Solve for Tomorrow: Bệ phóng truyền cảm hứng sáng tạo công nghệ cho học sinh
(Dân trí) - Không dừng lại ở những giải thưởng lớn về vật chất, Solve for Tomorrow còn mang đến giá trị to lớn cho thí sinh tham gia cuộc thi này, đó là việc truyền cảm hứng cho các em thêm động lực học tập và niềm đam mê với sáng tạo công nghệ.
Ngày 24-25/2, trong chương trình "Giao lưu và kết nối cộng đồng Solve for Tomorrow (SFT)" do Samsung Việt Nam tổ chức, các thí sinh tham gia cuộc thi qua các mùa giải từ năm 2019 đến 2023 đã có những chia sẻ về sự thay đổi của bản thân sau khi tham gia cuộc thi này.
Solve for Tomorrow - "Người mở đường" cho đam mê sáng tạo công nghệ
Đối với các em học sinh thuộc đội C3T3, đạt giải Nhất SFT 2019, SFT giúp các em từ cô bé, cậu bé thụ động, nhút nhát, đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Các em không còn sợ nghiên cứu mà hào hứng với khoa học, sẵn sàng kết nối với các bạn cùng trang lứa để tạo dự án mới có ý nghĩa với cộng đồng.
Lê Nguyễn Yến Nhi - thành viên đội C3T3 trường TH-THCS Phước Hiệp, Bến Tre, hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Chê-Ghêvara, Bến Tre, chia sẻ: "Từ một người tự ti, ít nói, sau khi tham gia cuộc thi, em cảm thấy mình tự tin, cởi mở hơn. Em đã tham gia nhiều hoạt động, câu lạc bộ và các cuộc thi hơn".
Yến Nhi cũng cho biết nếu không tham gia cuộc thi này, em không nghĩ mình có thể góp phần làm ra được dự án công nghệ mang tính thực tiễn như vậy. "Cuộc thi Solve for Tomorrow của Samsung là người mở đường cho chúng em bước tới chân trời công nghệ", Yến Nhi nhấn mạnh.
Chia sẻ về thay đổi của học trò sau khi tham gia SFT, cô Ngô Song Đào (Giáo viên hướng dẫn của đội C3T3) cho biết, 6 em trong đội, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, các em được tiếp xúc với chuyên gia, ban giám khảo cuộc thi và có cái nhìn như mở ra một chân trời mới. Các em thay đổi rất nhiều, không còn tự ti mình là học sinh vùng quê nữa, tất cả đều cố gắng để học và thoát khỏi khó khăn của mình. Kết quả sau 5 năm, các em đã trưởng thành hơn rất nhiều về tri thức.
Cũng theo cô Song Đào, sau khi giành giải nhất cuộc thi SFT 2019, dự án "Ứng dụng kiến thức khoa học và các đặc điểm của thực vật trong việc tạo ra màu sắc, hương vị nước giải khát an toàn" đã được Sở giáo dục tỉnh Bến Tre lựa chọn đưa vào sách "Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bến Tre" ở chủ đề "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp" dành cho học sinh lớp 6, nhằm lan tỏa nội dung về sáng tạo, khởi nghiệp trong cuộc sống.
Cuộc thi đã truyền cảm hứng sáng tạo công nghệ không chỉ với các em học sinh tham gia SFT mà còn với cả những thế hệ học sinh khác của trường THCS Phước Hiệp.
Vỡ òa cảm xúc khi dự án dự thi được đưa vào ứng dụng thực tế
Thầy Nguyễn Khánh - giáo viên hướng dẫn đội thi Blue Dreams Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Đà Nẵng, đạt giải Nhất SFT 2022 với dự án "Hệ thống Quản lý Thư viện thông minh" - cho biết: "Nhóm đang hoàn thiện các tính năng dự án để đưa vào sử dụng ở thư viện Trường HOPE (Trường Hy vọng, Đà Nẵng) trong giai đoạn đầu. Phần giai đoạn 2 liên quan đến các thiết bị và hệ thống tự động, nhóm sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian hè".
