Sinh viên Việt Nam tham gia cuộc thi thời trang Châu Á: Mê vẽ đến quên ăn
(Dân trí) - Với đồ án tốt nghiệp "Chúng đang quan sát bạn", Lỗ Thị Thanh Dung vinh dự trở thành người đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Thiết kế thời trang Châu Á Harper's Bazaar Asia.
Thức tỉnh qua "Chúng đang quan sát bạn"
Lỗ Thị Thanh Dung (thường gọi là Lỗ Dung, sinh năm 2002, Quảng Ninh) là sinh viên của Học viện thiết kế và thời trang London. Trải qua kỳ tốt nghiệp, Dung được chọn làm người đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Thiết kế thời trang Châu Á Harper's Bazaar Asia.
Qua bộ sưu tập "Chúng đang quan sát bạn", Dung muốn gửi gắm thông điệp về sự tỉnh thức đối với loài người dưới hệ quả của sự tàn phá. "Chúng" - hình tượng của mọi sự sống bất biến đang đứng trên ranh giới giữa tồn tại và tiêu vong.
Mỗi bộ trang phục trong "Chúng đang quan sát bạn" thể hiện một khía cạnh khác nhau của nỗi đau. Nhìn vào bộ sưu tập, người xem sẽ có cảm giác như đang bị "chúng" quan sát, nhắc nhở về hậu quả con người gây ra với thiên nhiên.
Để tạo ra bộ sưu tập mang thông điệp ý nghĩa, nhân văn, Lỗ Dung đã bỏ ra 100 triệu đồng và 6 tháng để lên ý tưởng và thiết kế. Với Dung, nửa năm làm và hoàn thành đồ án là quá trình gian nan, tốn kém về thời gian cũng như nguyên liệu.
Lỗ Dung cho biết, cảm hứng khởi đầu cho bộ sưu tập "Chúng đang quan sát bạn" bắt nguồn từ những nỗi sợ không thể lý giải.
"Ví dụ như Scopophobia (nỗi sợ bị nhìn), Megalophobia (sợ những thứ khổng lồ), Nyctophobia (sợ bóng tối), Automatonophobia (sợ những thứ có hình dạng giống con người nhưng không phải con người).
Mình tự hỏi rằng, tại sao mình lại sợ những thứ ấy, nỗi sợ này bắt nguồn từ đâu? Đôi khi đi trên đường, mình thường bắt gặp những cảnh vật có hình dạng của con người như con mắt, cái miệng, cái tay. Hoặc trong một khoảnh khắc, mình nhìn thấy những cảnh vật có hình dáng giống bóng người, dụi mắt nhìn lại thì đó chỉ là cái cây, cột đèn", Dung nói.
Lỗ Dung thường tự hỏi bản thân rằng "chúng" đang quan sát mình là gì. Sau khi suy luận, Dung nhận ra, không chỉ con người, xung quanh vẫn luôn tồn tại vô vàn sự sống khác đang bị lãng quên.
"Cái cây đang "thở", con sông vẫn chảy, đại dương vẫn đang vỗ sóng, phải chăng "chúng" vẫn luôn nhìn chúng ta. "Chúng" đã phải chịu đựng những gì mà loài người đã và đang gây ra?
Đại dịch Covid-19 qua đi, nhiều báo cáo giả định rằng, nguồn gốc của dịch bệnh xuất phát từ động vật và có thể chuyển từ động vật sang con người. Những ví dụ thực tế đó làm mình suy nghĩ sâu hơn rằng "chúng" đang quan sát chúng ta và sẽ trả lại đúng những gì ta gây ra với chúng", Lỗ Dung chia sẻ.
Dung đã sử dụng các màu đen, trắng, xanh đậm, đỏ đô làm màu sắc chủ đạo cho bộ sưu tập. Chất liệu vải thiên về thân thiện với môi trường, tái sử dụng từ sản phẩm cũ, vải vụn cùng các phương pháp thủ công đan móc len. Thiết kế cấu trúc linh hoạt và mặc theo nhiều cách khác nhau để khuyến khích người sử dụng mặc nhiều lần, góp phần xây dựng lối sống bền vững.
Quên ăn quên ngủ để vẽ
Lỗ Dung có sở thích vẽ từ bé. "Mình bắt đầu tập vẽ vào năm lớp 2. Lúc đó, mình rất thích đọc Doraemon và học vẽ theo truyện. Mình cũng thích đọc truyện bởi khi đọc, mình sẽ có cảm giác bản thân được trải nghiệm hành trình thú vị của nhân vật.
Bên cạnh đó, chị gái là người ảnh hưởng tới sở thích này của mình. Ngày bé thấy chị vẽ đẹp nên mình cũng học và trải nghiệm theo. Dần dần, vẽ tranh trở thành niềm đam mê của mình", Dung bộc bạch.
Dung cho biết, để thỏa mãn đam mê, cô thường dành hàng giờ quên ăn quên ngủ chỉ để vẽ.
