Sở GD&ĐT Nghệ An: Phòng chống mua bán, sử dụng bóng cười
(Dân trí) - Khi người sử dụng bóng cười sẽ gây ra ảo giác, không kiểm soát được hành vi. Nếu sử dụng quá liều hay trong thời gian dài sẽ nguy hiểm về tính mạng… . Trước tình trạng này Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An vào cuộc phòng chống mua bán, sử dụng bóng cười đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Sáng 5/3, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 4/3, Sở ban hành Công văn số 277/SGD&ĐT về việc tuyên truyền về phòng, chống buôn bán, tàng trữ, sử dụng bóng cười.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, trong thời gian qua, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng sử dụng bóng cười, gây nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng và khả năng nhận thức, kiểm soát hành vi, đặc biệt là trong giới trẻ nói chung và trong học sinh, sinh viên nói riêng.
Khi người sử dụng bóng cười sẽ gây ra ảo giác, không kiểm soát được hành vi. Nếu sử dụng quá liều hay trong thời gian dài sẽ nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe cho người sử dụng như ngạt thở, thiếu máu, hoa mắt, chóng mắt, tê liệt các chi, ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh, dễ dẫn tới trầm cảm và có nguy cơ tử vong.
“Đối với học sinh, sinh viên, do nhận thức của các em chưa hiểu hết tác hại của loại bóng này. Sử dụng bóng cười sẽ gây cho các em ảo giác, sa sút trí lực và thể lực, ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt hàng ngày. Thần kinh của các em còn yếu nên những di chứng về sau sẽ càng nặng nề”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Hiện tại ngành Giáo dục Nghệ An chưa phát hiện, chưa được thông báo có học sinh vi phạm nhưng trước mối nguy hại của bóng cười, Sở yêu cầu khi nhận được công văn, lãnh đạo các phòng, nhà trường phải tổ chức tuyên truyền cho tất cả các giáo viên, học sinh với nhiều hình thức để tăng sức thuyết phục.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng yêu cầu các nhà trường tổ chức ký cam kết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không mua bán, tàng trữ, sử dụng bóng cười. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các phòng, đơn vị tăng cường công tác phối, kết hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng mua bán, sản xuất và sử dụng bóng cười.
Trước đó, đêm 30/1, Công an TP Vinh (Nghệ An) ập vào quán bar trên đường Lê Hồng Phong phát hiện hàng chục thanh niên hút bóng cười. Tại kho của quán bar, nhà chức trách phát hiện hàng trăm quả bóng cười đã qua sử dụng; hai bình N2O (dinitơ monoxit hay nitrous oxide) và 170 quả bóng cười chưa sử dụng.
Bóng cười là quả bóng bay được bơm khí gây cười, tên hóa học là Dinitơ monoxid hay nitrous oxide, hợp chất hóa học với công thức N2O. Bóng cười thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp và được chỉ định sử dụng trong một số lĩnh vực y tế.
Người chơi bóng cười nếu sử dụng thường xuyên có thể gây ra rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu chi, đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, trí nhớ, giấc ngủ, nhịp tim, hạ huyết áp, thiếu máu lên não.
Nguyễn Tú