Bạo lực học đường:
Sự vô cảm ngày càng lớn trong học sinh thuộc về nhà trường
(Dân trí) - Một trong những giải pháp quan trọng nhất để giải quyết tình trạng bạo lực học đường, ngăn ngừa vô cảm trong học sinh, Ths Hoàng Việt Hùng, trường ĐH Cảnh sát nhân dân cho rằng, thuộc về nhà trường, đây được xem là yếu tố có vai trò quan trọng trực tiếp tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
68,25% học sinh thích thể hiện mình
Ths Hoàng Việt Hùng, Cử nhân Trần Vĩnh Thịnh, giảng viên Bộ môn Tâm lý - trường Đại học Cảnh sát nhân dân vừa có cuộc khảo sát 400 học sinh tại 3 trường phổ thông trung học trên địa bàn quận 4 và quận 7 thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 261/400 em, chiếm tỷ lệ 65,25% cho biết đã từng chứng kiến bạo lực học đường; 108/400 em, chiếm tỷ lệ 27% thừa nhận đã từng chửi mắng, sử dụng bạo lực đối với bạn khác; 74/400 em, chiếm tỷ lệ 18,5% đã từng bị bạn khác hoặc nhóm bạn sử dụng bạo lực, trấn lột hoặc “xin đểu”…
Cũng qua khảo sát, có 91/400 em, chiếm tỷ lệ 22,75% coi bạo lực học đường là điều bình thường; 15/400 em, chiếm tỷ lệ 3,75% cho đó là điều chấp nhận được. Ngoài đa số bộ phận học sinh đều lên án đối với tình trạng bạo lực học đường thì vẫn có một số lượng không nhỏ các em chấp nhận và im lặng trước vấn nạn này.
Đề cập đến mối quan hệ giữa bạo lực học đường với một trạng thái tâm lý thờ ơ, bàng quang, “không cảm xúc” trước những nỗi đau của người khác đó là trạng thái vô cảm, Ths Hoàng Việt Hùng cho biết, số liệu khảo sát cho thấy khi chứng kiến bạo lực học đường, số em có thái độ mặc kệ là 91/400, chiếm tỷ lệ 22,75%, thậm chí có em còn lựa chọn quay video, con số này là 14/400, chiếm tỷ lệ 3,5%.
Bên cạnh đó, số liệu khảo sát cho thấy có 108/400 em, chiếm tỷ lệ 27% thừa nhận đã từng có hành vi bạo lực học đường.
Việc rung động trước đau thương, mất mát, bất hạnh của đồng loại của chủ thể ngày càng trở nên “chai sạn” hơn. Đây chính là sự tác động của tình trạng bạo lực học đường đến trạng thái vô cảm của chủ thể thực hiện hành vi và những người chứng kiến.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, theo khảo sát của Ths Hoàng Việt Hùng, do mâu thuẫn giữa các bạn, chiếm 308/400 em (77%); do quan hệ yêu đương nam nữ, chiếm 212/400 em (53%); do thích thể hiện mình, chiếm 273/400 em (68,25%); do giao du với những phần tử xấu trong và ngoài trường, chiếm 231/400 (57,75%); do nạn nhân mách thầy cô những sai phạm của bạn khác, chiếm 189/400 (47,25%)…
Im lặng để được “yên thân”
Ths Hoàng Việt Hùng cho rằng, trước những hành vi bạo lực, thậm chí là manh động, nguy hiểm của bạo lực học đường, nhiều học sinh lựa chọn cho mình cách giải quyết là im lặng để được “yên thân”. Sự phản kháng trở nên yếu ớt, thậm chí là bị triệt tiêu trước tình trạng bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, khi sự im lặng chấp nhận bị dồn nén đến giới hạn có thể sẽ dẫn đến những trường hợp “bùng nổ” từ phía nạn nhân, các em có thể có những hành vi phản ứng quyết liệt, thậm chí là nguy hiểm, phạm tội.
