Sinh viên trường nghề khởi nghiệp với mô hình thể thao, đồng hồ khiếm thính
(Dân trí) - Tại vòng bán kết Startup Kite 2021, nhiều ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên trường nghề đã khiến Ban Giám khảo ấn tượng như: mô hình thể thao cho trẻ em, đồng hồ thông minh cho người khiếm thính…
205 dự án được lựa chọn từ 1.518 ý tưởng
Ngày 28/9, tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, hơn 200 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của các bạn học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường nghề đã tranh tài tại Vòng Bán kết Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp"- Startup Kite 2021.
Startup Kite 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Sau 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 1.518 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của các em học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Qua vòng sơ loại, ban tổ chức đã chọn được 205 dự án thuộc 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh thành vào Vòng Bán kết.
Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, chủ đề cuộc thi năm nay là các ý tưởng, dự án trong mọi lĩnh vực nhằm hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh Covid-19 và trạng thái bình thường mới.
Vòng Bán kết cuộc thi Startup Kite 2021 kéo dài từ ngày 28/9- 2/10. Các ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá trên các tiêu chí: Tính mới, sáng tạo; Tính khả thi và cạnh tranh; Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh mùa dịch; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế.
Những dự án độc đáo, có tính khả thi cao
Nhiều ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gây ấn tượng của Ban tổ chức. Trong đó, dự án "đồng hồ thông minh cho người khiếm thính" của đội thi đến từ trường Cao đẳng FPT Polytechnic.
Hương Giang, thành viên đội thi trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, tính khả thi của dự án này đến 90%. Những sản phẩm này chưa có nhiều trên thị trường còn sản phẩm tương tự họ chưa sản xuất được nhiều vì khá cồng kềnh và chưa có thiết bị đeo tay như thế. Sản phẩm của nhóm đã cải tiến để đáp ứng tiêu chí gọn và tiện dùng.
Cơ chế hoạt động của sản phẩm là người khiếm thính sẽ tiếp nhận giọng nói từ người ngoài thông qua chiếc đồng hồ thông minh. Chiếc đồng hồ sẽ hiển thị phụ đề để cho họ biết được người ta đang giao tiếp cái gì. Thứ hai, chiếc đồng hồ này có cảnh báo rung khi người khiếm thính đến các khu vực đông đúc hoặc là không an toàn. Ngoài ra, nó cũng có những chức năng như một chiếc đồng hồ thông minh bình thường như là thời gian, đo nhiệt độ, thời tiết, nhịp tim. Dự kiến, một chiếc đồng hồ thông minh dành cho người khiếm thính có giá từ 1,7 triệu trở lên.
Mặc dù gặp nhiều thử thách trở ngại về thời gian, kinh phí và các thành viên trong nhóm đều học chuyên ngành thiết kế đồ họa do vậy việc thiết kế app, viết mã code gặp nhiều trở ngại nhưng nhóm đã không ngừng cố gắng hoàn thiện.
Em Vũ Thế Huynh, một thành viên khác của nhóm "đồng hồ thông minh cho người khiếm thính" cho biết, toàn bộ quá trình từ lên ý tưởng, thiết kế 3D, xây dựng dự án… hoàn toàn là do các thành viên trong đội thực hiện. Các thầy cô trong trường chỉ đánh giá, nhận xét chứ không hề can thiệp vào quá trình sáng tạo.
Một dự án khởi nghiệp khác cũng gây ấn tượng với Ban giám khảo cuộc thi, đó là dự án Sports For all của nhóm sinh viên đến từ trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội.
Em Vũ Hương Trang, đại diện nhóm cho biết, thực tế nhiều bộ môn thể thao truyền thống, trẻ em ở lứa tuổi nhỏ sẽ không đủ khả năng về thể chất để chơi. Do vậy, dự án sẽ thiết kế những trò chơi phù hợp với trẻ em trên nền tảng của thể thao giải trí.
Em Ngô Ngọc Thành chia sẻ, mỗi môn trong dự án là sự tích hợp giữa hai môn thể thao như Footgolf kết hợp bóng đá và golf. Các môn này thú vị, thân thiện hơn với trẻ em.
Dự án khắc phục thực tế nhiều người cao tuổi, trẻ em vận động ít, không gian tập luyện chật hẹp, đòi hỏi cao về thể chất... Chẳng hạn, nhiều em nhỏ muốn chơi bóng đá nhưng không đủ thể lực để chơi thì Footgolf đề cao sự chính xác hơn sức mạnh.
Đại diện nhóm cho biết, dự án hoàn toàn có tính khả thi và thực tế đã có sản phẩm đưa ra thị trường. 3 tháng đầu tiên, dự án sẽ bán 40 sản phẩm tới 40 trường học trên toàn quốc. Qua khảo sát, cứ 10 người thì có 2 người quan tâm, muốn mua sản phẩm. Việc chuyển giao giáo án tập luyện đơn giản, thời gian ngắn, giá cả phải chăng nhất để áp dụng trong trường học, bệnh viện.
"Chúng em đang hợp tác với bên Recsports trong 3 tháng có thể liên kết được với 40 trường và đặt các bộ môn sản phẩm này tại hai nông trường để giúp trẻ em trải nghiệm", em Vũ Hương Giang chia sẻ.
Ngoài ra, cuộc thi còn giới thiệu các ý tưởng như thiết bị ngoại vi Journeys hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật, giường thông minh cho người cao tuổi...
Ban tổ chức cũng đã mời các doanh nhân trẻ thành đạt là thành viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp Việt Nam làm thành viên Ban giám khảo và đồng hành, đánh giá ý tưởng khởi nghiệp của các học sinh, sinh viên trường nghề.