Sinh viên trường Đại học Đại Nam có cơ hội nhận 2 bằng tốt nghiệp
(Dân trí) - Bằng tốt nghiệp từ Đại học Minnesota là một trong những bằng cấp có giá trị trên thế giới, giúp sinh viên trường Đại học Đại Nam tìm việc tốt, có cơ hội trải nghiệm cuộc sống tại Mỹ với học bổng tới 6.000 USD/năm do Đại học Minnesota cấp.
Quốc tế hóa giáo dục, đào tạo sinh viên trở thành công dân toàn cầu là định hướng phát triển của trường Đại học Đại Nam giai đoạn 2023 - 2030. Để hiện thực hóa chiến lược phát triển đó, tạo dựng môi trường học tập năng động, hiện đại, xuyên biên giới cho sinh viên; giúp sinh viên có cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân vượt trội sau khi ra trường, Đại học Đại Nam hợp tác, triển khai chương trình đào tạo song bằng với các trường đại học Hoa Kỳ, Úc và Malaysia.
Vừa qua, trường Đại học Đại Nam tiếp tục ký kết hợp tác đào tạo với trường Đại học Minnesota Duluth, là trường đại học thành viên của Đại học Minnesota - xếp hạng thứ 41 trên thế giới theo Bảng xếp hạng học thuật của các trường đại học thế giới (ARWU) năm 2019 và xếp thứ 100 theo The Higher Education 2022.
Tham dự lễ ký kết, về phía Đại học Minnesota Duluth có TS. Karl Markgraf - Giám đốc, Trưởng phòng chương trình và dịch vụ quốc tế; TS. Praveen Aggarwal - Hiệu trưởng trường Kinh tế và Kinh doanh Labovitz, ĐH Minnesota Duluth.
Về phía Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội có bà Kate Barlett - Tùy viên văn hóa; bà Nguyễn Đặng Minh Chính - Cố vấn cao cấp về giáo dục Hoa Kỳ; bà Bùi Phương Anh - Cố vấn giáo dục Hoa Kỳ.
Về phía trường ĐH Đại Nam, có TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường, PGS. TS. Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng; cùng các thầy cô trong ban giám hiệu, lãnh đạo khoa quản trị kinh doanh và đại diện lãnh đạo các phòng, ban trong trường.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, TS. Lê Đắc Sơn đánh giá cao sự hợp tác giữa trường Đại học Đại Nam và Đại học Minnesota Duluth, đồng thời tin tưởng sự hợp tác sẽ thúc đẩy phát triển giáo dục của cả hai bên cũng như làm khăng khít thêm quan hệ ngoại giao của hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ.
TS. Praveen Aggarwal - Hiệu trưởng trường Kinh tế và Kinh doanh chia sẻ, đây là chuyến thăm và làm việc thứ hai của trường Đại học Minnesota Duluth tại Đại học Đại Nam, đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình hợp tác toàn diện giữa 2 bên, nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác liên kết đào tạo trong giáo dục đại học, giúp cả 2 trường đạt được mục tiêu tương tác toàn cầu.
Theo đó, bắt đầu từ năm học 2023-2024, hai bên bắt đầu thực hiện chương trình song bằng 2+2, cho phép sinh viên Đại học Đại Nam học tại Việt Nam trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 sẽ chuyển tiếp sang học tại Đại học Minnesota Duluth, hoàn thành chương trình học tập, nhận bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh - chuyên ngành Quản trị và Khởi nghiệp.
TS. Praveen Aggarwal cũng cho biết, Đại học Minnesota Duluth đã phát triển các chương trình học bổng, hỗ trợ sinh viên Đại Nam hoàn thành chương trình Cử nhân liên kết song bằng với mức chi phí hợp lý. Cụ thể, sinh viên DNU sẽ được Minnesota Duluth tài trợ học bổng lên đến 6.000 USD/sinh viên/năm.
Sinh viên trường Đại học Đại Nam tham gia chương trình song bằng 2+2 sẽ nhận được bằng Cử nhân từ cả 2 trường đại học và sau đó có thể học tiếp lên chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh trong vòng một năm của Đại học Minnesota Dulut. Như vậy, sinh viên có thể nhận được 3 bằng tốt nghiệp trong vòng 5 năm.
"Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội cho sinh viên những chuyên ngành khác, giúp hợp tác 2 bên đạt hiệu quả vượt trội. Ngoài chương trình trao đổi sinh viên, chúng tôi mong đợi hợp tác trên các lĩnh vực khác, bao gồm: trao đổi cán bộ, giáo viên giữa 2 trường, nghiên cứu khoa học, hội nghị và hội thảo, các chương trình du học…", TS. Praveen Aggarwal nói.
Đại học Minnesota Dulut cam kết vì sự cộng tác tương trợ lẫn nhau giữa 2 bên, hỗ trợ sinh viên và giảng viên trao đổi và tích lũy kiến thức. Trường hợp tác với Đại học Đại Nam, xây dựng một tình bạn khăng khít, gắn bó, toàn diện trong nhiều năm tới.
Tại Việt Nam, trường Đại học Minessota đang hợp tác với ba trường: Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Ngoại thương, và Đại học Vinuni.