Sinh viên ngoại tỉnh tất tả tìm nhà trọ để trở lại trường học trực tiếp
(Dân trí) - Sau thời gian dài học online, việc đến trường học trực tiếp sau Tết gây nhiều khó khăn cho sinh viên ngoại tỉnh, đặc biệt là những sinh viên lần đầu bước chân vào giảng đường.
Trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học trên cả nước đã đưa ra thông báo học trực tiếp sau Tết cho các sinh viên như trường: Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa, Học viện Ngân hàng… Tuy nhiên, việc trở lại học sau Tết cũng gây ra nhiều khó khăn cho sinh viên.
Nửa mừng nửa lo lần đầu tới trường
Đoàn Thị Thúy Quỳnh (19 tuổi) đang là sinh viên năm thứ nhất của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại chất lượng cao. Quỳnh đã học online suốt học kỳ đầu tiên của đời sinh viên, ngày 16/2 là cơ hội lần đầu được tới giảng đường của nữ sinh này.
Nhận được thông báo của nhà trường, Quỳnh không thể giấu được sự hào hứng: "Em rất vui vì sau bao tháng ngày chờ đợi, em cuối cùng đã có cơ hội được bước chân đến ngôi trường mà mình đã nỗ lực rất nhiều để thi vào". Đặc biệt, Quỳnh mong muốn sớm được gặp những người bạn, anh chị cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ.
Với sự thoải mái của việc học online trong suốt kỳ học đầu tiên, Thúy Quỳnh cảm thấy chưa thực sự sẵn sàng. Em chia sẻ đi cùng sự hào hứng là chút lo lắng vì phải thích nghi với cách học trực tiếp cũng như tâm lý xa nhà. Chưa từng tới Hà Nội, việc phải tìm căn trọ phù hợp đối với Quỳnh cũng gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, Quỳnh đã bắt đầu tìm nhà từ tháng 10/2021, thời điểm có nhiều tin đồn về việc các trường cho quay trở lại học trực tiếp. Thế nhưng, vì việc tìm kiếm không được như ý nên Quỳnh đã tạm gác lại cho tới khi có thông báo chính thức từ nhà trường.
Thúy Quỳnh tâm sự: "Tìm phòng trọ từ xa khó khăn vì nhiều phòng trên ảnh không giống thực tế cho lắm. Em cũng không thông thuộc đường đi, ngõ ngách để dễ lựa chọn phòng ở thuận tiện. May thay, em có họ hàng trên Hà Nội nên khi thấy ưng phòng nào thì em sẽ nhờ người nhà qua xem thử".
Ngay trước Tết Nguyên đán, Quỳnh và bạn học đã tìm được một căn phòng ưng ý. "Bạn cùng phòng của em cũng là bạn học cùng cấp 3, hiện là sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Đã quen nhau một thời gian dài, em tin rằng cả hai sẽ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn của cuộc sống xa nhà", Quỳnh cho biết.
Điều chỉnh lại việc học và làm việc
Khi nghe tin trường thông báo quay trở lại, Nguyễn Đình Hưng (21 tuổi) cảm thấy vừa vui vừa buồn: "Vui vì sau nửa năm ở nhà, mình cũng sẽ được gặp lại thầy cô và bạn bè, buồn vì quay trở lại trường đồng nghĩa với việc không thể vừa học online vừa đi làm toàn thời gian được nữa".
Đối với sinh viên năm 3 như Hưng, cảm xúc vui vẫn chiếm nhiều hơn cả. Khi chỉ còn một năm tại đại học, bạn cũng mong muốn được học trực tiếp để có cơ hội thực tập, làm dự án nghiên cứu với thầy cô.
