Thanh Hóa:

Sinh viên sư phạm được "hứa đầu ra" chật vật tìm việc sau tốt nghiệp

Trần Lê

(Dân trí) - Vào ngành sư phạm chất lượng cao với niềm tin, hi vọng khi ra trường sẽ được bố trí việc làm. Tuy nhiên, gần một năm sau ngày tốt nghiệp, người đi dạy hợp đồng, người đang lo đi tìm công việc khác…

N., tốt nghiệp ngành sư phạm tại Trường đại học (ĐH) Hồng Đức theo đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH ngành sư phạm chất lượng cao. Sau khi tốt nghiệp, N. tự liên hệ các trường để dạy hợp đồng.

Chia sẻ với Dân trí, N. cho biết, ban đầu, khi được tuyển sinh vào trường, N. và nhiều sinh viên khác được tuyên truyền nếu trúng tuyển sau này sẽ được bố trí việc làm. Tuy nhiên, khi học đến năm thứ 3, thông tin các em nhận được là sau khi ra trường sẽ ưu tiên tuyển dụng mà thôi.

Sinh viên sư phạm được hứa đầu ra chật vật tìm việc sau tốt nghiệp - 1

Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tìm đầu ra cho những sinh viên tốt nghiệp từ Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức (Ảnh: ĐHHĐ).

Về quá trình học, theo N. có những môn thì học chung còn môn chuyên ngành được bố trí lớp học riêng.

Chia sẻ về dự định tương lai, N. cho biết, trước mắt đang xin đi dạy hợp đồng, còn sau này nếu có đơn vị nào tổ chức thi để tuyển dụng thì sẽ tham gia dự thi như các trường hợp khác.

Cũng như N., trong 2 năm đầu sau khi đăng ký vào học ngành sư phạm chất lượng cao, T. được nghe thông tin sau khi tốt nghiệp sẽ được bố trí việc làm. "Từ năm 3 trở đi, do không biết quy chế hay sao mà nhà trường chỉ nói được ưu tiên tuyển dụng, chứ không được bố trí việc làm", T. chia sẻ.

Hiện tại, T. đang tự liên hệ và đi dạy hợp đồng ở một số trường học. Thời gian qua, T. theo dõi và được biết nhà trường có gửi công văn đến các sở, ngành về việc đề nghị xây dựng kế hoạch tuyển dụng các trường hợp như T. trên cổng thông tin của nhà trường.

"Sau khi tốt nghiệp, em đợi khi nào có đợt tuyển dụng thì nộp hồ sơ thi tuyển, không thì xem xin vào các trường tư, hoặc các trường đang thiếu giáo viên để hợp đồng đi dạy thôi. Giờ đã học thì phải đi theo nghề thôi. Đi học cũng mong ra có việc nhưng mà không làm khó nhà trường. Đi học nhà trường cũng tạo điều kiện rất nhiều rồi và nhà trường không thể quyết định được vấn đề việc làm cho bọn em. Nếu được phân công cũng tốt, không được phân công thì bọn em cũng phải cố gắng tìm công việc khác thôi", T. chia sẻ.

Trước khi đi đến quyết định lựa chọn vào học ngành sư phạm chất lượng cao tại Trường ĐH Hồng Đức, theo T., em đã phải đánh đổi rất nhiều cơ hội. Cũng có người đậu ở các trường khác nhưng không đi học mà ở lại học, vừa gần nhà và hi vọng sau này có cơ hội việc làm và giúp cho quê hương.

Sau khi ra trường, Tr. đi làm một số nơi nhưng đang hợp đồng chứ chưa chính thức, chưa ổn định và có thể phải nghỉ việc bất cứ lúc nào.

"Lúc đầu vào bọn em được giới thiệu những người đảm bảo tiêu chí đầu vào thì sẽ được tuyển dụng sau khi ra trường", Tr., cho biết.

Cũng như N., T. và nhiều sinh viên khác, trước khi quyết định chọn vào ngành sư phạm chất lượng cao tại Trường ĐH Hồng Đức, Tr. có đăng ký một số ngành ở các trường khác nhưng khi nghe thông báo được đảm bảo việc làm sau khi ra trường nên em tin tưởng hơn và đã lựa chọn ngành này để theo học.

"Em cũng như các bạn khác, mong nhà trường thực hiện đúng như cam kết trong giấy báo nhập học. Trước hết bọn em tự xin việc, may mắn thì làm trong ngành giáo dục, còn không thì việc khác cũng không sao", Tr, chia sẻ.

Như Dân trí đã phản ánh, Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức được triển khai từ năm 2018. Có 4 ngành được mở, đào tạo gồm: Sư phạm toán, vật lý, ngữ văn và lịch sử.

Kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2018-2022 có tổng 239 sinh viên tại 4 ngành. Khóa 2018-2022, đã có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại Xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi.

Tháng 7/2022, Trường ĐH Hồng Đức đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành chức năng đề nghị xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp từ Đề án. Tỉnh Thanh Hóa đã giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan trên cơ sở đề nghị của Trường ĐH Hồng Đức, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, nhu cầu sử dụng giáo viên của tỉnh hiện nay, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Trước đó, ngày 2/4/2018, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên.

Theo đó, để triển khai có hiệu quả Đề án, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, kịp thời bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tiêu tuyển dụng là 20 chỉ tiêu/ngành/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Việc tuyển dụng viên chức phải thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Tuy nhiên, qua trao đổi với đại diện Sở GD&ĐT cũng như Trường ĐH Hồng Đức thì việc đào tạo ra tuyển dụng ngay là không có. Việc tuyển dụng viên chức phải tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Hồng Đức, quá trình triển khai, nhà trường thấy rằng đã hoàn thành sứ mạng nên bắt đầu từ năm 2023 chính thức dừng tuyển sinh ngành sư phạm chất lượng cao.

Theo Sở GD&ĐT, đối với THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, so với biên chế tỉnh giao còn thiếu 280 giáo viên, còn theo định mức quy định của tỉnh còn thiếu 530 giáo viên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm