Sức ép lớn “đè” lên vai hàng trăm ngàn cán bộ coi thi THPT quốc gia
(Dân trí) - Nghiêm túc và đảm bảo sự khách quan, công bằng của 925.792 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia đều nằm ở phòng thi, ở sự nghiêm minh của các cán bộ coi thi.
Hôm nay 23/6, hơn 45.000 cán bộ, giảng viên ở các trường ĐH, CĐ trên cả nước bắt đầu đến các địa phương để tham gia phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia theo điều động của Bộ GD&ĐT. Mỗi phòng thi sẽ có 1 cán bộ coi thi thuộc trường đại học và 1 cán bộ coi thi thuộc trường THPT của địa phương.
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 925.792.
Tổng số thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là 879.705.
Tổng số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là: 688.466 chiếm 74,3%.
Cả nước có 2.144 Điểm thi với 39.689 Phòng thi.
Đối với bài thi tổ hợp, có 341.576 thí sinh đă ký bài thi KHTN, chiếm 37%; 444.538 thí sinh đăng ký bài thi KHXH, chiếm 48%; 36.016 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4%. Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Đây là sức ép lớn "đè" lên vai hàng trăm ngàn cán bộ coi thi THPT quốc gia 2018 đòi hỏi sự làm việc nghiêm túc công bằng, khách quan.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, cán bộ coi thi đòi hỏi phải có sức khỏe, phương pháp làm việc, cao hơn cả là trách nhiệm và đặc biệt phải nắm chắc Quy chế thi để biết rõ mình làm cái gì, không được làm cái gì trong phòng thi. Bên cạnh đó, cán bộ coi thi đòi hỏi phải có kỹ năng quan sát, nếu có hiện tượng bất thường của thí sinh trong phòng thi là phải phát hiện ra ngay.
Theo ông Bằng, mấy năm trở lại đây, việc ra đề thi trắc nghiệm đã khắc phục được nhiều tiêu cực, khắc phục được tình trạng mang tài liệu, phao thi vào phòng thi. Tuy nhiên, theo thời cuộc, xuất hiện hiện tượng gian lận công nghệ cao. Do đó, cán bộ coi thi sẽ cố gắng tối đa loại bỏ tiêu cực trong phòng thi chứ không thể tuyệt đối bỏ tiêu cực được nhưng cố gắng phòng và chống là chính và duy trì phòng thi nghiêm túc, không căng thẳng.
Mặc dù có sự phối hợp giữa cán bộ giảng viên đại học về địa phương coi thi nhưng vẫn xảy ra hiện tượng coi lỏng ở nhiều phòng thi, ở nhiều địa phương vì thế nên cho thêm cán bộ công an giám sát phòng thi? trước ý kiến này, ông Bằng cho rằng, mỗi đơn vị đều có chức năng và nhiệm vụ riêng của mình. Thi cử là việc diễn ra bình thường và ngành giáo dục đủ sức làm việc này, công an là lực lượng phối hợp.
“Tôi không ủng hộ ý kiến đưa công an vào phòng thi. Tôi tin tuyệt đại đa số các thầy cô giáo trong ngành giáo dục làm việc nghiêm túc nếu có trường hợp gian lận công nghệ cao xảy ra thì nhờ đến công an can thiệp. Chúng ta không nên quá nặng nề làm ảnh hưởng tới tâm lý thí sinh” – ông Bằng nhấn mạnh.
Kỷ luật tới từng động tác đi đứng trong phòng thi
Bộ GD&ĐT đã có quy định rõ ràng đối với cán bộ coi thi, nếu thực hiện sai sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể: trong thời gian làm nhiệm vụ, không được mang các thiết bị thu phát thông tin; không được làm việc riêng, không được hút thuốc, không được sử dụng các loại đồ uống có cồn.
Phải đối chiếu ảnh trong Thẻ dự thi và Danh sách ảnh của thí sinh với thí sinh để nhận diện thí sinh, ghi rõ họ tên và ký vào các tờ giấy thi, giấy nháp của thí sinh; phải luôn tập trung bao quát phòng thi.
Trong giờ làm bài, một cán bộ coi thi (CBCT) bao quát từ đầu phòng đến cuối phòng, CBCT còn lại bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng cho đến hết giờ thi.
CBCT không được đứng gần thí sinh, giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào; chỉ được trả lời công khai các câu hỏi của thí sinh trong phạm vi quy định.
CBCT phải bảo vệ đề thi trong giờ thi, không để lọt đề thi ra ngoài phòng thi.
Sẽ bị hạ bậc lương, đuổi việc nếu để xảy ra sai phạm
Bộ GD&ĐT quy định, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.
Cụ thể, sẽ cảnh cáo đối với những người có hành vi vi phạm để cho thí sinh quay cóp; mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi; chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; Ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ GDĐT.
Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người: Ra đề thi sai; Trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; Lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; Gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.
Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; Làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.
Người làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài thi, vận chuyển và bảo quản bài thi, chấm thi hoặc có những sai phạm khác trong công tác tổ chức thi.
Công chức, viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành động như: thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị buộc thôi việc.
Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.
Hồng Hạnh