ngành học được hỗ trợ tối thiểu bằng mức học phí, GS.TS Nguyễn Hữu Dư giải thích: “Học kỳ I của năm thứ nhất, SV sẽ được nhận hỗ trợ chi phí học tập bằng mức học phí của trường. Kể từ học kỳ II trở đi, mức hỗ trợ có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào kết quả học tập của SV”.
Cũng chung tư tưởng hướng đến thí sinh giỏi và cải thiện tình hình tuyển sinh vào các ngành KHCB, ĐH Khoa học - ĐH Huế cũng tính đến phương án hỗ trợ học phí cho SV hoặc cấp ngân sách hỗ trợ đào tạo cho các ngành KHCB.
Còn trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM cũng hướng chính sách hỗ trợ chi phí có những thí sinh có kết quả thi ĐH xuất sắc trúng tuyển vào trường…
Tuyển thằng không hạn chế Lãnh đạo trường ĐHKHTN cho biết, năm 2013, nhà trường tuyển thẳng không hạn chế số lượng đối với những thí sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực, quốc tế, những thí sinh là thành viên chính thức đội tuyển dự thi Olympic khu vực, quốc tế và những thí sinh đạt giải Ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia vào các ngành theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ưu tiên xét tuyển không hạn chế đối với những thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đạt giải nếu dự thi đại học đủ số môn theo quy định, kết quả thi đại học đạt điểm sàn của Bộ GD-ĐT trở lên, không có môn nào bị điểm 0. Thông tin chi tiết về tuyển sinh năm 2013 của trường có thể xem tại website: http://www.hus.vnu.edu.vn/ |
S.H