Số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp ngày càng tăng

Đó là do công tác dự báo phát triển nguồn nhân lực cũng như hệ thống thông tin về thị trường lao động, dự báo nhu cầu việc làm còn bất cập

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 với nội dung trọng tâm là nghe Chính phủ giải trình về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2014, số lao động trình độ đại học, cao đẳng có việc làm tăng lên qua các năm. Tuy nhiên, thời gian qua, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp tăng cao so với số tốt nghiệp và có việc làm. Năm 2014, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2010.

Trăn trở về tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm có xu hướng tăng cao, các đại biểu cho rằng, có một nguyên nhân rất lớn là do công tác dự báo phát triển nguồn nhân lực cũng như hệ thống thông tin về thị trường lao động, dự báo nhu cầu việc làm còn bất cập. Hay nói cách khác, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa dự báo nhu cầu và thực tế đào tạo.
Số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp ngày càng tăng
Thời gian qua, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp tăng cao so với số tốt nghiệp và có việc làm. (ảnh: KT)
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình làm rõ trách nhiệm và có giải pháp như thế nào trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa thẳng thắn nhận trách nhiệm trong vấn đề này và cho biết, Bộ mới chỉ làm được dự báo nhu cầu thị trường lao động việc làm trong ngắn hạn chứ chưa dự báo dài hạn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết thêm: Trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường cao đẳng, đại học từ năm 2014 đến 2015; dừng mở ngành đào tạo kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; mở thêm một số ngành mới như an ninh mạng, năng lượng nguyên tử, thương mại điện tử…

Đồng thời thành lập Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực.

Cũng tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy, đoàn Phú Thọ và Nguyễn Xuân Trường, đoàn Hải Phòng đề nghị làm rõ nguyên nhân của những chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và một số bất cập trong các văn bản đã ban hành.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Tới đây, Bộ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ soạn thảo để ban hành dứt điểm các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản có liên quan cho phù hợp với Luật giáo đục dại học.
Theo VOV.VN