Sinh viên nghiên cứu công nghệ protein xét nghiệm nhanh Covid-19
(Dân trí) - Sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TPHCM đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm kháng nguyên protein giúp chủ động trong việc xét nghiệm nhanh Covid-19 mà không phụ thuộc nhập vật liệu nước ngoài.
Đây là một trong 4 ý tưởng đã vượt qua gần 60 sáng kiến trong nước và gần 2.000 dự án từ 79 quốc gia về ứng phó với đại dịch Covid-19 được nhận tài trợ từ Tổ chức Giáo dục ĐH Pháp ngữ (AUF).
Sáng kiến của nhóm nghiên cứu thuộc ĐHQG TPHCM cho phép các phòng thí nghiệm phát triển các bộ kit xét nghiệm Covid-19 giá rẻ, cho kết quả nhanh và chính xác nhờ công nghệ protein tái tổ hợp. Dự án được trường đại học phối hợp triển khai cùng một doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.
Dự án mang tên “Sản xuất protein gây đáp ứng miễn dịch của SARS-CoV-2” dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Chịu trách nhiệm chính cho nghiên cứu khoa học này là TS Nguyễn Thuỵ Vy - Trưởng bộ môn Di truyền, Khoa Sinh học-Công nghệ sinh học trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM.
Những ngày đầu tháng 6, TS Nguyễn Thuỵ Vy và các đồng sự sinh viên tất bật triển khai thực hiện công trình nghiên cứu và ký hợp đồng nhận tài trợ từ Tổ chức AUF. Khi hỏi về sáng kiến khoa học được tài trợ, nhà khoa học nữ này cho biết ý tưởng chính đến từ hai cô cậu sinh viên năm cuối là Lê Trần Đăng Khôi và Võ Hồ Mỹ Phúc.
Tiến sĩ Thuỵ Vy chia sẻ, với số tiền tài trợ khoảng 4.000 euro không phải là quá lớn để thực hiện một công trình nghiên cứu nhưng các nhóm thầy trò (3 giảng viên và 2 sinh viên - PV) đều rất vui bởi hi vọng dự án này sẽ đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng chống đại dịch Covid-19.
“Từ khi nhận được gợi ý của AUF về sáng chế ứng phó đại dịch Covid-19, nhóm chúng tôi đã cùng họp lại liệt kê rất nhiều chủ đề có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên để hoàn thành gấp rút trong 3 tháng, chúng tôi không thể thực hiện những ý tưởng về gen sâu hơn. Trùng hợp là ý kiến đề xuất của Phúc và Khôi đều đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu mà AUF đề ra”, Tiến sĩ Vy chia sẻ.
Giải thích về ý tưởng nghiên cứu này, cô sinh viên năm 4 Võ Hồ Mỹ Phúc cho biết: “Mọi người cũng biết rằng việc xét nghiệm phát hiện nhanh chóng phát hiện kháng thể nhằm đánh giá mức độ lây lan thật sự của SARS-CoV-2 trong cộng đồng và miễn dịch cộng đồng trở thành vấn đề nhiều nước đều thực hiện.
Nguyên tắc của xét nghiệm kháng thể dựa trên tương tác kháng nguyên và kháng thể, trong trường hợp này, kháng nguyên có thể là protein của virus có khả năng gây đáp ứng miễn dịch trong cơ thể người. Nghiên cứu của chúng em là tạo ra các protein tái tổ hợp phục vụ cho việc sản xuất các kit xét nghiệm”.
Lý giải thêm, Phúc cho biết: “Vấn đề hiện nay đa phần các kit xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể hiện nay ở Việt Nam đều nhập từ nước ngoài về. Thế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều các ca dương tính không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ yêu cầu phải được sàng lọc nhanh hơn. Nghiên cứu của nhóm chính là nền tảng tạo ra những kit chuẩn đoán nhanh, rẻ, phù hợp với tình hình Việt Nam”.
Bổ sung thêm, sinh viên Lê Trần Đăng Khôi chia sẻ: “Hiện tại, chúng ta phải nhập các nguyên liệu protein từ nước ngoài về để phục vụ cho việc chế tạo các kít xét nghiệm.
Thông qua dự án này, chúng em mong muốn giảm nhu cầu và tiết kiệm được chi phí nhập khẩu các protein kháng nguyên tái tổ hợp và kit chẩn đoán SARS-CoV-2 dựa trên kháng thể từ nước ngoài, đồng thời cung cấp quy trình có thể sản xuất nguồn vật liệu nền tảng cho các nghiên cứu về SARS-CoV-2 cho các phòng thí nghiệm trong nước.
Chúng em cũng mong rằng có thể đóng góp vào việc phát triển các kit chẩn đoán nhanh với giá thành rẻ và dễ tiếp cận, từ đó giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế và giúp Chính phủ đánh giá được tình hình miễn dịch trong cộng đồng để ban hành các chính sách hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống Covid-19”.
Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Vy cho hay, “Nghiên cứu của chúng tôi dự định sẽ thiết kế các plasmid (các phân tử DNA dạng vòng nhỏ) có gắn chèn trình tự gen đặc trưng mã hóa protein kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, sau đó chuyển các plasmid này vào tế bào vi khuẩn Escherichia coli nhằm lợi dụng khả năng tăng trưởng nhanh chóng và bộ máy sinh tổng hợp protein của vi khuẩn này để tổng hợp lượng lớn protein mục tiêu trong thời gian ngắn.
Chúng tôi cũng sẽ tiến hành đánh giá về mức độ tinh sạch, khả năng gắn chuyên biệt lên thụ thể trên bề mặt tế bào người và dự tính xa hơn là khả năng gắn đặc hiệu của các protein này với kháng thể trong huyết thanh của bệnh nhân đã hồi phục (nếu được cho phép tiếp cận mẫu huyết thanh lâm sàng).
Chúng tôi hy vọng có thể chuẩn hóa quy trình thực hiện nhằm chuyển giao cho các công ty và phòng thí nghiệm có mong muốn thực hiện các dự án nghiên cứu về Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt là phát triển các bộ kit chẩn đoán nhanh virus SARS-COV-2”.
Đánh giá về hai học trò của mình, TS Thuỵ Vy tự hào: “Là người hướng dẫn các em, tôi cũng bất ngờ vì khả năng làm việc của học trò mình. Từ khi nhận được gợi ý của AUF đến khi nộp ý tưởng chỉ có 2 tuần, nhưng các em hoàn thành báo cáo ý tưởng nhanh chóng bằng tiếng Anh mà không phải chỉnh sửa nhiều. Đây là dự án đầu tiên của sinh viên được nhận đầu tư của tổ chức quốc tế”.
TS Nguyễn Thuỵ Vy chia sẻ thêm, một trong hướng lớn của phòng thí nghiệm di truyền học của trường đã thực hiện nghiên cứu các protein tái tổ hợp để phối hợp nhiều công ty thực hiện được nhiều kit xét nghiệm bệnh khác.
Theo tiến sĩ Vy, dự án sản xuất protein gây đáp ứng miễn dịch của SARS-CoV-2 không chỉ góp sức với công cuộc chống đại dịch Covid-19 mà sẽ là cách truyền cảm hứng cho các sinh viên khác không ngại khi nghiên cứu khoa học.
Lê Phương