Khi đặt câu hỏi “Nếu em là nạn nhân của một vụ bạo lực học đường (bị đánh, bị kỳ thị, bị chửi mắng, bị trấn lột, đe dọa…), em sẽ phản ứng như thế nào?”, kết quả khảo sát cho thấy: im lặng chấp nhận là 47/400 em, chiếm tỷ lệ 11,75%; báo với thầy cô, cha mẹ là 191/400 em, chiếm 47,75%; phản ứng ngay lập tức (đánh lại, chửi lại…) là 110/400 em, chiếm 27,5%; tự mình “trả thù” khi có dịp thích hợp là 49/400 em, chiếm 12,25% và nhờ người khác trả thù là 26/400 em, chiếm 6,5%.
Về nguyên nhân dẫn đến sự im lặng khi bị bạo lực qua khảo sát cho thấy: sợ bị đánh nhiều hơn (133/400, chiếm tỷ lệ 33,25%); sợ thầy cô, cha mẹ biết (58/400, chiếm tỷ lệ 14,5%), bất lực (171/400, chiếm tỷ lệ 42,75%); sợ phiền phức (23/400, chiếm tỷ lệ 5,75%).
“Việc im lặng trước hành vi bạo lực học đường dần dần tạo nên ở các em sự thờ ơ, lãnh đạm, hờ hững trước nỗi đau của người khác. Và đây cũng chính là biểu hiện rõ ràng nhất của sự vô cảm trước nạn bạo lực học đường. Nó cũng là một trong những lí do “dung túng”, tạo điều kiện để nạn bạo lực học đường gia tăng” - Ths Hoàng Việt Hùng nhấn mạnh.
Giải pháp thuộc về nhà trường
Một trong những giải pháp quan trọng nhất để giải quyết tình trạng bạo lực học đường, ngăn ngừa vô cảm trong học sinh, Ths Hoàng Việt Hùng cho rằng, thuộc về nhà trường, đây được xem là yếu tố có vai trò quan trọng trực tiếp tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
Theo Ths Hoàng Việt Hùng, nhà trường cần phát huy vai trò của thầy cô giáo trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh. Bất kỳ môn học nào cũng đều ẩn chứa trong nó những bài học, những giá trị của đạo làm người. Điều quan trọng nhất là thầy cô giáo chuyển tải được những bài học đó cho các em. Luôn dạy cho các em bằng cái tâm của người thầy, dạy cho các em những bài học theo kim chỉ nam “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Đồng thời, dạy cho học sinh biết cách xin lỗi và cám ơn. Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có các kỹ năng như giao tiếp, đối phó trước vụ việc bạo lực xảy ra nơi trường học với vai trò là nạn nhân, là người chứng kiến…
Các trường cần thành lập tổ hoặc bộ phận tư vấn tâm lý cho học sinh để có biện pháp tác động tâm lý kịp thời đối với những em có hành vi bạo lực cũng như các em là nạn nhân của bạo lực học đường nhằm hạn chế tối đa các di chứng về tâm lý cho các em.
Bên cạnh đó, tăng cường giám thị và nếu có thể tăng cường trang bị camera trong lớp học, sân trường, cổng trường để theo dõi, phát hiện kịp thời các trường hợp bạo lực học đường xảy ra nói riêng và diễn biến tình hình của học sinh nói chung.
Chủ động phối kết hợp với gia đình học sinh để nắm bắt kịp thời diễn biến, tâm tư của các em cũng như kiểm tra, giám sát thời gian sinh hoạt, mối quan hệ bạn bè…
Nhà trường có thể tạo điều kiện cho các em tham gia các buổi ngoại khóa đến các trung tâm bảo trợ xã hội cho người già, trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để khơi dậy ở các em lòng yêu thương con người, sự đồng cảm vốn dĩ đã bị mai một do sự lấn át của sự vô cảm…
Nhật Hồng