Du học sinh về nước, khoan vội... “hét” lương

(Dân trí) - Có nhiều lợi thế so với sinh viên học trong nước nhưng khi quay về lập nghiệp, du học sinh cần nhìn nhận thực tế lương khởi điểm ở Việt Nam không cao. Muốn bám trụ, họ cần kiên trì với mục tiêu nghề nghiệp lâu dài.

“Đi để học tập - đi để trở về” là chủ đề của Ngày hội du học và khởi nghiệp 2013 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp cùng Hội Du học sinh TPHCM tổ chức vào ngày 26/12. Ngày hội thu hút sự tham gia của gần 400 cựu du học sinh (DHS), DHS và những bạn sắp đi du học.

“Hét” lương: Tự xây rào cản cho sự trở về

Khi về nước, DHS có rất nhiều băn khoăn về môi trường làm việc, vị trí và mức đãi ngộ. Theo kết quả khảo sát của Công ty nhân sự SHD đối với 350 DHS có trên 60% quyết định ở lại nước sở tại làm việc vì cho rằng lương thưởng tại Việt Nam chưa xứng đáng với công sức, tiền bạc họ đầu tư cho việc học ở nước ngoài. Đối với nhóm DHS về nước, có đến 83% không hài lòng về chuyện lương, thưởng.

Nhiều du học sinh khi trở về nước băn khoăn mức lương thưởng khởi đầu.
Nhiều du học sinh khi trở về nước băn khoăn mức lương thưởng khởi đầu.

Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng GĐ Talentnet cho hay, đặc điểm của thị trường Việt Nam là lương khởi điểm rất thấp so với các nước. Các bạn ra trường nếu xác định mục tiêu về Việt Nam kiếm tiền thì đây không phải là cơ hội.

Đổi lại, cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài, thể hiện đam mê, khát vọng thì Việt Nam lại là một nơi rất tốt. Ở nước ngoài các bạn chỉ có thể ở cấp quản lý, chứ rất khó để tiến tới quản lý cấp cao - thậm chí là không thể. Ở Việt Nam, bạn có cơ hội này.

Bà Yến Trinh cho rằng, DHS về nước nếu chỉ nhìn vào lương thì chưa đủ mà cần có cái nhìn bức tranh tổng thể về thị trường, mong muốn của doanh nghệp và về con đường nghề nghiệp lâu dài của mình. Khởi đầu lương cao chưa hẳn đã là nơi tốt mà các bạn có thể phát triển công việc ở vị trí chuyên viên, trưởng nhóm sau lên quản lý, quản lý cấp cao bởi các bạn có rất nhiều lợi thế so với sinh viên học trong nước. Trong khi chênh lệch giữa lương khởi điểm và quản lý ở Việt Nam lại rất cao.

Vậy nên, khi về nước, DHS nên cân đối mong muốn về tài chính, vị trí làm việc tương đối sao cho phù hợp với thực tế để có những trải nghiệm khẳng định năng lực bản thân.

“Đi du học về, bạn có những lợi thế, khác biệt nhất định. Tuy nhiên, hiếm công ty nào chấp nhận tuyển bạn ở một vị trí cao khi bạn chưa nắm bắt được môi trường, văn hóa, điều lệ cũng như các hoạt động tại thị trường Việt Nam. Vậy nên, bạn phải có sự kiên trì”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Lương chưa cao nhưng được nhiều thứ

Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng GĐ Công ty Bachy Soletanche Việt Nam chia sẻ với các bạn DHS cách “chấm điểm” cho việc ở lại hoặc trở về để có lựa chọn phù hợp.

Các bạn cần vạch ra hết những cái được - mất giữa việc ở lại và trở về nước. Ở lại, có thể bạn có lương cao, có nhà, xe cửa, môi trường làm việc và bạn sẽ mất những điều gì? Còn về nước, khởi đầu thu nhập chưa cao nhưng nếu quyết tâm rồi bạn cũng sẽ làm được.

“Khi trở về, cái được về tinh thần rất lớn, chưa nói đến việc mình quay về xây dựng đất nước. Khi người thân ốm đau, mình có thể bên cạnh, có thể làm nhiều điều bản thân mong muốn.

Nếu tôi ở lại Pháp, giờ đây tôi đâu có thể ở đây để nói chuyện, chia sẻ như thế này với các bạn mà cùng lắm chỉ có thể viết bài gửi về”, ông Quang nói.

Nhiều du học sinh khi trở về nước băn khoăn mức lương thưởng khởi đầu.
Những người đi trước cho rằng, trong nước có rất nhiều cơ hội phát triển lâu dài cùng nhiều giá trị tinh thần. Trong ảnh: Du học sinh tại TPHCM tham vào một hoạt động kết nối tại TPHCM.

Ông Quang cũng gửi gắm, cơ hội khi trở về nước rất lớn nhưng đòi hỏi sự cố gắng liền tục, bền bì chứ không dành cho những người kỳ vọng chỉ 1 - 2 năm có ngay vị trí, mức lương mơ ước.

Ủng hộ xu hướng DHS quay về nước lập nghiệp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đánh giá môi trường kinh doanh đầu tư ở Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc và sẽ còn tiếp tục sáng sủa, lạc quan hơn nữa bởi xu thế hội nhập. Vấn đề phát triển đến đâu tùy thuộc và nội lực của mỗi người.

Ông Hạnh Nguyễn chỉ ra, tình trạng nhiều DHS gặp phải là học một ngành nhưng ra trường có thể làm một ngành khác nên không phát huy được hết khả năng. Điều cần thiết là học ngành gì hãy tập trung vào ngành đó, có kinh nghiệm ở lĩnh vực nào hãy nắm bắt cơ hội thuộc lĩnh vực đó.

“Và để làm được như vậy, ngay trước khi đi du học các bạn phải xác định được việc học của mình một cách cụ thể phù hợp với sở thích, khả năng. Cần nhận diện được bản thân yêu gì, thích gì, muốn gì, bạn mới có thể thành công”, ông Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

 

“Ở nước ngoài, các bạn du học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận và phát triển bản thân. Nhưng nhiều bạn trở về nước cùng với tấm lòng và ý chí của mình, có bạn đến cả các vùng xa xôi, làng xã để góp sức rất đáng trân trọng. Các bạn có những đóng góp rất tích cực đối với sự phát triển của xã hội.” - Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam TPHCM.

Theo báo cáo trao đổi giáo dục quốc tế Open Doors 2013, Việt Nam nằm trong top 10 nước (hàng thứ 8) có nhiều du học sinh tại Mỹ. Năm 2012 - 2013, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ đạt con số 16.098 người.

Đến giữa năm 2013, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có số lượng du học sinh nhiều nhất tại Úc, trên 17.600 sinh viên. Chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc.

 
Hoài Nam