"Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác" vào đề thi môn Văn lớp 10 của Đà Nẵng
(Dân trí) - Năm nay, đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 THPT của Đà Nẵng yêu cầu các thí sinh viết một đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ, ý kiến của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.
Ngày 15/6, hơn 13 ngàn thí sinh ở Đà Nẵng vừa hoàn thành môn thi Ngữ Văn - môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022.
Từ sớm, rất đông phụ huynh đã có mặt trước cổng trường để chờ con em mình. Để đảm bảo an toàn, lực lượng công an cũng có mặt để giữ trật tự trước cổng trường và bảo đảm an toàn giao thông.
Là thí sinh đầu tiên hoàn thành môn Ngữ Văn tại điểm thi THPT Phan Châu Trinh, em Võ Trần Gia Bảo (học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh) đánh giá, đề thi năm nay "nhẹ". Vì vậy, Bảo tự tin sẽ có được 7-8 điểm.
"Câu 3 với 5 điểm cho thí sinh nhiều sự lựa chọn giữa 3 đoạn thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá, Bài thơ về Tiểu đội xe không kính và Nói với con, để viết về vẻ đẹp của con người Việt Nam.
Riêng câu 2 nghị luận rất thời sự khi nhắc đến sự tế nhị khi giúp đỡ người khác, em cũng nhắc đến những lùm xùm về nghệ sĩ từ thiện trong thời gian gần đây để lấy dẫn chứng, liên hệ", Bảo nói.
Theo em Lê Khánh Hoàn (học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Hồng Gấm), câu 5 điểm của đề thi Văn cho thí sinh nhiều sự lựa chọn, nếu chưa chắc bài này có thể làm bài kia.
"Câu 1 và câu 2 đều dễ, em cũng đã ôn chắc bài câu 3 nên làm bài khá tốt. Em đoán mình sẽ được trên 7 điểm", Hoàn nói.
Vì tình hình dịch bệnh nên trước kì thi, thí sinh Phạm Thị Hồng Đức cũng khá lo lắng, chủ yếu học ôn tập trực tuyến.
"Khi nhận được đề, em có thể bắt tay vào làm luôn mà không cần suy nghĩ. Đề thi năm nay tương đối dễ đối với em, cho thí sinh khá nhiều lựa chọn", Đức nói thêm.
Vì đề thi "nhẹ", nên nhiều thí sinh bày tỏ tâm trạng rất thỏa mái.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, môn thi Ngữ Văn sáng nay có 73 thí sinh vắng thi không có lí do, một thí sinh vi phạm quy chế thi và một thí sinh đến chậm quá thời điểm tính giờ làm bài.
Đề thi không đánh đố học sinh
Nhận định về đề thi môn Văn lớp 10 của Đà Nẵng, cô Hải Yến (giáo viên môn Ngữ văn) cho biết, đề thi vẫn đảm bảo cấu trúc đủ 3 phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Theo cô Yến, câu đọc hiểu có trích dẫn một câu chuyện khá hay, gợi cho thí sinh được nhiều suy nghĩ. Các câu hỏi ở phần đọc hiểu cũng khai thác được những kiến thức từ cơ bản như là hỏi về lời dẫn đó là trực tiếp hay gián tiếp, cùng với đó là kiến thức xác định thành phần của câu đâu là khởi ngữ.
2 câu còn lại của phần đọc hiểu ở mức độ cao hơn một chút, đòi hỏi các em cần có sự đầu tư cảm nhận sâu hơn, để từ câu chuyện để tự rút ra những suy nghĩ của mình.
"Câu nghị luận xã hội cũng không quá khó, chính là từ câu chuyện được trích dẫn ở trên các em trình bày về sự tế nhị khi giúp đỡ người khác. Với câu này để đạt điểm cao thì ngoài dẫn chứng từ câu chuyện, các em phải lồng thêm những dẫn chứng ở ngoài thực tế cuộc sống hoặc có thể là câu chuyện của chính bản thân khi giúp đỡ người khác. Như vậy, mới có sự thuyết phục. Chúng tôi khi chấm điểm thường đánh giá cao những liên hệ của bản thân các em.
Với phần nghị luận văn học, đề thi này có phần khác so với các đề thi vào lớp 10 của các tỉnh đã thi vừa qua. Ở đây, đề cho tới 3 đoạn thơ và thí sinh có thể chọn một trong 3 đoạn thơ ấy để phân tích và cảm nhận. Điều này cũng giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn, giảm nguy cơ bị "học lệch".
Tuy nhiên, đây cũng có thể là một thử thách nhỏ xem các thí sinh lựa chọn chiến thuật thế nào, nếu khôn ngoan chọn và cảm nhận được sâu thì sẽ rất tốt, còn ngược lại nếu chọn mà không động chạm và phân tích được nhiều thì cũng khó lòng được điểm cao".
Nói về đề thi này cô Ánh Tuyết (giáo viên môn Ngữ văn cấp 2) đánh giá: "Nhìn chung đề thi này không quá đánh đố học sinh. Các câu hỏi đều ở mức trung bình khá, không quá khó, đều là các kiến thức các em đã được học qua".
"Câu 2 nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về ý nghĩa về sự tử tế khi giúp đỡ người khác. Đây tuy không phải là một vấn đề mới song nó vẫn sẽ gợi được cho thí sinh nhiều góc nhìn, quan điểm, suy nghĩ về nó. Bởi với mỗi người, khi giúp đỡ người khác đều có những cái nhìn riêng, giúp người khác là tốt nhưng đôi khi nhiều trường hợp trông vậy mà lại không phải là vậy.
Giúp đỡ chỉ tốt khi đúng người, đúng thời điểm và đúng hoàn cảnh. Sự giúp đỡ là một hành động tốt nhưng nếu không tế nhị sẽ dễ dẫn đến sự phô trương hoặc khiến người được giúp đỡ như đang được thương hại…
Chính vì vậy, câu hỏi cũng gợi mở cho thí sinh những suy nghĩ khác nhau về sự tử tế khi giúp đỡ người khác", cô Ánh Tuyết cho hay.
Phương Thảo