Sinh viên ra trường "nóng lòng" được thăng chức

(Dân trí) - 43,2% sinh viên, cựu sinh viên mong muốn lần thăng chức đầu tiên sau 2 năm kể từ khi làm việc, 33,6% mong muốn thăng chức sau một năm đi làm. 10% mong muốn mức lương khởi điểm trên 10 triệu đồng.

Kết quả khảo sát nhà tuyển dụng 2013 về phát triển nghề nghiệp của sinh viên (SV) và lao động Việt Nam do mạng Việc làm và Tuyển dụng CareerBuilder thực hiện từ ngày 16/9 - 15/11/2013.

17.120 ứng viên tham gia khảo sát là cựu SV đã tốt nghiệp ĐH trong vòng 3 năm trở lại đây và là SV đang theo học tại nhiều trường ĐH trên cả nước. Trong đó, gần 26% SV trong lĩnh vực về Ngân hàng, Tài chính.

Sinh viên ra trường nóng lòng được thăng chức
Gần 77% sinh viên trong hơn 17.000 người được khảo sát mong muốn được lên chức sau 1 đến 2 năm làm việc. 

Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn SV (47,9%) chọn làm việc từ 40-50 giờ/tuần tuần là chấp nhận được cho các vị trí bắt đầu. 23,3% mong muốn mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng và 43,2% mong muốn có lần thăng chức đầu tiên sau 2 năm làm việc.

Có đến 33,6% mong muốn thăng chức lần đần tiên trong vòng 1 năm sau khi đi làm. Chỉ 3,4% mong muốn thăng chức từ 5 năm trở lên.

Khoảng một phần ba số đối tượng khảo sát (30.9%) mong muốn được lên cấp quản lý sau 3 năm làm việc, 16,5% mong muốn lên quản lý sau 2 năm.

Đối với đối tượng có kết quả học tập tốt chấp nhận thời gian làm việc 40 - 50 giờ/tuần (57%). Nhưng 25,3% mong muốn mức lương khởi điểm từ 6 - 7 triệu đồng/tháng và lần thăng chức đầu tiên sau 1 năm (39,4%). Nhóm đối tượng này cũng mong muốn trở thành quản lý trong vòng 3 năm (39,4%).

10% tổng số người được khảo sát mong muốn có mức lương khởi điểm trên 10 triệu đồng.

22,3% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ tìm được việc trong vòng 1 tháng sau khi tốt nghiệp, 7,8% đã có lời mời công việc trước khi tốt nghiệp.

Tỷ lệ rất ít sinh viên kiếm việc làm qua phòng hướng nghiệp tại trường ĐH. 
Tỷ lệ rất ít sinh viên kiếm việc làm qua phòng hướng nghiệp tại trường ĐH. 

Phần lớn đối tượng khảo sát cho rằng “Cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn” là yếu tố quan trọng nhất khi cân nhắc nhiều cơ hội việc làm. 89,1% số đối tượng xếp hạng đây là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc chọn lựa nhà tuyển dụng của họ.

Trái lại, “Giờ làm việc ngắn nhất” có số điểm trung bình thấp nhất trong các yếu tố, chỉ có hơn một phần năm (20,2%) cho rằng đây là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng.

Hơn 9/10 đối tượng khảo sát (92,5%) cho biết họ không ngại chấp nhận một vị trí làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Trong nhóm này, 26,5% chắc chắn sẽ chấp nhận công việc dù công việc đó theo hợp đồng và 66,1% cho biết họ có thể sẽ chấp nhận vị trí này. Chỉ có 1,8% cho biết họ chắc chắn không chấp nhận một công việc theo hợp đồng có thời hạn.

Một điều đáng lưu ý là có đến 91,8% (15.710 lượt chọn) ghi nhận trang tìm việc trực tuyến là kênh tìm việc thường dùng nhất của họ. Trong khi đó, kênh tìm việc qua phòng hướng nghiệp của nhà trường ĐH chỉ có 936 lượt chọn, đứng thấp nhất trong 7 kênh tìm việc trong bảng khảo sát như qua trang web công ty, các mối quan hệ cá nhân, hội chợ việc làm, công ty môi giới tuyển dụng...

Hoài Nam