Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đạt HCV Kỳ thi tay nghề ASEAN
(Dân trí) - Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 được tổ chức tại Thái Lan vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã vinh dự có thí sinh Nguyễn Tấn Toàn, Khoa Công nghệ thông tin đoạt HCV nghề lắp cáp mạng công nghệ thông tin.
Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng nhà trường về kết quả đáng tự hào này.
- Xin chào ông! Là trường đầu tiên của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có thí sinh đạt HCV tại một Kỳ thi tay nghề ASEAN, xin ông cho biết, quá trình chuẩn bị của nhà trường để có được kết quả trên?
PGS.TS Cao Hùng Phi: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ LĐTBXH có truyền thống đào tạo các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ nên việc tổ chức đào tạo luôn theo sát định hướng phát triển kỹ năng nghề nghiệp của khu vực và thế giới. Sứ mạng của nhà trường cũng thể hiện rõ hướng phát triển sao cho người học có trình độ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp ngang tầm với sinh viên (SV) các trường đại học trong khu vực và thế giới. Chính nhờ định hướng phát triển ngay từ đầu nên hàng năm, nhà trường luôn có chiến lược đào tạo và có chủ trương tổ chức cho SV tham gia các kỳ thi cấp quốc gia, khu vực và thế giới. Trường đã đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo thường xuyên cũng như huấn luyện nâng cao cho ứng viên dự thi. Cán bộ giảng dạy cũng được tiếp nhận công tác huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn theo sát các tiêu chí của từng mùa thi để cập nhật các thông tin mới nhất. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng giáo viên luôn được cập nhật kiến thức và công nghệ mới tương ứng với trình độ thế giới.
- Xin ông cho biết, việc tham gia các Kỳ thi tay nghề đã mang lại những lợi ích gì cho nhà trường?
PGS.TS Cao Hùng Phi: Với thành tích Huy chương Vàng vừa đạt được, chúng tôi nghĩ thành tích này nói lên sự nỗ lực phấn đấu lâu dài, bền bỉ của thí sinh, của cán bộ huấn luyện và định hướng phát triển đúng đắn của nhà trường. Những lợi ích mà nhà trường có được là rất lớn, đó là uy tín, là thương hiệu của một trường đại học; là sự tin tưởng của lãnh đạo các cấp, là nguồn động viên to lớn cho sự phấn đấu tiếp theo trong những năm tới. Lợi ích mà chúng tôi cho là lớn nhất đó là người học: SV của trường đang học cũng như đã tốt nghiệp có cơ hội tìm việc làm rất tốt bởi vì nhiều nơi đã biết và tin tưởng vào kiến thức và kỹ năng của các em. Qua sự kiện này khẳng định năng lực đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long ngang tầm các nước trong khu vực.
- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Vậy nhà trường đã có các chính sách đào tạo như thế nào để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho khu vực này?
PGS.TS Cao Hùng Phi: Với vị trí đặt tại Thành phố Vĩnh Long, một thành phố được xem là trung tâm năng động trong khu vực ĐBSCL, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã có những chính sách, chiến lược phát triển lâu dài để trở thành nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao:
- Về lĩnh vực ngành đào tạo: Nhà trường xác định những danh mục ngành nghề sát với nhu cầu lao động của địa phương như Công nghệ thực phẩm, Thú y, Công nghệ Sinh học, Du lịch bên cạnh những ngành truyền thống về công nghệ kỹ thuật trước đây.
- Về đội ngũ cán bộ: Nhà trường có chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao, có chính sách khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước.
- Về chương trình đào tạo: Hội đồng khoa học của Trường thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo theo hướng mở, giúp người học cập nhật các kiến thức mới, thay thế những nội dung không còn phù hợp.
- Về công tác tổ chức đào tạo: SV của trường có thời gian thực hành tối thiểu 30% khối lượng kiến thức toàn khóa, có thời gian thực tập tại doanh nghiệp và được tổ chức đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn quốc gia.
- Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo: Nhà trường được trang bị cơ sở vật chất rất hiện đại nhờ các dự án đầu tư của Bộ LĐTBXH theo các chương trình hàng năm. Nhà trường không đặt mục tiêu lợi nhuận trong hoạt động nên kinh phí đầu tư cho mua sắm vật tư giảng dạy được ưu tiên.
- Đầu ra, hay tạo việc làm cho SV khi ra trường là yếu tốt quyết định đến chất lượng đào tạo. Xin ông cho biết nhà trường đã có giải pháp gì để thu hút học sinh học nghề?
PGS.TS Cao Hùng Phi: Có thể nói đây là thế mạnh của nhà trường trong nhiều năm qua và những năm sắp tới. Lý do là trong giai đoạn này, sự phát triển rất mạnh của khoa học kỹ thuật và công nghệ nên hầu hết SV học các ngành công nghệ kỹ thuật của trường đều có việc làm không chỉ ở địa phương mà còn ở các thành phố lớn, thậm chí có SV là thực tập sinh ở nước ngoài.
Theo chúng tôi giải pháp hữu hiệu để thu hút người học nghề đó là việc làm sau tốt nghiệp chứ không phải công tác tư vấn tuyển sinh hay công tác quản lý SV trong thời gian các em học. Phương pháp đào tạo cũng là một yếu tố quan trọng nhưng hiện nay về phương pháp có nhiều điểm khác biệt so với trước đây (không đòi hỏi người dạy phải chăm chút giáo án hay bắt buộc SV phải có mặt trên lớp bao nhiêu thời gian…). Thực tế cho thấy, SV sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để học cái gì mà họ cần hơn là được học miễn phí cái mà các trường muốn dạy cho họ (thậm chí họ còn được tiền học).
- Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ, vậy nhà trường đã có những kế hoạch cụ thể nào để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát phát triển?
PGS.TS Cao Hùng Phi: Với đặc thù là trường vừa có công nghệ vừa có kỹ thuật nên chúng tôi đã có chiến lược phát triển trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường đã đầu tư đáng kể cho công tác đào tạo cán bộ chuyên lĩnh vực này. Song song đó, các ngành mũi nhọn của trường cũng đã đưa vào nghiên cứu, triển khai các ứng dụng có hàm lượng khoa học cao như: công nghệ sinh học, công nghệ gia công chính xác, công nghệ năng lượng điện mặt trời. Tổ chức đào tạo trực tuyến, đào tạo bằng hình thức E-learning một số nội dung phù hợp.
Xin cảm ơn ông! Chúc cho nhà trường luôn vững mạnh, phát triển, mọi SV ra trường đều có việc làm, góp phần xứng đáng vào sự phát triển khoa học - công nghệ khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế đất nước nói chung!
Thùy Hương (thực hiện)