Sóc Trăng bàn giao nhà, đất để thành lập Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ
(Dân trí) - Sóc Trăng bàn giao cơ sở nhà, đất với tổng diện tích gần 20.000m2 để sử dụng cho việc thành lập Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh này.
Ngày 10/10, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ bàn giao cơ sở nhà, đất của trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng với tổng diện tích gần 20.000m2 cho trường Đại học Cần Thơ sử dụng để thành lập Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh này.
Trước đó ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định về việc phê duyệt chủ trương thành lập Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng.
Dự kiến phân hiệu có quy mô đào tạo 500-2.600 sinh viên tùy theo từng năm. Trong đó đào tạo chính quy trình độ đại học 18 ngành; đào tạo ngoài chính quy (vừa làm vừa học, từ xa, liên thông) và đào tạo ngắn hạn ở các lĩnh vực như: Ngoại ngữ, tin học, thủy sản, kỹ thuật công nghệ,…
Ngoài ra, phân hiệu cũng sẽ đào tạo ở bậc sau đại học, dự kiến 460-600 chỉ tiêu/năm, ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp - xây dựng, giáo dục,…
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh là địa phương duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa có trường đại học hoặc phân hiệu đại học. Do đó việc thành lập Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ sẽ giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và các địa phương lân cận.
"Việc thành lập phân hiệu còn giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số có thêm cơ hội học tập", Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng nói và cho biết người dân Sóc Trăng cũng rất vui mừng bởi việc có một phân hiệu trường đại học sẽ giúp ước mơ học đại học của học sinh Sóc Trăng trở nên gần hơn.
Ông Trần Trung Tính, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cam kết nhà trường sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đầu tư vào hạ tầng và trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và phát triển.
Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng khi hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu học tập tại chỗ, rút ngắn khoảng cách đi lại cho học viên, nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo đại học và sau đại học; số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều cơ hội học đại học hơn, góp phần nâng cao tỷ lệ nguồn lực có trình độ cao.