Hưng cho biết, hai khó khăn lớn nhất chính là việc tìm chỗ ở và công việc. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, Hưng đã trả phòng trọ cách đây vài tháng để giảm bớt gánh nặng chi phí. Việc tìm nhà trọ một lần nữa vào thời gian này cũng hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, khi học online, Hưng đã biết cách tận dụng được việc vừa học vừa làm việc toàn thời gian, đi thực tập để tích lũy kinh nghiệm. Thế nên nếu đi học trở lại, Hưng đang đắn đo sắp xếp lịch học để đi làm hoặc là tập trung học, làm bán thời gian.
Bản thân Hưng cho rằng việc đi học tập trung tại trường sau Tết là một việc vừa cần thiết và không cần thiết. Bạn cho rằng đối với những môn yêu cầu chuyên môn cao, cần hướng dẫn cụ thể từ giảng viên thì cần thiết học trực tiếp. Còn với những môn học linh hoạt giảng dạy trực tuyến, sinh viên không cần thiết đến trường.
Hiện tại, Đình Hưng chưa muốn quay lại trường vì lo sợ dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý học tập: "Hà Nội vẫn luôn dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19, sinh viên lại ở rất nhiều nơi quay trở lại nên mình vẫn lo sợ cảm giác phải cách ly hoặc có nguy cơ trở thành F0 với sức khỏe yếu".
Một phần khác, Hưng cũng đã quen với việc học online và thấy hình thức này dễ dàng và linh hoạt hơn cho bản thân. Trong các kì học online, Hưng vẫn có thể vừa làm toàn thời gian, vừa nhận được học bổng loại A của trường.
Quan ngại tình hình dịch bệnh
Khi nhận tin các trường khu vực Cầu Giấy quay trở lại học trực tiếp, Trần Minh Diệu An (20 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã sự chuẩn bị cho riêng mình mặc dù nhà trường chưa có thông báo chính thức.
Diệu An cho rằng việc sinh viên được trở lại sau một thời gian dài là một dấu hiệu tích cực đối với tình hình dịch bệnh ở nước ta. Thế nhưng, bạn vẫn có những lo sợ với việc di chuyển từ Hà Tĩnh ra Hà Nội vào thời điểm này.
"Tình hình dịch đã có những cải thiện tuy nhiên không có nghĩa là không có nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt với biến thể Omicron đang dần lan rộng. Sử dụng phương tiện công cộng với mức độ tiếp xúc lớn khó có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thậm chí, sử dụng phương tiện cá nhân cũng không thể đảm bảo khi rất nhiều người cùng nhau tham gia giao thông", Diệu An chia sẻ.
Cùng chung nỗi lo, Mỹ Hân (21 tuổi, Học viện Ngoại giao) tuy mừng vì được quay trở lại trường nhưng vẫn e ngại nguy cơ dịch bệnh khi sinh viên các tỉnh trở lại học trực tiếp. Nhiều người bạn của Hân cũng gặp khó khăn trong việc tìm lại nhà trọ hay cơ hội việc làm vì hạn chế dịch bệnh.
Dù vậy, Hân cho biết bản thân đã sẵn sàng để quay trở lại trường sau Tết. Bạn cảm thấy việc trở lại trường sẽ có lợi cho khả năng tiếp thu cũng như sức khỏe tinh thần của mình.
"Mình nghĩ việc đi học trực tiếp và giao lưu cùng bạn bè đồng trang lứa là một trải nghiệm quan trọng cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, mình cũng cho rằng việc học sinh, sinh viên trở lại trường vào lúc này cũng cho thấy chúng ta đang dần thích ứng với "bình thường mới", một dấu hiệu tích cực khi dịch bệnh đã kéo dài hơn 2 năm", Hân bày tỏ.
Chuẩn bị cho lần quay lại này, bạn cho biết cũng trang bị các vật dụng như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn… để vừa chống dịch, vừa yên tâm học tập. Đồng thời, Mỹ Hân sẽ tiếp tục tuân thủ quy tắc 5K và giữ gìn sức khỏe trong thời gian tới.
Ảnh: NVCC