Khi nhận tin dự án được chấp nhận đưa vào ứng dụng thực tế tại Trường HOPE, em Lê Tuấn Tú (thành viên của đội thi Blue Dreams) rất vui mừng.
Tuấn Tú cho biết: "Em vui khi dự án Hệ thống Quản lý Thư viện thông minh được áp dụng vào thực tế. Em là người đã chủ động giới thiệu dự án ở Trường HOPE và em vỡ òa cảm xúc khi họ đồng ý".
Chia sẻ về giá trị của cuộc thi, Tuấn Tú cho hay sau khi gặp các chuyên gia, em tiến bộ hơn về những kỹ năng sáng tạo công nghệ, đó là tư duy lập trình website, tư duy thiết kế, phần thuyết trình và kỹ năng đối thoại tranh luận phát triển hơn.
Ngoài ra, Tuấn Tú cho biết em còn có thêm tinh thần tiến lên phía trước với những dự án sáng tạo của mình. Tú hai lần tham dự cuộc thi SFT và năm nay em sẽ tiếp tục thi lần thứ ba, Tú cũng đã kết nối với các bạn trong trường tham dự nhiều cuộc thi công nghệ khác.
Nói về giá trị của SFT, thầy Nguyễn Khánh chia sẻ: "Cuộc thi của Samsung là sân chơi bổ ích để các em phát huy, tỏa sáng năng lực và có thể giao lưu học hỏi với các bạn trên cả nước. Đây là sân chơi rất giá trị cho các em tỏa sáng, từ đó lan tỏa tinh thần học hỏi cho các em".
Tăng khả năng nghiên cứu, phát triển nhiều kỹ năng mềm sau khi tham gia cuộc thi
Nguyễn Thị Yến Thư, thành viên đội thi Robo Kat, trường THPT Trường Xuân, Đồng Tháp, đạt giải Nhất SFT 2021, cho biết: "Sau khi tham gia cuộc thi, em trở nên tự tin hơn, cải thiện được nhiều kỹ năng mềm - nhất là kỹ năng giao tiếp. Em tìm ra cách để phát biểu ý kiến của bản thân giúp người khác hiểu và giúp em làm việc hiệu quả hơn. Đây là giá trị lớn nhất mà cuộc thi mang lại cho em".
Trong khi đó, em Dương Hoàng Khang, thành viên khác của đội thi Robo Kat, chia sẻ: "Sau khi tham gia cuộc thi, em có thêm sự thích thú với việc tìm tòi, phát triển khoa học. SFT là nguồn động lực để em học hỏi và tìm hiểu nhiều hơn về các sản phẩm công nghệ".
Khi được hỏi về mong muốn sau khi liên tiếp đưa các em học sinh tham gia cuộc thi SFT các năm, thầy Nguyễn Đức Vĩnh, giáo viên hướng dẫn đội RoboKat, chia sẻ: "Qua buổi Giao lưu Solve for Tomorrow Alumni, tôi kỳ vọng các bạn trẻ ở các đội thi có thể kết nối với nhau, cùng bắt tay làm nên dự án mới được ứng dụng trong cuộc sống".
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết: "Song song với đóng góp về kinh tế, Samsung luôn nỗ lực gia tăng sự đóng góp, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh nền tảng của Việt Nam, đặc biệt là việc bồi dưỡng nhân tài. Với tư cách là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, luôn chú trọng các hoạt động trách nhiệm xã hội, Samsung luôn kỳ vọng thế hệ thanh thiếu niên của Việt Nam sẽ trở thành nhân tài về công nghệ - những người dẫn dắt công cuộc phát triển của đất nước, xây dựng nên tương lai của Việt Nam".
Solve for Tomorrow là cuộc thi do Samsung toàn cầu khởi xướng từ năm 2010 nhằm tạo ra sân chơi sáng tạo thông qua chương trình giáo dục STEM, từ đó giúp các em học sinh chủ động tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề liên quan đến cộng đồng. Tính đến nay, chương trình triển khai ở 64 quốc gia.
Được triển khai tại Việt Nam từ 2019, sau 5 năm, chương trình thu hút sự tham gia của hơn 300.000 học sinh và giáo viên đăng ký, đồng thời nhận về gần 5.200 bài dự thi.