"Vẽ tranh là tiền đề khiến mình mê mẩn cái đẹp. Vì nghệ thuật là không giới hạn, mình muốn thử nhiều thứ thú vị hơn nữa, nên mình đã chọn ngành thời trang.
Mình thích cách họa sĩ truyền đạt cảm xúc của họ thông qua bức tranh cũng như cách nhà thiết kế đưa vào trang phục để thể hiện cái tôi, tính cách của bản thân. Càng tìm hiểu, mình lại càng yêu thích về ngành thiết kế thời trang. Với sở trường vẽ, mình hay đưa những câu chuyện vào đồ áo để gửi gắm thông điệp", cô nói.
Dung cho biết, cô thích sự tinh tế, nội lực trong trang phục và văn hóa xứ Phù Tang nên phong cách thiết kế của cô thường có chút ảnh hưởng bởi Nhật Bản. Với Lỗ Dung, niềm đam mê với cái đẹp và mong muốn được sáng tạo là động lực lớn nhất khiến cô nhiệt huyết với nghệ thuật.
Thời trang chính là nơi Dung gửi gắm những cảm xúc, thông điệp mà nữ sinh muốn nói nhưng không biết cách mở lời. "Những thiết kế của mình đều mang thông điệp và cảm xúc riêng. Với bộ sưu tập Military (quân đội) ở học kỳ vừa qua, mình đã lấy cảm hứng từ vẻ đẹp và sự hy sinh của những người lính trong chiến tranh.
Bất kể họ là ai, thuộc phe phái nào, không phân biệt màu da, chủng tộc, chỉ cần họ là những người lính, họ buộc phải đấu tranh, đau khổ và hy sinh. Chiến tranh đã làm họ đổ mồ hôi, máu và nước mắt. Suy cho cùng, thứ còn lại sau chiến tranh chính là những điều chưa lành và những vết sẹo", Dung bộc bạch.
Thức xuyên 2-3 ngày vì đam mê
Dung bắt đầu theo đuổi ngành thiết kế thời trang từ con số 0. Năm 2021, việc nữ sinh lựa chọn vào học tại Học viện thiết kế và thời trang London đã khiến người thân, bạn bè thấy bất ngờ. Lỗ Dung bước vào trường với tâm thế muốn thử và học hỏi những điều mới. Khi mới trở thành tân sinh viên ngành thiết kế, Dung thấy bỡ ngỡ khi xung quanh có nhiều bạn giỏi và tài năng.
"Khi đó, mình đã tự dặn lòng phải nỗ lực gấp đôi gấp ba khả năng để có thể sánh vai với các bạn", Dung cho hay. Lỗ Dung cho biết, kiến thức và kỹ năng của ngành thời trang rất nhiều nên ngoài việc học ở trường, hầu hết những kinh nghiệm có được đều do cô tự mày mò nghiên cứu.
Để theo đuổi đam mê, Dung đã phải đánh đổi sức khỏe và thời gian. "Nhiều lần chạy đồ án mình đã quên ăn quên ngủ, thức xuyên 2-3 ngày để làm việc. Tuy mệt nhưng mình vẫn vui vì được thỏa mãn đam mê", Dung nói.
Theo Lỗ Dung, với những nhà thiết kế trẻ như cô, thời trang quả quá trình gian nan: "Chi phí để theo đuổi ngành thời trang rất cao và đắt đỏ, đặc biệt là thời trang trình diễn. Đó là vấn đề quan trọng và khó khăn với các bạn sinh viên như mình".
Trước những định kiến của xã hội về ngành thời trang, là bậc phụ huynh, mẹ Lỗ Dung tâm sự: "Trước đây, tôi khá lo lắng khi Dung quyết định theo ngành thiết kế thời trang. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi thấy rằng, xã hội ngày càng phát triển nên ngành thời trang đã trở thành xu hướng tất yếu. Đồng thời, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho người trẻ đam mê sáng tạo, khởi nghiệp.
Tuy vậy, nhà thiết kế luôn phải sáng tạo không ngừng nghỉ và là người cân bằng được nghệ thuật và thị hiếu công chúng. Thiết kế thời trang là công việc có nhiều áp lực, nhưng tôi tin rằng, với đam mê và tinh thần học hỏi, Dung cùng nhiều bạn trẻ khác có thể tạo được dấu ấn và thành công cho riêng mình. Gia đình sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc, ủng hộ và đồng hành cùng con".
Là nhà thiết kế sinh viên đầy triển vọng, Lỗ Dung nghĩ rằng hành trình theo đuổi đam mê lúc nào cũng khắc nghiệt, đòi hỏi nhiều sự cống hiến và kiên nhẫn. "Hành trình này đáng giá không chỉ bởi thành công cuối cùng mà còn là những kỷ niệm và bài học quý giá mà các bạn thu thập trên đường đi", Dung chia sẻ.