"Sóng ngầm" trong nội bộ ĐH Luật TPHCM?

Trong thời gian gần đây, đơn thư nặc danh khiếu nại, tố cáo lãnh đạo Trường ĐH Luật TPHCM liên tục được gửi tới các cơ quan chức năng. Hàng loạt bài báo thông tin về vấn đề này đã khiến cho giáo viên, sinh viên hoang mang.

PGS-TS Nguyễn Văn Luyện, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi cùng phóng viên khá thẳng thắn về những chuyện dư luận đang quan tâm.

 

Với tư cách là hiệu trưởng, ông là người nắm rõ nhất những vấn đề mà dư luận tố cáo là có sai phạm.  Quan điểm của ông như thế nào ?

 

Thành quả tốt của nhà trường trong thời gian qua là nhiều và đáng ghi nhận, song chúng tôi cũng không tránh né với công luận những vấn đề chưa tốt của nhà trường mà nổi lên là việc một số cán bộ, giáo viên của trường vi phạm quy chế. Quan điểm của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường là không bao che và xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm. Thực tế là các trường hợp vi phạm mà báo chí nêu, hầu hết đều do chúng tôi phát hiện và đã xử lý từ lâu. Có thể khái quát lại các dư luận này như sau:

 

Thứ nhất, nhà trường đã phát hiện và chủ động xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm quy chế đào tạo như việc đánh dấu bài thi, nâng điểm vào năm 2000, 2001; đã có 1 trường hợp bị khiển trách, 4 trường hợp cảnh cáo. Hay như trường hợp biển thủ tiền học phí xảy ra ở phòng công tác chính trị sinh viên năm 2001, chúng tôi đã chủ động phát hiện và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền đưa ra tòa. Các bị cáo đã phải nhận bản án tù đồng thời những người có liên quan cũng bị xử lý trách nhiệm.

 

Gần đây, nhà trường cho thôi việc một giáo viên không đúng trình tự thủ tục, chúng tôi đã nhận khuyết điểm và sửa sai. Còn lý do vì sao cho thôi việc giáo viên này thì đơn thư tố cáo không đề cập đến việc cô đang là công chức của trường khác lại đồng thời làm việc, hưởng chế độ trong chỉ tiêu biên chế  của ĐH Luật. Cần nói thêm rằng, đây đơn giản chỉ là vấn đề tranh chấp trong việc áp dụng pháp luật giữa Luật Giáo dục, Pháp lệnh cán bộ, công chức với Luật Lao động.

 

Thứ hai, hàng loạt đơn thư nặc danh tố cáo thi hộ, móc nối đánh dấu bài thi, đúng là có và cũng do trường phát hiện và chúng tôi cũng xử lý thí sinh theo quy chế ngay lúc đó bằng cách hủy bỏ kết quả thi. Đơn thư nặc danh còn đề cập đến cán bộ của trường tham gia hoặc đứng đằng sau thì chúng tôi đã cùng cơ quan công an xác minh, nhưng đến nay vẫn không có chứng cứ gì.

 

Thứ ba, một số thông tin báo chí dựa theo đơn thư nặc danh nêu như việc nâng sửa điểm thi trong kỳ thi tuyển sinh tiến sĩ tháng 6/2005 liên quan đến con dâu của cô trưởng khoa và bạn thân của ông Nguyễn Thái Phúc (Bí thư Đảng ủy) là bịa đặt.

 

Điều hết sức vô lý là những người này không có tên trong danh sách thí sinh nộp hồ sơ dự thi thì lấy đâu mà nâng điểm! Hoặc vụ việc liên quan đến ông Phó trưởng phòng đào tạo sau đại học để nâng điểm cho một số thí sinh thi cao học, tôi sẵn sàng thành lập một hội đồng độc lập từ bên ngoài trường chấm lại toàn bộ bài thi thử xem có ai được nâng điểm không, nhưng nếu chấm xong lại không có chẳng lẽ nhà trường tự vỗ tay hoan hô nhau trong khi họ tiếp tục tố cáo một chuyện khác, rồi lại đi chấm lại, làm lại. Hay họ nói ông Luyện quyết định xây trường mà không bàn bạc với Đảng ủy, vậy nếu ai cần, tôi sẽ cung cấp cho nghị quyết của Đảng ủy về vấn đề này đã được thông qua ra sao!

 

Thưa ông, dù gì thì sinh viên cũng hết sức hoang mang về những dư luận trên ?

 

Việc báo chí liên tục quan tâm đến các vấn đề của nhà trường nhưng chỉ thông tin theo đơn thư khiếu tố hoặc xâu chuỗi các sự kiện nhiều năm về trước hoặc những sai sót thường gặp ở các đơn vị đào tạo mà nâng lên thành "vấn đề" không chỉ gây hoang mang trong giáo viên mà còn tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trong sinh viên. Chúng tôi muốn dư luận nhìn ra đúng bản chất của vấn đề, ai sai người đó phải chịu, nhưng đừng làm cho các thế hệ sinh viên của trường ĐH Luật TP.HCM và những sinh viên đang học có cái nhìn không đúng về hàng trăm thầy cô của họ đang giảng dạy, nghiên cứu tại trường.

 

Cách đây hai hôm, nhà trường đã tổ chức họp toàn thể cán bộ, giáo viên để thông báo chính thức tình hình của trường, qua đó tiếp thu ý kiến. Mặt khác, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên của trường phối hợp với Thành đoàn, Hội sinh viên TP ổn định tình hình tư tưởng trong đoàn viên, sinh viên.

 

Một câu không tế nhị... nhưng ngày 31/10, ông đã hết 2 nhiệm kỳ hiệu trưởng và chắc chắn theo quy định thì không được tái bổ nhiệm, vậy người ta tố cáo để làm gì?

 

Tôi không biết rõ động cơ của họ, nhưng thời điểm vừa qua rất nhạy cảm vì chuẩn bị đại hội Đảng bộ, lấy ý kiến bổ nhiệm hiệu trưởng mới nên đơn thư còn nhắm vào các hiệu phó và lãnh đạo khoa. Quan trọng hơn là tập trung vào những người mà họ thấy được Đảng ủy và tập thể nhà trường tín nhiệm cao (thông qua  việc bầu cử hoặc lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị nhân sự). Riêng tôi mong muốn nhà trường sớm ổn định để Bộ GD-ĐT bổ nhiệm hiệu trưởng mới còn tôi chỉ tập trung vào công tác khoa học.

 

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

 

Theo Nghĩa Bình

Thanh Niên